Người dân tra cứu thông tin trên màn hình đặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở UBND Q.Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: GIA TIẾN
Ngoài Luật tiếp cận thông tin 2016 lần đầu tiên có, nhiều luật khác cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018 được ban hành trên cơ sở kế thừa, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp lệnh, luật cũ như: Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Luật cảnh vệ 2017, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017...
Đa dạng hình thức tiếp cận thông tin
Luật tiếp cận thông tin 2016 quy định tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin.
Theo đó, công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận theo quy định (như: thông tin thuộc bí mật nhà nước; thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự an toàn xã hội...).
Đồng thời, công dân được tiếp cận có điều kiện các thông tin về bí mật kinh doanh trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân trong trường hợp được người đó đồng ý...
Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do mình tạo ra, nghị định 13/2018 (quy định chi tiết Luật tiếp cận thông tin) cho phép người yêu cầu cung cấp thông tin sử dụng điện thoại di động và các phương tiện kỹ thuật khác để sao, chụp văn bản, hồ sơ tài liệu.
Người đứng đầu các cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm bố trí địa điểm đọc, nghe, xem, ghi chép, sao chép, chụp thông tin để cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan; bố trí thiết bị tại trụ sở cơ quan, tạo thuận lợi cho công dân tiếp cận thông tin bằng hình ảnh, video...
Giới hạn quyền nổ súng
Theo Luật cảnh vệ 2017, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ khi thi hành nhiệm vụ chỉ được nổ súng trong các trường hợp quy định gồm: cảnh báo đối tượng đang đột nhập khu vực, mục tiêu cảnh vệ; nổ súng vào đối tượng đang đột nhập khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả; vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ.
Cũng liên quan đến quyền nổ súng, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 yêu cầu người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong 5 trường hợp.
Theo đó, ngoài các trường hợp đang thực hiện như: đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác, hay người đang bị truy nã... thì có một trường hợp mới được quy định lần này là "khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng".
Tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần
Cùng với việc quy định thêm nhiều loại thiệt hại cụ thể được bồi thường, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 còn tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan sai.
Nếu luật cũ chỉ quy định chung là "thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù" thì luật mới quy định chi tiết hơn.
Cụ thể, thiệt hại về tinh thần trong khi người bị thiệt hại bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được xác định là 2 ngày lương cơ sở.
Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 5 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù...
Trong đó, ngày lương cơ sở được xác định là 1 tháng lương cơ sở chia cho 22 ngày.
Lương hưu, trợ cấp tăng 6,92%
Từ ngày 1-7-2018, tăng 6,92% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng (so với mức của tháng 6-2018) với cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động, quân nhân, công an nhân dân; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng…
Đây là nội dung nổi bật của nghị định 88/2018.
Lương cơ sở tăng thành 1,39 triệu đồng/tháng
Cũng từ ngày 1-7-2018, mức lương cơ sở áp dụng đối với công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân… được tăng lên là 1,39 triệu đồng/tháng (thay mức 1,3 triệu đồng/tháng trước đây).
Mức lương này được dùng làm căn cứ tính mức lương trong bảng lương, phụ cấp; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật, tính các khoản trích và chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở (theo nghị định 72/2018).
5 điều kiện được hưởng án treo
Theo nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (có hiệu lực từ ngày 1-7-2018), có 5 điều kiện để người bị xử phạt tù được hưởng án treo.
Gồm có: Bị xử phạt tù không quá 3 năm; có nhân thân tốt; có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo, cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận