Phóng to |
Hội nghị bẻ lái
Gần đến ngày Đại hội VI khai mạc, các cuộc họp thảo luận dự thảo văn kiện vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau buộc trung ương phải đi đến một phiên quan trọng: bàn về những ý kiến khác nhau về báo cáo chính trị Đại hội VI với thái độ “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.
Ông Hà Đăng - nguyên ủy viên Trung ương Đảng - nói: cuộc họp đó sau này gọi là Hội nghị ba quan điểm. Tinh thần của hội nghị được quán triệt là thẳng thắn, dũng cảm và không sợ “phạm húy”.
Những cuộc trao đổi, tranh luận sôi nổi cho thấy dự thảo văn kiện dù đã chuẩn bị kỹ nhưng chưa nói được nguyên nhân khủng hoảng và vì vậy không mở được hướng đi mới trước yêu cầu của cuộc sống đang hừng hực khí thế đổi mới. Những cuộc tranh cãi quyết liệt cuối cùng đã bật ra ba quan điểm cần thay đổi.
Một là vấn đề cơ cấu kinh tế. Dự thảo văn kiện lúc ấy vẫn coi công nghiệp nặng là nhiệm vụ then chốt. Nhân tố chính của công nghiệp nặng là cơ khí vì cơ khí sẽ đẻ ra tư liệu sản xuất. Trên nền quan điểm này, hàng loạt dự án đồ sộ như cơ khí Hà Nội, than Cẩm Phả, các nhà máy ximăng... đã hút hầu hết vốn đầu tư của nền kinh tế nhưng hiệu quả rất thấp.
Mười năm qua (1975-1985), chúng ta đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo XHCN và quản lý kinh tế. Các giải pháp cụ thể về định mức giá và quản lý giá, về đổi tiền và bước đi trong việc điều chỉnh giá - lương - tiền được tiến hành thiếu chuẩn bị chu đáo, không phù hợp với tình hình thực tế. Sai lầm trong lĩnh vực phân phối, lưu thông là sai lầm rất nghiêm trọng trong lãnh đạo và quản lý kinh tế năm năm qua (1980-1985). (Trích Báo cáo chính trị tại Đại hội VI do Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh trình bày ngày 15-12-1986). |
Sau giải phóng, viện trợ bị cắt thì mất chỗ dựa. Trong khi đó nông nghiệp hết sức lạc hậu... Hội nghị kết luận đây là quan điểm duy ý chí, đốt cháy thời kỳ quá độ. Chủ trương này phải thay bằng tập trung phát triển lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Hai là vấn đề cải tạo XHCN ồ ạt đã “lỡ” làm triệt để và toàn diện. Xóa bỏ tư hữu đã biến mọi thứ thành của chung tưởng rằng công bằng nhưng không ngờ đã triệt tiêu mọi ham muốn làm ăn, buôn bán. Sự phi lý này đã làm bánh xe lịch sử... xì lốp. Lời giải là phải chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu tư liệu sản xuất.
Ba là vấn đề cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp. Tất cả mọi kế hoạch lớn nhỏ như đã và đang làm đều dựa vào ý muốn chủ quan và mệnh lệnh hành chính chứ không dựa vào thị trường hay các qui luật kinh tế - xã hội. Cách thức phân phối gạo, thịt, mắm, muối... căn cứ theo lao động chứ không dựa trên thực tế. Động lực lao động chủ yếu dựa vào tinh thần mà bỏ qua động lực vật chất. Nhận định rõ những nhược điểm của cơ chế hiện thời, nhiều người bắt đầu tỉnh ra: phải dựa trên quan hệ thị trường để điều phối những bất hợp lý trên.
Ông Lê Xuân Tùng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nói: ba quan điểm trên đã thay đổi cơ bản nội dung của dự thảo báo cáo chính trị. Kết thúc cuộc họp đã lóe lên ánh sáng cuối đường. Đặc biệt sau hội nghị này, Đảng đã vượt lên chính mình, dũng cảm thừa nhận những sai lầm. Cơ hội bám rễ những quan điểm bảo thủ lạc hậu lùi bước.
“Lột xác”
Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, tháng 7-1986, Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời. Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh đảm nhận luôn chức tổng bí thư. Ông đẩy nhanh hơn yêu cầu nắm bắt thực tiễn, trực tiếp đi nghiên cứu các mô hình “xé rào”.
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội VI mỗi đêm trở dậy thấy càng thêm xa rời đòi hỏi của cuộc sống. Bù giá vào lương ở Long An, phá chỉ tiêu dệt may ở TP.HCM, mua lúa giá cao ở ĐBSCL... và đặc biệt cuộc cải cách giá - lương - tiền trên toàn quốc đã hợp thành lực đẩy tổng hợp đưa toàn bộ nền kinh tế vào tình thế không thể trở lui.
Giáo sư Lê Văn Viện kể: “Một buổi sáng cuối tháng 9-1986, tôi nhận được tin lập tức theo đoàn cán bộ xuống nhà nghỉ Vạn Hoa - Đồ Sơn (Hải Phòng) họp khẩn cấp với Tổng bí thư Trường Chinh.
Có mặt ở cuộc họp này là toàn bộ tổ biên tập văn kiện Đại hội VI (do ông Hoàng Tùng làm tổ trưởng và ông Đào Duy Tùng làm tổ phó) và một số chuyên viên trong nhóm tư vấn của tổng bí thư. Chính tại đây, ông Trường Chinh tuyên bố: viết lại văn kiện đại hội!”.
Tình thế chuyển ngay lập tức. Ba người “tư duy mới” được bổ sung tổ biên tập là Hà Nghiệp, Trần Đức Nguyên và Lê Văn Viện. Tổng bí thư đích thân giao trọng trách cho tổ văn kiện tổng hợp ý kiến đóng góp và rút lấy tinh thần chung để soạn thảo lại văn kiện cho đại hội đã rất cận kề.
Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, chúng ta đã và đang có nhiều địa phương, ngành và nhất là cơ sở làm ăn năng động, sáng tạo, rút ra được những bài học kinh nghiệm quí báu. Đó là sức sáng tạo của nhân dân lao động một khi nền dân chủ XHCN được thật sự phát huy, thể hiện trong thực tế chứ không chỉ là khẩu hiệu thì sẽ nảy nở những biện pháp hay, tạo ra sức bật mới. Rất rõ ràng, chúng ta đã nói nhiều nhưng cũng chưa phải đã nói hết về những tiêu cực, hư hỏng. Đó chính là sự thật cần vạch ra để thấy sâu sắc hơn và quyết tâm khắc phục. Mặt khác cũng phải khẳng định những nhân tố mới đang phát triển từ lao động và cuộc sống đem lại niềm tin mới. (Trích Báo cáo phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong năm năm 1986 -1990 do Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt trình bày tại Đại hội VI ngày 15-12-1986). |
Vừa đi công tác Hà Tây về Hà Nội, ông Nguyên bỗng ngớ người ra khi nghe báo lại có ý kiến yêu cầu sửa mười mấy điểm. Toàn là những điểm quay trở lại tư duy cũ. Ông gọi điện phản ứng ngay với thư ký của bậc trưởng lão chỉ đạo rà soát văn kiện: nếu sửa theo ý các anh thì khác với kết luận của Bộ Chính trị.
Nửa tiếng sau, ông Nguyên nhận được điện thoại trả lời: các anh cứ giữ đúng như kết luận của Bộ Chính trị. Ông Nguyên cười: thế là thoát, không phải phục hồi cái cũ. Chủ trương đổi mới dù đã thống nhất nhưng không dễ được bỏ phiếu cao.
Kết luận ba quan điểm này được xem như linh hồn của văn kiện lần hai. Các chuyên gia tổ biên tập lập tức dựng lại hình hài báo cáo chính trị của Đại hội VI. GS Lê Văn Viện còn nhớ ông phải mang quần áo, tư trang vào ở hẳn khu biệt thự Hồ Tây của Trung ương Đảng viết lại văn kiện.
Mỗi người viết một phần theo chuyên môn của mình. Có ngày ông viết được 5-7 trang, nhưng cũng có ngày chỉ viết được vài dòng. Tâm trạng mọi người rất phấn khích, trao đổi với nhau rất hào hứng. Tuy nhiên, cái khó nhất là cân nhắc câu chữ để số đông chấp nhận. Văn kiện chưa dám nói “kinh tế thị trường” phải lách là “hạch toán kinh doanh XHCN”.
Có tiếng xì xầm những chuyên gia thảo văn kiện đang đi theo con đường CNXH kiểu Nam Tư. Cái mới mặc dù đã được thực tiễn chứng minh, nhưng không ít những người có quyền vẫn phớt lờ, không muốn thừa nhận chỉ vì nó khác với sách vở mà mình đã học.
Thực tế đổi mới đã rõ như ban ngày vẫn khó khăn, trầy trật khi đi vào nghị quyết. Nhưng cuộc sống đã sang trang, không thể cưỡng lại. Ngày văn kiện in ra, mọi người bồi hồi xúc động: xong việc lớn!
-----------
Kỳ cuối: Uy quyền của lòng dân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận