Chiều 3-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Cân nhắc bổ sung chế độ cảnh vệ với nguyên lãnh đạo chủ chốt
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cân nhắc, xem xét bổ sung hoạt động cảnh vệ ở ngoài lãnh thổ Việt Nam để bảo đảm đầy đủ địa bàn, vì hoạt động của đối tượng cảnh vệ không chỉ ở trong nước mà còn diễn ra ở nước ngoài. Bởi theo ông Hùng, dự thảo luật chưa đề cập vấn đề này.
Về chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước, đại biểu Hùng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung chế độ cảnh vệ đối với các chức danh.
Cụ thể là nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết khi đi dự các sự kiện đặc biệt quan trọng trong nước bằng ô tô.
Bởi hiện nay, dự thảo luật chưa đề cập. Trong khi đó, các chức danh này đều thuộc chức danh chủ chốt cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông cũng bày tỏ nhất trí cao với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.
Ông Hùng cho rằng dự luật bổ sung quy định về việc sử dụng giấy bảo vệ đặc biệt của sĩ quan cảnh vệ là phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Hùng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định thời hạn của giấy là 5 năm, kể từ ngày ký.
Đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế
Về đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế tại Việt Nam, khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc sửa đổi, bổ sung các đối tượng khách quốc tế cho phù hợp, đầy đủ.
Ông nói công tác cảnh vệ đối với khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam là nội dung quan trọng, đóng góp vào thành công của các chuyến thăm; góp phần thực hiện hiệu quả, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, các quy định về nghi lễ đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đảm bảo tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Cùng với đó là pháp luật, thông lệ quốc tế, phục vụ tích cực các yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng, Nhà nước...
"Việc quy định đầy đủ các đối tượng khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam thuộc diện được đảm bảo chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ không chỉ đảm bảo an ninh, an toàn cho khách mà còn thể hiện sự đề cao, sự trọng thị của Việt Nam đối với khách quốc tế.
Qua đó tạo sự ủng hộ, sự mến mộ, trân trọng của khách quốc tế, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa chúng ta với các đối tác trên thế giới, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển", ông Hải Anh nêu.
Ông đề nghị nên bổ sung một số chức danh gồm người đứng đầu Đảng cầm quyền của các nước, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của một số định chế liên chính phủ cấp khu vực, quốc tế, các tổ chức liên nghị viện khu vực và quốc tế mà Việt Nam có quan hệ mật thiết hoặc là thành viên.
Cụ thể, nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu đảng cầm quyền; người đứng đầu đảng cầm quyền; phó nguyên thủ quốc gia, đồng thời là lãnh đạo đảng cầm quyền.
Nhà vua, nữ hoàng, người kế vị nhà vua; tổng thư ký, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc; chủ tịch Hội đồng châu Âu; chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu; chủ tịch, phó chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới; chủ tịch Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương...
Về chế độ và biện pháp cảnh vệ, ông đề nghị quy định rõ các chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ đối với nhóm đối tượng khách quốc tế theo danh nghĩa và cấp độ của các chuyến thăm. Trong đó có chuyến thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm nội bộ, thăm cá nhân.
Ông cũng đề nghị xem xét quy định chế độ và biện pháp cảnh vệ khi khách quốc tế đến Việt Nam vì mục đích chữa bệnh, nghỉ dưỡng hoặc quá cảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận