Thủ tướng đồng ý chủ trương lập ĐH Fulbright Việt NamHọc bổng Fulbright năm học 2015-2016Tôi không phải típ người yêu Việt Nam ngay từ đầu
Phóng to |
Ông Thomas Vallely - chủ tịch Quỹ TUIV (quỹ đầu tư ĐH Fulbright Việt Nam) - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thomas Vallely - nguyên giám đốc Chương trình Việt Nam của ĐH Harvard - Hoa Kỳ, đồng thời là một trong những sáng lập viên của Quỹ học bổng Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF), hiện là chủ tịch Quỹ tín thác Sáng kiến ĐH Việt Nam (TUIV - quỹ đầu tư của FUV) - chia sẻ:
- Thực tế, quá trình chuẩn bị dự án đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ mặc dù đây là sáng kiến từ khu vực tư nhân. Kể từ năm 1995, hợp tác giáo dục đã là một trụ cột trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Có thể nói giáo dục ĐH là lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển nhất trong mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Vào tháng 7-2013, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tán thành sáng kiến này. Tháng 12-2013, Ngoại trưởng John Kerry đã thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam về FUV. Một nhóm chuyên trách liên ngành đã được Chính phủ Việt Nam thiết lập để phối hợp với các bên ủng hộ nhằm đảm bảo nhanh chóng triển khai sáng kiến FUV.
Luật giáo dục ĐH 2012 đã lần đầu tiên công nhận hình thức ĐH tư thục không vì lợi nhuận. FUV hi vọng sẽ là một thể nghiệm sinh động về mặt chính sách đối với hình thức ĐH này. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức của dự án. Hình thức ĐH tư thục không vì lợi nhuận theo mô hình Hoa Kỳ còn rất mới ở Việt Nam. Vì chưa có tiền lệ nên các quy định về thủ tục thành lập cũng như về quy chế hoạt động hoặc chưa có hoặc chưa hoàn chỉnh. Chúng tôi hi vọng sẽ nhận được sự hợp tác và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thiết lập các cơ chế hoạt động đặc thù và cụ thể cho FUV.
Tài chính hoạt động dựa trên 4 trụ cột
* Điều mà nhiều người đang quan tâm là FUV sẽ tuyển sinh những ngành nào và học phí dự kiến ra sao, thưa ông? - FUV sẽ tiếp nhận chương trình MPP của FETP. Chương trình MPP vẫn sẽ là chương trình học bổng. Ứng viên trúng tuyển được nhận học bổng gồm học phí toàn bộ hai năm học và trợ cấp sinh hoạt, đi lại trong năm học đầu tiên. Bên cạnh chương trình MPP này, trong giai đoạn đầu FUV cũng sẽ mở các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ ở các ngành quản lý và kỹ thuật. Khi điều kiện cho phép, FUV sẽ mở rộng đào tạo ở bậc ĐH và tiến sĩ. Một kế hoạch chi tiết đang được TUIV chuẩn bị để trình Bộ GD-ĐT. Chúng tôi sẽ thông tin cụ thể hơn về ngành học và học phí dự kiến khi bản kế hoạch được hoàn tất. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng trong quá trình xúc tiến xây dựng FUV, mọi hoạt động của FETP vẫn sẽ diễn ra bình thường với sự hợp tác giữa Trường Harvard Kennedy và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dưới sự tài trợ chính từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Chương trình MPP của FETP vẫn sẽ tuyển sinh hằng năm. Năm nay chương trình MPP của FETP vẫn đang nhận hồ sơ đến hết ngày 4-7-2014 và kỳ thi tuyển sinh sẽ được tổ chức vào ngày 27-7-2014. |
* Được biết, FUV vận hành theo một cơ chế tài chính đặc biệt với sự đầu tư của Quỹ TUIV. Quy mô dự kiến của quỹ sẽ bảo đảm tài chính cho FUV ở tầm mức nào, thưa ông?
- TUIV sẽ đi tiên phong, dẫn dắt sự phát triển của FUV trong các hoạt động gây quỹ, phác thảo kế hoạch phát triển chi tiết và định hướng chiến lược. TUIV đang tiến hành gây quỹ từ các nhà tài trợ Việt Nam và Hoa Kỳ, bao gồm các cá nhân, tập đoàn, quỹ và cơ quan viện trợ. Tính khả thi tài chính dài hạn của FUV sẽ phụ thuộc vào khả năng hình thành nền tảng ngân sách đa dạng từ các nguồn như học phí, ngân sách nghiên cứu và nguồn thu tài trợ.
Mặc dù hoạt động thiện nguyện vẫn chưa phát triển ở Việt Nam, chúng tôi tin rằng FUV sẽ huy động được nguồn lực đáng kể từ trong nước. Việc đảm bảo sự ủng hộ này sẽ rất cần thiết để chứng minh với các nhà tài trợ tiềm năng rằng FUV thật sự hoạt động với tư cách phi lợi nhuận.
Dự kiến nguồn tài chính của FUV được dựa trên bốn trụ cột chính gồm học phí, đóng góp thiện nguyện, các khoản tài trợ nghiên cứu và nguồn thu từ quỹ trường. Như đã nói, là một tổ chức thiện nguyện, TUIV phải đảm bảo hoạt động phi lợi nhuận để duy trì tư cách pháp nhân của mình. Các nhà hảo tâm và thiện nguyện ở Hoa Kỳ đóng góp cho TUIV sẽ được miễn thuế.
Đến lượt mình, FUV cũng không có “cổ đông”, và do vậy lợi nhuận (nếu có) của trường sẽ được sử dụng hoàn toàn cho sự nghiệp phát triển. Đây là cơ chế khuyến khích hoạt động thiện nguyện ở Hoa Kỳ và là một truyền thống trong các trường ĐH không vì lợi nhuận của Hoa Kỳ.
Các cá nhân đóng góp cho các trường ĐH không phải để đầu tư vì lợi nhuận mà như một nghĩa cử xây dựng xã hội và trả ơn cho xã hội. Những đóng góp này được ghi nhận và trường tồn cùng với trường ĐH. Về phía Việt Nam, chúng tôi đang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế thuế đối với các đóng góp ở Việt Nam cho TUIV trong việc xây dựng FUV.
Thông qua các khoản tài trợ khởi đầu này, TUIV sẽ phát huy hơn nữa sự đóng góp của các nhà tài trợ Việt Nam. TUIV dự kiến sẽ huy động cho FUV khoảng 50 triệu USD trong ba năm đầu và 100 triệu USD cho đến năm 2020. Việc Thủ tướng Chính phủ chính thức đồng ý chủ trương đầu tư FUV có thể nói là sự ủng hộ cụ thể và mạnh mẽ nhất của Chính phủ Việt Nam cho đến nay đối với dự án này.
Về phía Hoa Kỳ, TUIV đang làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để đảm bảo một khoản tài trợ sẽ được dành cho FUV trong khuôn khổ các sáng kiến trao đổi giáo dục của Quốc hội Hoa Kỳ. FUV hi vọng sẽ là một hình mẫu về quản trị ĐH hiệu quả và đảm bảo chất lượng tại Việt Nam. Trường sẽ tuân thủ những nguyên tắc quản trị thiết yếu của một nền giáo dục ưu tú: đó là tự do hàn lâm, đánh giá và tuyển dụng dựa trên năng lực, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Đáp ứng nhu cầu của khu vực tư
Theo kế hoạch, FUV sẽ đăng ký kiểm định chất lượng từ các tổ chức kiểm định chất lượng của Hoa Kỳ. Trường cũng sẽ đăng ký kiểm định chất lượng đối với từng chương trình đào tạo riêng biệt. Ngoài ra, trường sẽ đặc biệt chú trọng vào việc tuyển dụng các học giả tài năng và các nhà khoa học người Việt Nam thông qua thiết lập môi trường chuyên nghiệp và cơ chế khuyến khích cá nhân tương tự như những điều kiện ở Hoa Kỳ. |
* Ngoài quản trị ĐH nhiều khác biệt thì chương trình đào tạo của Trường ĐH Fulbright liệu có mang theo hơi thở của chương trình Fulbright danh giá hay là có sự kết hợp, điều chỉnh để “phù hợp” thực tế Việt Nam?
- Khi đi vào hoạt động, FUV sẽ tiếp nhận chương trình thạc sĩ chính sách công (MPP) của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP). Trên thực tế, chính sự “phù hợp” với thực tiễn Việt Nam là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của chương trình MPP của FETP.
Trong những năm đầu mới thành lập, để đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước, FETP thực hiện các khóa đào tạo một năm sau ĐH về kinh tế học ứng dụng và chính sách công, trong đó chủ yếu giảng dạy về nền kinh tế thị trường và sử dụng giáo trình, chương trình đào tạo của Trường quản lý nhà nước Harvard Kennedy. Theo thời gian, FETP đã phát triển chương trình một năm thành chương trình MPP từ năm 2008, với các hoạt động nghiên cứu liên tục với chất lượng cao nhằm đảm bảo đề cương giảng dạy luôn phù hợp với điều kiện kinh tế không ngừng biến chuyển của Việt Nam.
Tương tự như chương trình MPP, các chương trình đào tạo mới của FUV cũng sẽ được xây dựng với sự hợp tác của một số đối tác hàn lâm Hoa Kỳ và sự tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo của FUV, bám sát thực tiễn và đáp ứng được nhu cầu nhân lực của nền kinh tế.
Tầm nhìn của những người sáng lập FUV là các trường ĐH thành công là một bộ phận của cộng đồng rộng lớn hơn và phát huy sức mạnh từ mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ và xã hội. Các bên liên quan của FUV đã tham gia đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm đảm bảo rằng các chương trình đào tạo của trường sẽ đáp ứng được nhu cầu về lực lượng lao động của khu vực tư. Các ủy ban cố vấn bao gồm đại diện doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng sẽ không ngừng cung cấp những “vòng lặp phản hồi” để định hướng thiết kế cho các chương trình nghiên cứu và giảng dạy có khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế liên tục của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
FUV sẽ là một tổ chức tư thục và độc lập, do đó tồn tại phụ thuộc vào khả năng huy động nguồn lực từ bên trong xã hội Việt Nam. Đây là động lực mạnh mẽ để trường luôn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, cựu sinh viên và cộng đồng rộng lớn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận