5h30 ngày 1-6-2017, bừng tỉnh giấc ở thành phố Brussels, Bỉ, tôi thấy thư điện tử của người đại diện văn học, cô Julie Stevenson, thông báo rằng bà Betsy Gleick, giám đốc biên tập Nhà xuất bản Algonquin Books, đề nghị được xuất bản tiểu thuyết đầu tay của tôi The Mountains Sing (Những ngọn núi ngân vang).
Không chỉ xuất bản ở Mỹ, Algonquin Books muốn mua bản quyền để phát hành trên toàn thế giới.
Tôi òa khóc.
Hãy thức dậy và viết
The Mountains Sing chính là một phần mơ ước của tôi về việc đưa văn học, văn hóa Việt Nam và những câu chuyện của người Việt ra thế giới. Ít ai biết rằng ước mơ ấy đã khởi đầu từ sự bức xúc.
Tôi bức xúc khi Việt Nam có quá nhiều câu chuyện hay cần được kể nhưng vì rào cản ngôn ngữ mà đại đa số bạn đọc quốc tế không đến được với những câu chuyện ấy.
Tôi bức xúc vì trong rất nhiều năm, tôi đã cùng các nhà thơ Mỹ như Bruce Weigl, Jennifer Fossenbell, Hilary Watts, Kwame Dawes... tự nguyện dịch và quảng bá thi ca Việt Nam nhưng nỗ lực ấy như muối bỏ biển. Các tác phẩm của chúng tôi chỉ được đăng tải trên các tạp chí hoặc xuất bản bởi các nhà xuất bản nhỏ, không có kinh phí phát hành, quảng bá.
Tôi bức xúc khi một ngày đến thư viện công cộng New York, xem danh sách hơn chục nghìn cuốn sách bằng tiếng Anh về Việt Nam, tôi thấy chúng hầu hết miêu tả Việt Nam như một cuộc chiến.
Phần lớn các quyển sách được viết bởi những cây bút phương Tây, vậy nên dù chủ đề là Việt Nam, người Việt thường không có tiếng nói, hoặc chỉ xuất hiện nhạt nhòa, làm nền.
Tôi bức xúc vì trong nhiều bộ phim Hollywood, phụ nữ Việt Nam thường bị quy giản thành những nạn nhân, những nhân vật một chiều, không có quyền tự quyết.
Và tiếng Việt, khi xuất hiện trong các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh thường phải xóa dấu, để dễ đọc, dễ nghe hơn với người phương Tây...
Với mong muốn bảo tồn bản sắc dân tộc, tôi đã yêu cầu nhà xuất bản giữ nguyên dấu tên tôi, cùng với tên hơn 20 nhân vật trong tiểu thuyết (Hương, Diệu Lan, Hùng, Công, Đạt, Tú, Ngọc, Thuận, Hạnh, Sáng, Thiện, Nhân, Thống Nhất...).
Tôi cũng yêu cầu họ thay đổi cách viết những địa danh được dùng rất phổ biến trong tiếng Anh như "Vietnam", "Hanoi", "Saigon" thành "Việt Nam", "Hà Nội", "Sài Gòn".
Đây là một quyết định liều lĩnh, từ chối các quy tắc của ngành xuất bản tiếng Anh và hy sinh giá trị thương mại của sách nhằm bảo tồn sự trù phú của tiếng Việt. Tôi đã thuyết phục nhà xuất bản bằng cách khẳng định rằng: nếu không viết đủ dấu, các từ tiếng Việt sẽ hiện lên sai chính tả.
Sự liều lĩnh thứ hai là dù chỉ có cơ hội học tiếng Anh từ lớp tám và chưa thực sự thành thạo, tôi đã quyết định viết trực tiếp bằng ngôn ngữ này để đưa những câu chuyện Việt Nam do người Việt tự kể vào dòng văn học tiếng Anh.
Tôi muốn giành lại không gian kể chuyện trong dòng văn học đó từ người phương Tây, để tôi có thể đặt người Việt vào trung tâm câu chuyện, khẳng định rằng Việt Nam là một nền văn hóa chứ không phải một cuộc chiến, để nhân vật phụ nữ Việt Nam hiện ra như những người mẹ, người bà mà tôi từng biết.
Nhưng, trong suốt bảy năm viết và hoàn thành quyển sách, tôi đã nhiều lần muốn bỏ cuộc. Tôi muốn bỏ cuộc khi nhận ra vốn tiếng Anh của mình không đủ để viết những câu văn mượt mà, đầy chất thơ như mong đợi. Tôi muốn bỏ cuộc khi ngày ngày tự vấn quyết định quá liều lĩnh: nghỉ việc để viết.
Tôi muốn bỏ cuộc khi không thể tìm được người đại diện văn học. Các nhà xuất bản uy tín không làm việc trực tiếp với tác giả mà thông qua các công ty đại diện văn học có vai trò sàng lọc tác phẩm. Họ thường nhận được rất nhiều bản thảo và chỉ ký hợp đồng đại diện với các tác giả họ tin rằng có tiềm năng.
Nhưng những câu chuyện mà tôi đã được nghe, được chứng kiến, được trao gửi lại lay động tâm can, thôi thúc tôi không ngừng cố gắng. Suốt một thời gian dài, tôi thường bừng tỉnh vào nửa đêm bởi tiếng gọi của những nhân vật. Họ nói: "Hãy thức dậy và viết. Đừng để tiếng nói của chúng tôi chìm vào quên lãng".
Bà Diệu Lan, cô bé Hương, dù là những nhân vật hư cấu nhưng họ đều thôi thúc tôi kể câu chuyện, số phận của mình. Họ buộc tôi mỗi ngày trau dồi thêm vốn tiếng Anh, dùng từ điển khi cần, và đôi khi, tôi phải bắt đầu trang viết bằng tiếng Việt, chờ cảm xúc chín muồi rồi mới chuyển sang viết bằng tiếng Anh.
Kiên nhẫn và kiên nhẫn
Khi trò chuyện với các nhà văn quốc tế thành công, tôi luôn hỏi họ về những bài học trong hành trình xuất bản. Nhiều người nói với tôi: sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn học hỏi để nâng cao kỹ năng viết. Kiên nhẫn tôi luyện ngòi bút để văn phong đột phá, mới mẻ, khác biệt.
Kiên nhẫn làm việc để bản thảo chỉn chu nhất trước khi "chào hàng" người đại diện văn học. Và kiên nhẫn chờ đợi để tìm được nhà xuất bản tốt, có mạng lưới phát hành rộng khắp, có ngân sách và nguồn lực cho việc quảng bá, giới thiệu tác phẩm.
Tôi đã bắt đầu bằng việc ghi danh vào chương trình thạc sĩ rồi tiến sĩ viết văn từ xa với Trường đại học Lancaster, Anh. Tôi phải học vì trước đó, dù đã xuất bản sách thơ và văn xuôi bằng tiếng Việt, tôi chưa từng có cơ hội học một khóa viết văn nào. Tôi học thêm bằng cách đọc hằng ngày, đủ các thể loại văn học từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tôi xem công việc viết của mình như một việc làm công ăn lương: làm việc hằng ngày, mỗi ngày ít nhất 10 giờ. Tôi tra cứu danh bạ các công ty đại diện văn học, tìm kiếm những người đại diện văn học uy tín.
Và tôi đã gửi bản thảo The Mountains Sing cho hàng trăm người đại diện văn học. Trong rất nhiều năm tháng, tôi chỉ nhận được sự thất vọng: thư không có hồi âm, hoặc may mắn là câu trả lời: "Chúng tôi không tìm được thị trường cho tiểu thuyết của bạn".
Những lúc nản chí, tôi nhớ tới lời khuyên của các nhà văn đi trước: hãy kiên nhẫn. Và tôi kiên nhẫn mài giũa bản thảo để văn phong nhiều chất thơ hơn nữa.
Tôi miệt mài dệt những câu văn tiếng Anh bằng tinh thần nước Việt. Tôi quyết tâm tìm một nhà xuất bản thương mại truyền thống, người bị thuyết phục bởi câu chuyện và đầu tư nghiêm túc cho việc in ấn và phát hành nó.
Rồi sự kiên nhẫn của tôi đã được hồi đáp: vào ngày 7-3-2017, tôi nhận được thư của cô Julie Stevenson, đại diện văn học của Công ty Massie & McQuilkin (New York).
Thư viết: "Tôi đã có cơ hội đọc cuốn tiểu thuyết của chị và tôi vô cùng xúc động. Câu chuyện bao trùm nhiều sự kiện lịch sử Việt Nam, được viết với một giọng văn mạnh mẽ nhưng cũng đầy chất thơ cùng những nhân vật hấp dẫn, khó quên. Tôi không muốn đặt nó xuống một giây nào mặc dù nhiều tình tiết trong sách khiến tôi đau đớn. Tiểu thuyết này là một thành tựu đáng chú ý".
Cô nhận lời làm đại diện văn học cho tôi, và sau khi tôi ký hợp đồng với Công ty Massie & McQuilkin, một kế hoạch tiếp thị tác phẩm bài bản đã được lập: cô Julie chọn hơn 20 nhà xuất bản hàng đầu, đến gặp từng người biên tập để trình bày với họ về con đường sáng tác của tôi, về tiểu thuyết The Mountains Sing. Khi người biên tập khẳng định họ thực sự quan tâm, cô mới gửi bản thảo cho họ.
Những tuần sau đó, cô Julie gửi cho tôi những phản hồi của những người biên tập. Ban đầu là những lời từ chối xuất bản. Lý do chủ yếu là việc họ tin rằng sẽ không tìm được thị trường cho quyển sách.
Tôi tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi. Rồi tin vui cũng đến: một số người biên tập gửi thư cho cô Julie, đề nghị được thương thảo hợp đồng xuất bản, trong đó có bà Betsy Gleick.
Vòng quanh thế giới
Sau khi bàn bạc, chúng tôi đã nhất trí ký hợp đồng xuất bản với bà Betsy Gleick, giám đốc biên tập Nhà xuất bản Algonquin Books, cái nôi của nhiều quyển sách đã giành được các giải thưởng văn học danh giá của Mỹ.
Hợp đồng được ký vào năm 2017 và tôi tiếp tục biên tập quyển sách, chuẩn bị cho sự ra mắt của nó vào đầu năm 2020. Nhưng đại dịch Covid-19 đã phá vỡ nhiều kế hoạch của chúng tôi. The Mountains Sing chào đời tại Mỹ và Canada vào tháng 3-2020, đúng vào lúc đại dịch Covid-19 bùng lên.
Chuyến đi ra mắt sách của tôi tới 14 thành phố do Nhà xuất bản Algonquin Books dày công chuẩn bị trong gần một năm trời bị hủy. Các nhà sách đóng cửa. Nhiều bạn đọc than phiền rằng đã đặt trên Amazon nhưng sách không được giao.
Trong lúc tôi đang bế tắc, những bài viết về The Mountains Sing đồng loạt xuất hiện. Khoảng sáu tháng trước đó, Algonquin Books đã in và gửi hàng trăm bản đọc thử cho báo chí, những nhà phê bình và bạn đọc thân thiết của nhà xuất bản.
Nhờ thế quyển sách được giới thiệu trên những tờ báo lớn như New York Times, Washington Post, trên những ấn phẩm quan trọng của ngành xuất bản như Library Journal, Publishers Weekly. Hàng trăm bài nhận xét của bạn đọc được chia sẻ trên các mạng xã hội, những trang đọc sách...
Vừa tránh dịch, tôi vừa lao mình vào việc quảng bá sách. Tôi viết những bài báo về chất độc da cam trên New York Times, về kỹ năng sáng tác trên Poets & Writers, về quê hương nguồn cội trên Literary Hub... Tôi trả lời phỏng vấn, chia sẻ về quyển sách trên nhiều chương trình phát thanh, giới thiệu sách trực tuyến.
Tôi đã có hàng trăm buổi nói chuyện trực tuyến với các trường học, các câu lạc bộ sách, các thư viện. Sau khi tham gia lễ trao giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình ở Ohio vào tháng 11-2021, tôi đã đi quảng bá sách qua 13 thành phố ở Mỹ. Quyển sách cũng đưa tôi đến Anh, Ý, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Pakistan và về Việt Nam nói chuyện tại Trường đại học Fulbright, khoa viết văn Trường đại học Văn hóa...
Giờ đây tôi đang chuẩn bị ra mắt tiểu thuyết tiếng Anh thứ hai Dust Child (Bụi đời). Đây là quyển sách mà tôi đã thai nghén suốt bảy năm qua, bắt đầu từ bài viết "Tìm lại những đứa con bị ruồng bỏ ở Việt Nam" đăng ngày 6-9-2015 trên Tuổi Trẻ.
Bài báo đã giúp một cựu binh Mỹ tìm lại người thân của mình, và giúp tôi nhận ra rằng những câu chuyện liên quan đến những người trẻ lai và gia đình họ cần nhận được nhiều hơn sự đồng cảm, sẻ chia.
Cô Julie Stevenson và Nhà xuất bản Algonquin Books sẽ tiếp tục đồng hành với cuốn sách này. Dust Child sẽ được xuất bản ở Mỹ vào ngày 14-3-2023 và đã được Algonquin Books bán bản quyền sang 10 quốc gia. Từ tháng 3 đến hết tháng 5-2023, các nhà xuất bản sẽ đưa tôi đến hơn 20 thành phố ở Mỹ, Canada, Anh, New Zealand và Úc để gặp gỡ bạn đọc.
Trong hành trình ra với thế giới, tôi đã được chứng kiến rất nhiều sự ủng hộ dành cho Việt Nam của bạn đọc, các nhà sách, các câu lạc bộ sách. Họ khao khát được đọc những câu chuyện khác biệt, giàu bản sắc dân tộc. Tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình với mơ ước năm Quý Mão 2023 sẽ là năm văn học Việt Nam khởi sắc, là thời điểm để nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đến được với bạn đọc thế giới.
Tôi khóc bởi nhiều lần tôi đã bỏ cuộc, đã nghi ngờ quyết định viết bằng tiếng Anh của mình. Tôi khóc vì rất nhiều đại diện văn học và nhà xuất bản đã từ chối bản thảo The Mountains Sing. Tôi khóc vì nghĩ tới cha mẹ đã còng lưng miệt mài trên thửa ruộng cằn cỗi để tôi được đến trường, vì nghĩ tới hai anh trai tôi - những người đã dạy tôi những từ tiếng Anh đầu tiên.
Tôi rưng rưng nhớ tới những nhân vật đã chia sẻ câu chuyện của mình với tôi, cùng hy vọng về một thế giới nơi con người yêu thương con người hơn nữa; tôi đã luôn trăn trở: Làm thế nào xứng đáng với sự trao gửi ấy? Làm thế nào để thể hiện sự trù phú của ngôn ngữ, văn hóa cũng như sự phức tạp của con người và lịch sử Việt Nam?
Nguyễn Phan Quế Mai sinh ở Ninh Bình, lớn lên tại Bạc Liêu. Nhiều tác phẩm thơ của cô đã được phổ nhạc, thành những bài hát như Tổ quốc gọi tên mình. Cô là tác giả của 12 quyển sách bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Cô đã nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tập thơ Cởi gió, giải nhất cuộc thi thơ về 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Giải thưởng Văn học nghệ thuật thủ đô.
Tiểu thuyết The Mountains Sing là quyển sách bán chạy đã và đang được dịch sang 14 ngôn ngữ. Sách đã nhận được các giải thưởng quốc tế như: giải nhì giải thưởng Dayton vì hòa bình, giải thưởng BookBrowse dành cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất, giải thưởng sách quốc tế, giải thưởng văn học PEN Oakland/Josephine Miles, giải thưởng Lannan Literary Award Fellowship cho hòa bình và hòa giải.
Quế Mai là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn. Sống và viết tại nhiều quốc gia trên thế giới theo nhiệm kỳ ngoại giao của chồng, cô hiện đang ở Kyrgyzstan.
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận