Ngày 22-11, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Triệu Phong tổ chức hội thảo khoa học về hệ thống di tích chúa Nguyễn tại Triệu Phong bàn về các giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu là các nhà sử học, kiến trúc sư…
Đất Triệu Phong - nơi mở cõi và mở cửa của chúa Nguyễn
Nam 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Từ đây ông bắt đầu đứng chân trên vùng đất Ái Tử - Trà Bát - nay là huyện Triệu Phong. Trong 68 năm, từ 1558 - 1626, chúa Nguyễn Hoàng đã có ba lần dựng thủ phủ, dinh trấn tại ba địa điểm trên đất Ái Tử - Trà Bát.
"Các sự kiện trong giai đoạn lịch sử này đã đánh một dấu mốc hết sức quan trọng trong quá trình Nam tiến và khai phá xứ Đàng Trong của người Việt.
Nguyễn Hoàng và các thế hệ chúa Nguyễn tiếp nối, đã hoàn thành công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi, hình thành nên một nước Việt Nam rộng lớn, bao gồm cả đất liền, hải đảo; kể cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày hôm nay", ông Trần Ngọc Lân - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - phát biểu.
Ông Lân cho rằng hội thảo là cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học và pháp lý công nhận di tích này mang tầm quốc gia mà còn phục vụ quy hoạch, đầu tư, tôn tạo di tích nhằm bảo tồn, sử dụng và khai thác tiềm năng di tích vào phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị và cả nước.
Theo PGS.TS Đỗ Bang - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - các di tích, di vật thời chúa Nguyễn ở huyện Triệu Phong tuy không nhiều nhưng rất ý nghĩa về lịch sử và giá trị bảo tồn.
"Từ đất Triệu Phong, các chúa Nguyễn không những mở đầu cho hành trình mở cõi mà cũng mở đầu cho chính sách mở cửa tích cực, giao dịch với nhiều nước.
Các chúa Nguyễn đã thành công và vùng đất Triệu Phong cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của dân tộc, nơi ghi dấu chính quyền đầu tiên trong hành trình mở cõi", PGS Đỗ Bang phát biểu.
Xây dựng nhiều công trình biểu tượng đặt tên chúa Nguyễn Hoàng
Nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong, PGS Đỗ Bang đề xuất xây dựng nhiều công trình mang tính biểu tượng như bảo tàng di sản chúa Nguyễn chung cho cả nước, tượng đài và đền thờ chúa Nguyễn Hoàng.
"Cần đặt tên Nguyễn Hoàng cho một ngôi trường lớn nhất, một cái cầu bắc qua sông Thạch Hãn, đồng thời phục dựng và tái hiện hành trình mở cõi, thao diễn thủy quân… thời chúa Nguyễn trên sông Thạch Hãn", ông Bang nêu.
Ông cũng gợi ý Quảng Trị phát triển tuyến du lịch di sản chúa Nguyễn từ Thanh Hóa vào Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, lấy Triệu Phong làm trung tâm, tour nội tỉnh kết nối các di tích liên quan đến nhà Nguyễn...
Tại hội thảo, các đại biểu cũng bàn đến nhiều nội dung khác như quy hoạch bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn; ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS và một số công nghệ thông minh tìm kiếm, xác định khu vực dinh chúa Nguyễn…
Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626) được xếp hạng quốc gia năm 2018. Di tích này gồm 10 địa điểm ở các xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận