30/06/2016 12:45 GMT+7

Để “trưng cầu ý dân” vào cuộc sống...

 ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh Tòa hình sự TAND tối cao)
ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh Tòa hình sự TAND tối cao)

TTO - Luật trưng cầu ý dân 2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, chính là sự thể chế hóa quyền “dân chủ trực tiếp” của công dân được quy định trong Hiến pháp nên cần được sớm đưa vào cuộc sống.

Sinh viên ký túc xá Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) đi bỏ phiếu bầu cử sáng 22-5 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sinh viên ký túc xá Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) đi bỏ phiếu bầu cử sáng 22-5 - Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Luật trưng cầu ý dân 2015 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân trong nhiều năm qua, nhất là khi Nhà nước ta có chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, người dân hi vọng bản Hiến pháp mới sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân.

Trưng cầu ý dân không chỉ là nhu cầu tất yếu của người dân ở một quốc gia dân chủ, mà còn thể hiện quyền công dân, quyền con người. Luật trưng cầu ý dân 2015 chính là sự thể chế hóa quyền “dân chủ trực tiếp” của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên có lẽ đây là vấn đề mới, lại chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn nên sau khi Quốc hội thông qua Luật trưng cầu ý dân, nhiều người dân còn chưa biết đến luật này.

Mặt khác, các cơ quan thông tin đại chúng thời gian qua cũng chỉ tập trung tuyên truyền mấy đạo luật lớn như: Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự... còn đối với Luật trưng cầu ý dân ít được đề cập nên người dân cũng thiếu thông tin.

Thật ra nội dung của Luật trưng cầu ý dân 2015 quy định khá chi tiết, không chỉ phạm vi những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân, mà luật còn quy định cụ thể trình tự thủ tục việc tổ chức trưng cầu như thế nào.

Do đó, chỉ cần các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường việc thông tin hoặc đăng tải toàn văn luật này thì mọi người đều có thể hiểu, chứ không cần phải giải thích hướng dẫn gì thêm. Nội dung cơ bản của Luật trưng cầu ý dân 2015 có thể tóm tắt như sau:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

- Quốc hội là cơ quan xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

- Phạm vi những vấn đề được trưng cầu là: toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

- Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên là người có quyền bỏ phiếu biểu quyết;

- Kết quả trưng cầu ý dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Quốc hội quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân;

- Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Như vậy, việc tổ chức trưng cầu ý dân cũng tương tự bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp mà chúng ta vừa tiến hành vào tháng 5-2016 vừa qua, không có gì phức tạp và khó hiểu.

Cần sớm hướng dẫn điều 16

Luật trưng cầu ý dân 2015 được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ biện chứng giữa quyền dân chủ trực tiếp và quyền dân chủ gián tiếp, là một đạo luật rất tiến bộ và khoa học, đáp ứng mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo điều 3 của luật, trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của luật này.

Để toàn dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, điều 14 của luật quy định phải có đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

Như vậy quyền dân chủ trực tiếp không những song song mà còn đan xen với quyền dân chủ gián tiếp. Trong đó quyền dân chủ gián tiếp là điều kiện tiên quyết của quyền dân chủ trực tiếp, nhưng một khi đã có kết quả trưng cầu ý dân thì ý của toàn dân có tính quyết định, Quốc hội phải có trách nhiệm quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

Để Luật trưng cầu ý dân sớm đi vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành nghị quyết hướng dẫn điều 16 của luật để toàn dân hiểu được phạm vi thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình.

Cụ thể là: Thế nào là những vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia? Thế nào là những vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước? Thế nào là những vấn đề đặc biệt quan trọng khác?... Lẽ ra những nội dung này phải được ban hành trước khi Luật trưng cầu ý dân có hiệu lực thi hành.

Th.S NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM)

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh Tòa hình sự TAND tối cao)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên