Ngày 20-4, Bộ Công an đăng tải dự thảo lần 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017, để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Công an, dự thảo được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Cảnh vệ năm 2017, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình hiện nay.
Vì sao có điều chỉnh bổ sung về tăng cường cảnh vệ?
Một trong những nội dung mới đáng chú ý của dự thảo, Bộ Công an đề xuất bổ sung thêm ba đối tượng cảnh vệ, là các cá nhân giữ chức vụ thường trực Ban Bí thư, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao.
Trước đó, trong dự thảo lần 1 được đăng tải cuối tháng 10-2022, Bộ Công an lý giải chánh án Tòa án nhân dân tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao.
Theo Luật Cảnh vệ năm 2017, hiện nay chỉ có ba nhóm được cảnh vệ là con người, khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng.
Trong đó, con người gồm: cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc và khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
Cụ thể, điều 10 Luật Cảnh vệ quy định 37 cán bộ thuộc trường hợp được cảnh vệ là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng và các ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội và Phó thủ tướng.
Cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng cảnh vệ
Dự thảo sửa đổi Luật Cảnh vệ năm 2017 còn đề xuất cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng cảnh vệ để thuận lợi trong công việc.
Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định về việc phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ trong nước và nước ngoài; trong trường hợp cần thiết, quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài.
Lực lượng cảnh vệ còn được bổ sung quyền xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất quy định rõ tiêu chí xác định theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng.
Tại thời điểm dự thảo lần 1 được đăng tải lấy ý kiến nhân dân, một số chuyên gia pháp lý đồng tình đề xuất trên của Bộ Công an. Trao đổi trên báo chí, một nguyên lãnh đạo Tòa án Quân sự trung ương cho rằng việc bổ sung quy định cảnh vệ cho chánh án TAND tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao nên làm từ nhiều năm trước.
Dù chưa từng xảy ra sự việc đáng tiếc nhưng theo vị này, công việc của chánh án TAND tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao khá nhạy cảm, nguy cơ đối diện nhiều nguy hiểm nên nếu được cảnh vệ sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Đồng thời việc bổ sung này sẽ cân bằng chế độ bảo vệ giữa những người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận