03/06/2024 14:13 GMT+7

Bộ Công an: Triển khai biện pháp cảnh vệ 'chưa xảy ra vấn đề gì lạm quyền'

Bộ Công an nêu rõ dự thảo luật đã giới hạn rõ các trường hợp cấp thiết mà bộ trưởng Bộ Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội - Ảnh: GIA HÂN

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 3-6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp

Thảo luận tại tổ về dự luật chiều 24-5, có ý kiến đề nghị bổ sung hội nghị, lễ hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức; tiếp xúc cử tri của 4 lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước vào nhóm "sự kiện đặc biệt quan trọng" là đối tượng cảnh vệ.

Có ý kiến đề nghị cần thu hẹp hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ theo hướng chỉ khi có lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước tham dự để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ....

Giải trình nội dung này, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên như quy định tại dự thảo luật để đảm bảo phù hợp với thực tiễn triển khai công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện.

Việc này để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, phù hợp điều kiện an ninh, trật tự ở nước ta.

Bộ Công an cho hay để bảo đảm an ninh, an toàn cho các hội nghị, lễ hội, các sự kiện quan trọng do địa phương tổ chức cần áp dụng biện pháp cảnh vệ, dự luật đã bổ sung quy định:

Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại điều 10 Luật Cảnh vệ.

Không phát sinh biên chế hoặc nguồn lực tài chính

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu xác định "trường hợp nào là cấp thiết", tiêu chí xác định (chủ thể có thẩm quyền yêu cầu đại sứ quán, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền ở trung ương) và phải quy định rõ trong luật.

Bởi khi áp dụng những trường hợp cấp thiết có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân.

Về vấn đề này, theo Bộ Công an, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Ngoài bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ, còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo luật đã giới hạn rõ các trường hợp cấp thiết mà bộ trưởng Bộ Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ. Đó là để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại.

Bộ Công an cho hay trong thực tiễn, lực lượng cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ với nhiều đối tượng khác không được quy định tại điều 10 Luật Cảnh vệ.

Cụ thể, từ ngày 1-7-2018 đến nay, bộ đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 56 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra, hoặc theo đề nghị của các bộ, ban, ngành, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.

Hoặc trụ sở các ủy ban của Quốc hội, trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, không phải là khu vực trọng yếu, nhưng theo yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn, Bộ Công an vẫn triển khai một số biện pháp cảnh vệ phù hợp.

"Thực tiễn thực hiện thời gian qua chưa xảy ra vấn đề gì lạm quyền. Người quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với các trường hợp trên và chịu trách nhiệm là bộ trưởng Bộ Công an.

Do vậy, cần được cụ thể trong luật để bảo đảm hành lang pháp lý trong thực hiện nhiệm vụ", Bộ Công an nêu rõ.

Thực hiện nhiệm vụ này, theo Bộ Công an, "không phát sinh biên chế hoặc nguồn lực tài chính" vì thực tế đã và đang thực hiện trên cơ sở biên chế hiện có, tài chính hiện tại.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Công an phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan liên quan quy định rõ trường hợp cấp thiết.

Cụ thể, bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại điều 10 Luật Cảnh vệ theo đề nghị của người đứng đầu các cơ quan ở trung ương, người đứng đầu chính quyền địa phương, đại sứ quán các nước.

Khi bổ sung khoản 6 vào điều 10 Luật Cảnh vệ, theo Bộ Công an vẫn cần có khoản 5 điều 10 Luật Cảnh vệ vì quy định theo hướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ theo hướng ổn định, lâu dài.

Đề xuất có cảnh vệ cho Thường trực Ban Bí thư, Chánh án tòa, Viện trưởng VKSND tối caoĐề xuất có cảnh vệ cho Thường trực Ban Bí thư, Chánh án tòa, Viện trưởng VKSND tối cao

Đề xuất có cảnh vệ cho Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chiều nay Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã đề xuất như trên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên