Ngành du lịch tiếp tục gặp khó do ảnh hưởng dịch COVID-19 - Ảnh: N.BÌNH
Theo đề xuất này Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế xây dựng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn trên bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toàn. Điều này giúp các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch thuận tiện trong xây dựng kế hoạch bán vé máy bay, phục vụ khách. Khách du lịch cũng sẽ thuận tiện chọn điểm đến an toàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một số doanh nghiệp du lịch cho biết xây dựng bản đồ số cho ngành du lịch sẽ giải quyết định câu chuyện tâm lý cho du khách hiện nay. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel, lúc này cần có những chiến dịch du lịch an toàn, điểm đến an toàn, và bản đồ số này sẽ là thể hiện dấu tích xanh dành cho những điểm đến an toàn.
Dựa trên dữ liệu điểm đến an toàn, các công ty du lịch cũng có thể xây dựng các luồng khách, cùng hãng hàng không đưa khách đến những điểm du lịch trên.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp đang hoạt động trong hệ sinh thái du lịch. Theo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, các doanh nghiệp vận tải (ôtô) gần như đóng cửa, 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động.
Các doanh nghiệp lưu trú ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, công suất phòng chỉ đạt 10%, trong khi các địa phương là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng công suất phòng chỉ từ 3-5%, một số khá hơn thì 10-20%.
Do đó, bộ đề nghị xem xét chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12-2021. Hiện các ngân hàng mới áp dụng giảm lãi suất cho vay từ 1-2% hoặc giãn, lùi thời hạn trả nợ cho khách, chưa có chính sách lùi thời gian trả lãi suất cho vay. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành gần như không phát sinh doanh thu, nên không có khả năng trả lãi.
Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cũng đề nghị Chính phủ xem xét tạo thuận lợi về các điều kiện, thủ tục giúp doanh nghiệp du lịch có thể dễ dàng hơn tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỉ của Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận