Bạn đọc Bùi An Ninh ở quận 8 (TP.HCM) cho biết: "Nhà tôi bị tra tấn từ loa karaoke nhiều năm nay, khi báo lên công an phường thì chỉ thấy bảo vệ dân phố xuống nhắc nhở rồi về, sau đó họ lại hát tiếp. UBND TP.HCM thì quyết liệt, nhưng khi xuống tới địa phương thì... bó tay trong xử lý nạn karaoke".
Bức xúc hơn, bạn đọc có nick name Ẩn danh ở hẻm số 9 Lê Trực, quận Bình Thạnh (TP.HCM), cho hay "karaoke ầm ầm, người đi báo chính quyền bị nhiều người mắng và thách thức rằng sống không được thì đi chỗ khác.
Ai đã từng bị tiếng hát trên loa "tra tấn" hằng ngày, ngày vài tiếng... khi đọc các vụ án mạng vì karaoke mới thấu cảm về sự chịu đựng có hạn về cả thể chất và tâm lý trước tiếng ồn. Có phải do luật không đủ nghiêm để xử lý?".
Bạn đọc quynhlongbao ở xã Trung An, huyện Củ Chi (TP.HCM) cầu cứu khi nhà có mẹ già và con nhỏ phải chịu cảnh 2-3 dàn loa kẹo kéo gào thét. "Đau đầu nhất và sợ nhất là các dịp lễ Tết. Không lẽ bán nhà đi vì bị tra tấn âm thanh!".
Theo bạn đọc Minh Trần, tệ nạn này nếu tiếp tục ngó lơ, để càng lâu thì những người vô ý thức lại cho rằng đó là chuyện bình thường và sẽ rất khó dẹp.
Bạn đọc Trần Hoàng Ân ở Bình Đại (Bến Tre), bạn đọc Lê Dân ở Núi Thành (Quảng Nam)... đều chung cảnh đau khổ vì karaoke ồn ào tương tự. Nhắc lại câu chuyện xử phạt và tịch thu loa karaoke kẹo kéo ở Đà Nẵng, bạn đọc Phạm Đăng Bách đề xuất:
"Tôi nghĩ chính quyền nên lập các đội liên ngành gồm công an - trật tự đô thị - dân phòng để tịch thu loa và phạt nộp ngân sách nhà nước. Chứ cứ nhắc nhở kiểu mũ ni che tai thì vấn nạn này còn nhức nhối".
"Karaoke ồn ào, xả rác bừa bãi, tiệc tùng lấn chiếm đường... bao nhiêu năm rồi vẫn không giải quyết nổi! Chính quyền các cấp còn đợi tình trạng này xuống cấp đến mức nào nữa mới chịu mạnh tay?" - bạn đọc Quang Hy đặt vấn đề.
"Việc xử phạt phải triệt để, kiên trì lâu dài, không khoan nhượng, không có vùng cấm, cả nước đều áp dụng" - bạn đọc Hoàng Phong viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận