
Người đi bộ qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường... - Ảnh: Tư liệu TTO
Buổi tập thể dục sáng ở công viên gần nhà tôi trở nên rôm rả hẳn.
Người thì khơi mào: "Đường sá nhiều nơi chật chội nên đi bộ thế nào là đúng?". Người khẳng định "phải đi trên vỉa hè, lề đường". Người băn khoăn: "Có chỗ không có vỉa hè, lề đường hoặc có nhưng bị lấn chiếm hết thì phải làm sao?"...
Vẫy tay, giơ tay đi bộ qua đường, từ thói quen đến quy định
Nói qua nói lại rồi chuyển sang tranh luận khi ai đó đề cập đến chuyện băng qua đường. Người bảo "đi trên vạch dành cho người đi bộ và nhất định phải vẫy tay".
Người thì "không cần vẫy, chỉ cần giơ tay lên khỏi đầu là được". Người lắc đầu nguầy nguậy "vẫy hay giơ là tùy ý, không làm cũng chẳng sao". Người chắc nịch "luật mới yêu cầu phải vẫy hoặc giơ tay"... Chừng khi được xác định đâu đó rõ ràng mọi người mới vỡ lẽ.
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1-1-2025) thì người đi bộ phải đi trên vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ.
Trường hợp đường không có vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì phải đi sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình.
Cũng theo luật, người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ.
Trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay.
Lâu nay việc vẫy hay giơ tay báo hiệu khi đi bộ qua đường là một cách làm, thói quen tốt của nhiều người. Từ 1-1-2025 luật bắt buộc "phải có tín hiệu bằng tay" nhưng không phải ở mọi nơi mà chỉ là ở nơi không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường…
"Chịu khó bước lại vạch trắng thôi"
Theo quy định, phạt 600.000 đồng đối với các lỗi vi phạm nhiều nguy hiểm như mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy; đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).
Riêng việc không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định; đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định... thì mức phạt từ 150.000 - 250.000 đồng.
Vẫn còn nơi này nơi kia còn có chuyện giành chỗ hay người đi bộ không được xe cộ nhường đường nên việc đi lại có thể gặp không ít khó khăn, nhưng người đi bộ không thể lấy lý do đó để không đi đúng luật (trừ trường hợp bất khả kháng).
Nói như nhóm tập thể dục chỗ tôi là "phải chịu khó bước lại vạch trắng thôi", "cẩn thận vẫn hơn", "từ giờ phải tập đi như khi mình ra nước ngoài á"…
Chỉ có như thế thì mỗi cá nhân mới có thể tự bảo vệ được mình ở mức tốt nhất có thể, rồi mới có thể yêu cầu những người khác tham gia giao thông đúng luật.
Tôi an tâm chạy về nhà bằng xe gắn máy
Tôi có người thân, bạn bè vì mưu sinh nên ngày nào cũng mấy bận vất vả trên chiếc xe với cung đường giữa nhà và cơ quan, nên dù đã "ẩn cư trên núi sau khi nghỉ hưu", cứ mỗi lần đọc những tin tức về tai nạn giao thông là tim tôi như thắt lại.
Tôi từng đi nhiều nước và nhận thấy người tham gia giao thông các nước chấp hành rất tốt mà mong ước nếu như nước mình...
Rồi nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ "quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe" ra đời.
Thật sự tôi an tâm khi trở lại thành phố thăm nhà. Với chiếc xe hai bánh quen thuộc của mình, giờ tôi không lo lắng về việc nhiều xe vượt đèn đỏ nữa mỗi lần băng ngang một giao lộ.
Từ đường nhỏ băng ra đường lớn, tôi chỉ cần nhìn và nhường theo hướng xe chạy tới chứ không phải lo sợ các xe đi ngược chiều phía ngược lại nữa.
Và quan trọng nhất, các xe lớn đã xếp hàng nối đuôi nhau chứ không còn dám lấn vào phần đường của xe hai ba bánh nữa, trừ các làn đường hỗn hợp vẫn còn tình trạng này.
Thói quen người dân cũng dần thay đổi, khi ra đường đã nghiêm túc tuân thủ luật lệ giao thông.
Tai nạn giao thông đã giảm rõ rệt. Đó là kết quả mà tôi vẫn mong đợi lâu nay và tôi tin cũng là mong đợi của bao người dân khác.
Ngoài biện pháp xử phạt nghiêm theo quy định, cơ quan chức năng cần đảm bảo cơ sở hạ tầng cho người dân đi lại. Đường sá, cầu cống cần được phát triển về mặt số lượng cũng như chất lượng.
Cần phải phát hiện trước những nguy cơ có thể xảy ra cho các phương tiện tham gia giao thông để khắc phục, chứ không phải chờ tới lúc có tai nạn mới khắc phục như một số trường hợp lâu nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận