Chi phí áp dụng "một cung đường, hai địa điểm" là gánh nặng của nhiều doanh nghiệp hiện nay - Ảnh: L.L.
Nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được nêu ra tại buổi gặp mặt giữa các doanh nghiệp, hiệp hội FDI với lãnh đạo TP.HCM ngày 20-8.
Theo bà Mary Tarnowka - giám đốc điều hành AmCham Việt Nam, để duy trì sản xuất, TP.HCM đã có ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Thời gian qua, mô hình "3 tại chỗ", hay "1 cung đường, 2 điểm đến" đã giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, tuy nhiên nếu kéo dài thì mô hình này không bền vững từ yếu tố sức khỏe, độ an toàn, đặc biệt là chi phí và tính thực tiễn của nó.
Do đó, bà Mary Tarnowka cho rằng mô hình trên chỉ khuyến khích áp dụng với những lao động chưa được tiêm vắc xin.
Với những doanh nghiệp có nhân viên được tiêm vắc xin, AmCham đề xuất thí điểm mô hình "2 tại chỗ, 1 vùng xanh", cho phép người lao động được trở về nhà sau giờ làm trên cung đường an toàn đã được hướng dẫn.
Việc cho phép cá nhân đã được tiêm vắc xin về nhà sau giờ làm và doanh nghiệp kiểm soát bằng cách tăng cường xét nghiệm cũng như giám sát việc đi lại của công nhân sẽ là phương án lâu dài, đỡ tốn kém cho doanh nghiệp, không chỉ giảm gánh nặng chi phí mà công nhân có thể sinh hoạt thoải mái hơn. Đặc biệt trong bối cảnh, nếu người lao động được tiêm mũi vắc xin thứ 2, thì họ sẽ là "lao động xanh".
"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có số lao động hoàn thành hai mũi tiêm vắc xin nhưng họ vẫn phải tuân thủ các điều kiện sản xuất như lao động chưa tiêm, nếu kéo dài chi phí phát sinh của doanh nghiệp còn tăng", đại diện AmCham nhấn mạnh.
Ông Furusawa Yasuyuki, tổng giám đốc AEON Việt Nam, cho biết 8 công ty thành viên trong Tập đoàn AEON tại Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động, cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng, từ thiếu nhân lực cho đến chi phí xét nghiệm cho công nhân.
Ông Furusawa kiến nghị kéo giãn thời gian nộp thuế VAT, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để doanh nghiệp có đủ nguồn lực hỗ trợ tài chính tạm thời cho nhân viên, đồng thời cần giảm giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 nhằm giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp.
Với yêu cầu hiện tại, các doanh nghiệp đang phải chi trả khoản chi phí rất lớn cho việc xét nghiệm cho nhân viên do một số đơn vị phải xét nghiệm 3 ngày/lần, có tháng lên đến 10 lần với phí xét nghiệm hiện tại trung bình từ 1,5 triệu - 3 triệu đồng/nhân viên.
"Nếu chúng ta không sớm có giải pháp, khả năng tình hình sẽ rất khó khăn cho cả hai phía: cơ quan hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu", ông Furusawa Yasuyuki lưu ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận