28/02/2012 02:57 GMT+7

Để xe không né đường cao tốc

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Mấy ngày qua, một trong những câu chuyện gây sự chú ý đặc biệt của dư luận là đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương bắt đầu thu phí.

Sở dĩ nó được chú ý là vì có nhiều chuyện bất thường: mức thu quá cao, thời gian thu kéo dài tới 25 năm, số lượng phương tiện lưu thông trên đường cao tốc ngày càng ít đi và người ta sắp xây dựng một trạm thu phí trên quốc lộ 1A đoạn giáp ranh tỉnh Long An và Tiền Giang để thu của xe “né” đường cao tốc.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Vắng xe bất thườngThu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Kể từ khi đường cao tốc rục rịch thu phí, giới tài xế, nhà xe, thậm chí những người có ôtô riêng cũng đều lên tiếng cho rằng mức thu phí đường cao tốc quá cao, gấp bốn lần phí trên quốc lộ 1A và cầu Mỹ Thuận.

Ông Trần Thanh Hùng, chủ doanh nghiệp ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang), nói đoàn ôtô chạy hợp đồng của ông đều đã chuyển qua quốc lộ 1A từ ngày thu phí với lý do không chịu nổi phí đường cao tốc. Ông tính toán: “Giá hợp đồng cho thuê xe 5-7 chỗ từ Tiền Giang đi TP.HCM là 750.000 đồng/ngày. Sau khi trừ hết chi phí thì còn được 300.000 đồng, chưa kể khấu hao. Nếu chạy đường cao tốc sẽ mất 80.000 đồng phí/hai lượt thì không còn lời nữa”.

Còn anh Hoàng Quốc Thắng, tài xế xe tải 11 tấn tuyến Phan Thiết - Cần Thơ, cho biết mức cước vận chuyển trung bình nhà xe hợp đồng với khách hàng khoảng 4 triệu đồng/chuyến. Nếu chỉ đi quốc lộ 1A thì nhà xe còn lời gần 1 triệu đồng. Còn đi đường cao tốc phải nộp phí 320.000 đồng/lượt thì coi như nhà xe trắng tay. Mấy hôm nay anh và rất nhiều tài xế xe tải khác đã chuyển qua quốc lộ 1A.

Cũng vì mức thu quá cao khiến phần lớn tài xế xe khách, xe tải đều chuyển sang chạy quốc lộ 1A. Theo thống kê của Tổng công ty Cửu Long, lượng xe qua đường cao tốc đã giảm tới 40-50% so với trước ngày thu phí. Chính vì vậy cơ quan này đã bắt đầu xúc tiến việc xây dựng trạm thu phí phụ trên quốc lộ 1A đoạn giáp ranh địa phận tỉnh Long An và Tiền Giang. Mục đích của trạm này là hỗ trợ thu phí đường cao tốc. Nói dễ hiểu là để thu phí xe nào né đường cao tốc.

Việc làm này tiếp tục vấp phải sự phản ứng của người dân. Luật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư Tiền Giang) cho rằng theo quy định tại điều 2 pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001, thì sự ra đời của trạm thu phí này là không phù hợp. Ngoài ra, thông tư 90 của Bộ Tài chính năm 2004 quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí là 70km. Còn quãng đường từ trạm thu phí An Lạc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đến trạm thu phí sắp xây trên quốc lộ 1A chỉ khoảng 50km mà thôi.

Đường cao tốc là công trình giao thông, cũng là một loại hình dịch vụ. Người dân có quyền lựa chọn dịch vụ theo nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Thật vô lý khi họ không chọn đường cao tốc để đi mà bắt họ phải trả phí đi đường cao tốc!

Người dân ai cũng muốn được ngồi ôtô bon bon trên đường cao tốc vì vừa nhanh, vừa không bị dằn xóc, dồn ứ như đi trên quốc lộ 1A. Các chủ xe, tài xế và cả những người dân bình thường nói rằng nếu mức phí đường cao tốc giảm 50% thì họ sẽ rất vui vẻ chọn đường này mà không cần phải lẩm nhẩm tính toán thiệt hơn. Chứ chi phí vận chuyển tăng, thể nào giá cả hàng hóa cũng lao theo và khi ấy lại cũng là người dân lãnh đủ.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên