18/10/2011 07:08 GMT+7

Đề xuất giờ học, giờ làm lệch ca

Bộ trưởng ĐINH LA THĂNG
Bộ trưởng ĐINH LA THĂNG

TT - Nhiều giải pháp quyết liệt được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cùng đại diện các ban ngành tính đến để nâng cao năng lực vận chuyển của xe buýt, giải phóng sự nghẹt thở của hạ tầng đô thị Hà Nội.

Các giải pháp được đưa ra trong cuộc làm việc ngày 17-10 tại thủ đô.

GUFaiC6B.jpgPhóng to
Cả rừng người đợi xe buýt trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) - Ảnh: Nam Khánh

Theo ông Thăng, đây là những giải pháp trong khi chờ đợi sự phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông.

Không chờ đủ hạ tầng mới làm

"Đã đến lúc cuộc sống bắt chúng ta phải làm quyết liệt! Trước mắt đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giờ làm việc, học hành là cần thiết. Cơ quan trung ương nên làm từ 8g30, 9g và chỉ nghỉ 30 phút buổi trưa. Với tuyến xe buýt đông, đề nghị cấm taxi, hạn chế xe cá nhân trong giờ cao điểm.

Cần triển khai những việc làm được ngay như điều chỉnh, tổ chức giao thông, không dùng lòng đường làm điểm đỗ xe. Đây là những việc không cần nhiều tiền và có thể thực hiện trước mắt, không phụ thuộc hạ tầng hoàn thiện. Nếu làm chưa hợp lý thì điều chỉnh chứ không nên nghĩ là làm một lần được ngay"

Ông Nguyễn Phi Thường - tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị đảm bảo khoảng 10.000 lượt xe vận chuyển trên 1 triệu khách/ngày (chiếm 93% lượng khách đi xe buýt của Hà Nội) - trình bày vắn tắt thực trạng: đường sá quá tải khiến giờ cao điểm xe buýt có thể chậm tới 40 phút, xe 80 chỗ phải chở đến 200 hành khách.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Nếu các trở ngại được giải quyết thì xe buýt có đáp ứng được nhu cầu đi lại hiện nay không?”. Ông Thường cho biết hiện nay học sinh sinh viên chiếm 80% khách đi xe buýt. Để giảm tải phải có phương án giờ đi học lệch giờ đi làm. Đồng thời tăng tần suất xe buýt trong giờ cao điểm ở một số tuyến.

“Thế đến giờ cao điểm cấm các loại xe khác để cho xe buýt hoạt động thì có giải quyết được không?” - ông Thăng hỏi. Khi ông Thường trả lời “có thể đáp ứng được”, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị nghiên cứu việc cấm ôtô hoạt động trong giờ cao điểm ở một số tuyến đường nhưng cũng lưu ý “có vi phạm luật không?”. “Tôi đi Trung Quốc thấy người ta cấm ôtô một số tuyến đường vào giờ cao điểm, cấm xe con chở một người vào thành phố. Mình có thể học người ta được không?” - ông Thăng đặt vấn đề với lãnh đạo Hà Nội.

Để tăng năng lực xe buýt, ông Trần Ngọc Thành - vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) - đề nghị cần có làn đường riêng cho xe buýt, chỗ nào có hai làn đường trở lên thì cắt một làn dành cho xe buýt đi, cân nhắc việc bố trí xe buýt nhỏ 12 chỗ đi vào ngõ ngách vì không hợp thức tế. Riêng việc tăng tần suất xe buýt vào giờ cao điểm, ông Thành cho rằng không thiếu xe nhưng không thể tăng nổi vì không còn đường để đi nên cần tính lại.

Với đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm lệch ca, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý, đồng thời cho biết đã thảo luận với bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo và có sự đồng ý.

AAKYS9q7.jpgPhóng to
Giờ cao điểm, xe buýt 80 chỗ ở Hà Nội bình quân có tới 200 người chen chúc - Ảnh: Nam Khánh

Vẫn còn nghi ngại

Khác với nhiều ý kiến đồng thuận, PGS Bùi Xuân Cậy - trưởng khoa công trình Đại học GTVT - cho rằng phát triển xe buýt Hà Nội hiện nay đến giới hạn so với hạ tầng. Vì vậy giải pháp cơ bản vẫn là phải đẩy mạnh xây dựng đường sá, ưu tiên phát triển giao thông công cộng rồi mới hạn chế phương tiện cá nhân chứ không thể một bước là thay đổi ngay được. Tuy nhiên ông Cậy ủng hộ chủ trương giãn cách giờ làm việc để tránh ùn tắc. “Nếu chúng ta vận động người đi làm từ 2km trở xuống có thể đi bộ thì cũng giảm được nhiều phương tiện cá nhân” - ông Cậy đề xuất.

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - cho rằng nếu Hà Nội tính toán đến năm 2015 xe buýt đáp ứng 15% nhu cầu đi lại, đến năm 2020 đáp ứng 20% nhu cầu như Sở GTVT tính toán thì xe buýt cũng không đảm đương được vai trò của phương tiện giao thông công cộng. Ông Nghị cũng cho rằng nếu tạo đường riêng cho xe buýt thì đường sá hiện nay không đáp ứng được. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay cần giãn mật độ đi lại trong giờ cao điểm, hạn chế phương tiện cá nhân, nhất là xe máy vì đây là phương tiện “hay chen lấn, thấy chỗ nào trống là bò vào đến khi không đi được mới dừng lại”. Nếu không cấm được đăng ký xe thì hạn chế bằng tăng phí, lệ phí, có chính sách hạn chế đăng ký, ông đề xuất.

Tuy nhiên, thượng tá Nguyễn Duy Ngọc - trưởng Phòng CSGT Hà Nội - nghi ngại việc bố trí đi làm lệch giờ đi học khó được như mong muốn. Ông Ngọc lý giải: “Hiện nay người dân ở chồng chéo, ở một nơi đi làm một nơi, đưa đón con đi học một nơi nên ngại đi xe buýt”. Với việc cấm xe giờ cao điểm, ông Ngọc đề nghị có thể hạn chế taxi để dành đường cho xe buýt, hoặc có cơ chế cho những hãng taxi chạy theo các tuyến nhất định chứ với 15.000 taxi hiện nay, nhiều tuyến đường quá tải taxi trong giờ cao điểm.

Theo TS Khuất Việt Hùng (ĐH GTVT), sự phát triển của xe buýt không phải việc riêng của ngành GTVT hay Transerco mà cần thực hiện các giải pháp hạn chế xe cá nhân vào nội ô, nhất là ôtô, bằng cách tăng mức thu phí đỗ xe ở trung tâm, nhất là giờ cao điểm, thu phí lưu thông trong nội ô như TP.HCM dự định làm để hạn chế xe đi vào. Đồng thời trả vỉa hè cho người đi bộ để họ tiếp cận được với xe chứ đưa xe buýt vào ngõ phố là bất cập. Riêng việc bố trí lệch giờ làm cũng giảm được ùn tắc nếu thực hiện được nhưng cần phải có thử nghiệm bằng mô hình để tính toán cụ thể về nhu cầu, số lượng các đối tượng để có khung giờ hợp lý.

Bộ trưởng ĐINH LA THĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên