Ga Nha Trang hiện nay tại trung tâm thành phố, nằm trên đường Thái Nguyên, chỉ cách bãi biển Nha Trang chừng 500m - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung là doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông vận tải chủ trương, cho phép lập các phương án đề xuất cải tạo, dời ga Nha Trang nhằm đầu tư khai thác kinh doanh quỹ đất của ga Nha Trang hiện nay.
Ngày 18-3, theo lãnh đạo một đơn vị của tỉnh tham dự cuộc họp do UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức về vấn đề trên, đơn vị tư vấn và Công ty Tuấn Dung đã báo cáo hai phương án cải tạo, di dời ga Nha Trang.
Theo đó, phương án 1 chỉ dời hoạt động vận chuyển hàng hóa đến ga mới, dự kiến xây dựng tại xã Vĩnh Trung (TP Nha Trang). Còn ga hành khách vẫn tiếp tục duy trì tại ga Nha Trang hiện nay.
Phương án 2, dời toàn bộ ga Nha Trang đến ga mới sẽ xây dựng tại xã Vĩnh Trung.
Theo phương án di dời toàn bộ ga Nha Trang đến xã Vĩnh Trung, khi tàu lửa chạy đến đoạn đường sắt tại nút giao thông Ngọc Hội (giao cắt với đường 23-10 tại Vĩnh Điềm Trung, gần siêu thị Big C) sẽ không còn đường rẽ xuống ga Nha Trang như hiện tại. Theo đó, tất cả tàu lửa khi đến nút giao cầu vượt Ngọc Hội sẽ theo đường sắt được cải tạo, chạy vòng lên hướng Diên Khánh để vào ga mới tại xã Vĩnh Trung, gần đường Võ Nguyên Giáp.
Trước khi Công ty Tuấn Dung chính thức có phương án đề xuất dời ga Nha Trang như trên để chuyển đất làm dự án BT, tháng 2-2017, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đường sắt và cho di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành theo hình thức đối tác công- tư.
Đến tháng 12-2019, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Giao thông vận tải xem xét báo cáo đề xuất phương án cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang theo các đề xuất của nhà đầu tư là Công ty Tuấn Dung.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa, trong cả 2 phương án của Công ty Tuấn Dung mà UBND tỉnh đã giao cho sở xem xét, phương án nào cũng đều có mục đích "quy hoạch sử dụng đất ga Nha Trang, bố trí xây dựng chung cư cao tầng (30 tầng), công trình hỗn hợp (35 tầng), nhà liền kề, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ".
Đường vòng hình bóng đèn cho tàu lửa chạy trở đầu trong ga Nha Trang - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Việc di dời toàn bộ ga Nha Trang cũng như việc chuyển mục đích sử dụng đất ga Nha Trang thành đất ở để xây dựng các công trình khai thác kinh doanh như cả hai phương án của doanh nghiệp Tuấn Dung đã đề xuất đều "không phù hợp" với quy hoạch chung thành phố Nha Trang mà Thủ tướng đã phê duyệt; kể cả quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của tỉnh cũng chưa có các phương án sử dụng đất, xây dựng các công trình đó.
"Một đánh đổi rất lớn"
Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc - nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa: "Theo quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2012 đã có quy định về quy mô dân số của thành phố Nha Trang và đã tính đến chỗ ở cho dân số theo quy mô đó.
Vậy hà cớ gì phải lại xây dựng thêm các cao ốc, chung cư, nhà ở liền kề, nhà ở thương mại trái quy hoạch vào khu vực ga Nha Trang? Việc "nhồi" thêm dân cư cùng các công trình nhà ở đó sẽ phá vỡ quy hoạch dân số, hạ tầng đô thị và cả cảnh quan kiến trúc của đô thị Nha Trang rất nhiều".
"Còn việc phá dỡ ga Nha Trang và đường sắt vào tận trung tâm thành phố du lịch Nha Trang hiện nay, chỉ cách biển chừng 500m, để cho làm dự án BT theo đề xuất của doanh nghiệp tư nhân đã nêu sẽ là một "đánh đổi rất lớn" của thành phố Nha Trang. Bởi việc dỡ bỏ nhà ga Nha Trang đã có lịch sử cả trăm năm cùng cả hệ thống đường sắt hiện hữu vào ga này thì hàng trăm năm sau không dễ gì có thể khôi phục, xây dựng lại được.
Đó là điều mà giới kiến trúc sư cùng nhiều người dân sống lâu năm ở thành phố Nha Trang đề nghị các cơ quan rất cần phải thận trọng khi xem xét, quyết định" - ông Lộc nói
Ga Nha Trang tại trung tâm thành phố hiện nay - Video: PHAN SÔNG NGÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận