26/11/2015 12:42 GMT+7

Luật trưng cầu ý dân: ​Bước tiến mới của dân chủ

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (nhà nghiên cứu xã hội), Quốc hội thông qua Luật trưng cầu ý dân là một bước tiến lớn, phù hợp với xu thế chung của thế giới văn minh.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật trưng cầu ý dân gồm 52 điều. Theo đó, cho phép Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề: toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng...

Luật này quy định cuộc trưng cầu ý dân phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Trước khi bấm nút thông qua nội dung này, có ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (nhà nghiên cứu xã hội):

Đạo luật đem đến những hi vọng

Trước hết chúng ta cần phải khẳng định rằng việc Quốc hội thông qua Luật trưng cầu ý dân là một bước tiến lớn, phù hợp với xu thế chung của thế giới văn minh, đặc biệt là trong thời điểm VN ngày càng hội nhập sâu với thế giới về mọi mặt.

Ở nhiều nước phát triển, trưng cầu ý dân là một hoạt động bình thường của nhà nước, mỗi khi đất nước họ có những vấn đề cần đưa ra để toàn dân quyết định.

Ở VN chúng ta lâu nay chưa có trưng cầu ý dân mà chỉ có lấy ý kiến nhân dân mà thôi.

Việc lấy ý kiến có khi lên đến hàng chục triệu người tham gia, như đợt lấy ý kiến góp ý dự thảo Hiến pháp 2013, sau đó tổng hợp lại để những cơ quan có thẩm quyền tham khảo, còn việc có tiếp thu ý kiến nhân dân hay không thì lại khác.

Nhưng trưng cầu ý dân tức là đưa một vấn đề ra để dân quyết định, và dân quyết thế nào (đa số) thì phải tuân theo thế ấy.

Điều tôi nghĩ nhiều người quan tâm nhất không chỉ dừng lại ở sự kiện Quốc hội vừa mới thông qua một đạo luật tiến bộ, văn minh, mà luật này có đi vào cuộc sống hay không. Cái này thì chúng ta lại cần thời gian để kiểm nghiệm.

Tôi rất ngại khi dự định đưa vấn đề nào đó ra để trưng cầu thì nảy sinh ý kiến này khác, nào là nhạy cảm, nào là trình độ dân trí chưa cao... Tôi cho rằng VN chúng ta có nhu cầu và nhiều vấn đề cần phải trưng cầu ý dân. Đạo luật đem đến cho chúng ta những hi vọng.

Đại biểu HUỲNH NGHĨA (trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng):

Bước tiến mới của dân chủ

Ông Huỳnh Nghĩa 

Lần này Quốc hội thông qua dự án Luật trưng cầu ý dân theo tôi là rất đúng thời điểm, đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong tình hình đổi mới, hội nhập quốc tế.

Bản thân tôi đã tham gia nhiều khóa Quốc hội, tôi nhận thấy rằng đây là dự luật nằm trong sự nung nấu của nhiều đại biểu, trong đó có tôi và được nhân dân rất chờ đợi.

Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì việc trưng cầu ý dân để tham khảo ý kiến của nhân dân, để dân là người làm chủ thật sự của đất nước là điều đương nhiên. Ý kiến đó sẽ giúp Quốc hội có căn cứ để quyết định những vấn đề trọng đại.

Tôi cho đây là một bước tiến mới trong quá trình dân chủ, đồng thời mong muốn luật sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Quốc hội ban hành luật nhưng người dân cũng phải có trách nhiệm để luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền cho người dân phải thật sâu rộng. Để khi đưa ra trưng cầu, cần dân góp tiếng nói thì họ sẽ lựa chọn vấn đề thấu đáo, xác đáng nhất, mang lại lợi ích thật sự cho quốc gia...

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên