24/09/2019 09:21 GMT+7

Đề xuất gắn chíp định vị cho voi hoang dã

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Mới đây, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đề xuất gắn chíp định vị lên các đàn voi hoang dã để phục vụ công tác nghiên cứu, theo dõi đường đi để giảm xung đột voi và người…

Đàn voi hoang dã được các kiểm lâm quay lại được - Video: VIẾT THỤ

Chiều 23-9, ông Huỳnh Trung Luân - giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - xác nhận đã làm báo cáo đề nghị UBND tỉnh xin phép cơ quan chức năng cho gắn chíp định vị (GPS) lên các cá thể trong các đàn voi hoang dã thường xuất hiện ở địa phương.

Theo ông Luân, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên toàn cầu (WWF) có gói tài trợ hơn 60.000 USD nhằm nghiên cứu tập tính loài, số lượng, sức khỏe voi hoang dã để phục vụ công tác bảo tồn voi.

Đề xuất gắn chíp định vị cho voi hoang dã - Ảnh 2.

Một đàn voi hoang dã vô tình được các kiểm lâm VQG Yok Đôn quay lại được - Ảnh cắt từ clip

Cũng theo ông Luân, nhiều năm nay tình trạng các con voi rừng bị săn bắn, giết hại hoặc những chú voi con bị dính bẫy, sa lầy rồi bị chết khiến đàn voi ngày càng suy giảm. Bên cạnh đó, do diện tích rừng thu hẹp, nhiều đàn voi di chuyển để kiếm ăn phá hoại hoa màu của người dân cạnh các bìa rừng, có vụ voi rừng quật chết người…

Việc này đã tạo nên xung đột lớn giữa voi hoang dã với người nên dù đã được tuyên truyền, người dân dùng nhiều biện pháp xua đuổi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng voi. 

Đề xuất gắn chíp định vị cho voi hoang dã - Ảnh 3.

Một vườn chuối đã cho thu hoạch của một doanh nghiệp tại Ea Súp, Đắk Lắk bị voi phá sau 1 đêm - Ảnh: TRUNG TÂN

"Để hài hòa giữa công tác bảo tồn voi cũng như đảm bảo lợi ích cộng đồng, nguười dân, việc gắn thiết bị GPS lên voi được xem như một giải pháp quan trọng. Khi các cá thể voi hoang dã được gắn GPS, công tác quản lý đàn, số lượng voi, vị trí voi di chuyển sẽ hết sức dễ dàng. 

Hiện nay, việc tìm kiếm để nghiên cứu số lượng, sức khỏe voi rừng phần lớn dựa vào may rủi. Nếu có thiết bị GPS có thể biết được đàn voi đang ở đâu mọi lúc, mọi nơi. Việc này đã có nhiều quốc gia thực hiện nên công tác bảo tồn, đảm bảo an toàn cho người dân rất dễ thực hiện", ông Luân nói.

Tuy nhiên, theo ông Luân, việc gắn thiết bị định vị lên voi hoang dã cần có sự đồng ý, thống nhất của tỉnh, nhiều ban ngành và đặc biệt phải được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Vừa qua, trung tâm đã phối hợp với WWF tổ chức hội thảo để nói rõ về việc gắp thiết bị GPS lên voi hoang dã chỉ thuần mục đích khoa học.

Đề xuất gắn chíp định vị cho voi hoang dã - Ảnh 4.

Một trong những chú voi hạnh phúc không phải chở khách, được tự do đi lại trong rừng thuộc quyền quản lý của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - Ảnh: TRUNG TÂN

"Các chuyên gia đã giải thích việc sử dụng kỹ thuật định vị GPS để theo dõi voi hoang dã trong nghiên cứu tập tính di chuyển theo vùng, theo mùa để có thêm thông tin giúp các đơn vị chức năng nâng cao năng lực trong công tác bảo tồn voi địa bàn tỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đeo vòng định vị cho voi hoang dã cần bảo đảm các yêu cầu, quy định về mặt pháp lý. Vậy nên, chúng tôi đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định", ông Luân thông tin.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, qua khảo sát hiện có khoảng 5 đàn voi hoang dã với số lượng 80-100 con, phân bố chủ yếu tại Vườn Quốc gia Yok Đôn và những khu vực rừng thuộc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, Cư M’gar.

Trước đó, từ cuối năm 2017, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cũng đã thực hiện gắn chip điện tử vào đàn voi nhà tại tỉnh. Chíp điện tử gắn vào voi nhà không có chức năng định vị GPS mà chỉ để quản lý đàn voi bằng một mã số, được tổng hợp vào phần mềm.

"Nói dễ hiểu, việc gắn chíp điện tử giống như làm chứng minh nhân dân cho voi vậy. Voi sẽ được quản lý về đàn, nơi ở, nơi được mới của voi mà chủ cho tặng, sang nhượng" - ông Luân nói.

img_0435

Cán bộ Trung tâm bảo tồn voi gắn chíp điện tử cho voi nhà Đắk Lắk - Ảnh: TRUNG TÂN

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 45 con voi nhà (giảm hơn 10 lần so với những năm 1980) có độ tuổi khá lớn nên việc sinh sản gặp nhiều khó khăn. Vài năm trở lại đây, cùng với chính sách hỗ trợ tiền cho chủ voi, nài voi nếu voi sinh sản thì các bác sĩ Trung tâm Bảo tồn voi đã lên danh sách, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho voi.

Trong những năm qua, nhiều tổ chức quốc tế cũng có nhiều tài trợ cho công tác bảo tồn voi của tỉnh Đắk Lắk và Việt Nam. Trong các hỗ trợ đó là việc trả tiền để hai chú voi ở Vườn quốc gia Yok Đôn được thả về rừng, không phải chở khách du lịch nữa.

Voi tiến hóa mất ngà để không bị săn trộm? Voi tiến hóa mất ngà để không bị săn trộm?

TTO - Trước tình trạng bị săn trộm lấy ngà, loài voi lùn ở bang Sabah trên đảo Borneo dường như đang tiến hóa không còn mọc ngà nữa.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên