14/07/2018 17:27 GMT+7

Để tránh 'chết chùm' khi cứu người ngạt khí

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Vừa có 3 người ở xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang chết do ngạt khí khi đào giếng. Làm thế nào để tránh những vụ chết nhiều người do ngạt khí?

Để tránh chết chùm khi cứu người ngạt khí - Ảnh 1.

Ba thủy thủ tàu Thành Công 98 chết trong hầm hàng của tàu nghi ngạt do thiếu oxy vào tháng 4-2018 - Ảnh: HỒNG PHÚC

Trước đó, ngày 12-7, ông Nguyễn Văn Hùng cùng con rể là anh Quản Văn Chinh đến đào giếng thuê cho anh Phạm Văn Thắng, cùng ở xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh.

Trong khi đào, phát hiện anh Chinh bị ngất ở đáy giếng, ông Hùng liền trèo xuống để cứu nhưng cũng ngất ngay sau đó. Anh Thắng sau đó cũng xuống giếng cứu người nhưng bị ngất theo. Khi được người dân đưa lên khỏi giếng thì cả ba người đã tử vong.

Vào tháng 4-2018, 3 thủy thủ tàu Thành Công 98 cũng tử vong khi xuống hầm tàu kiểm tra để chuẩn bị nhận hàng mật mía, cơ quan chức năng nhận định là do ngạt khí.

Tháng 1-2017, tại hầm chứa nước hấp cá của một công ty trong KCN Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, 1 công nhân bị ngạt khí, 4 người khác xuống cứu cũng gặp nạn khiến cả 5 người thiệt mạng...

Theo đại tá Võ Quang Cát - trưởng Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Cảnh sát PCCC Bình Định, toàn bộ những vụ chết nhiều người do ngạt khí đều bắt đầu từ việc một người gặp nạn rồi người thân hoặc đồng nghiệp vội vàng ứng cứu mà không lường được nguy hiểm.

Những môi trường cảnh báo nguy cơ thiếu oxy cao có thể dẫn đến chết người là bồn hoặc lò hơi bằng thép; giếng, cống, bể ngầm, hầm chứa thực phẩm; buồng kín phun sơn; kho đông lạnh chứa các loại nông, hải sản; hầm, kho chứa gỗ…

"Đây là những môi trường dễ xảy ra phản ứng hóa học, yếm khí, tiêu hao oxy nhanh chóng và phát sinh các loại khí độc cực kỳ có hại đối với sự sống. 

Trời càng nắng nóng, lượng oxy ở những môi trường này bị "ăn" càng nhanh nên dễ xảy ra tai nạn chết người. Trong môi trường thiếu oxy trầm trọng, chỉ cần vài chục giây đến vài phút là đủ gây chết người", ông Cát giải thích.

Để phòng tránh tai nạn khi tác nghiệp ở những môi trường này, cần phải mở rộng cửa, miệng cống, nắp hầm… trong một thời gian nhất định hoặc dùng dụng cụ khuấy mạnh chất lỏng bên trong để khí độc bay ra, lượng oxy được tăng cường.

Để đảm bảo an toàn cho môi trường làm việc hoặc khi ứng cứu nạn nhân, cần phải kiểm tra lượng oxy có đảm bảo cho sự sống hay không. 

Theo ông Cát, nếu không có dụng cụ đo lượng oxy, giải pháp thủ công là dùng vật sống như gà, chim… thả xuống khu vực nghi thiếu oxy, nếu con vật còn sống thì an toàn, còn nếu chúng chết thì đó là nơi nguy hiểm.

"Trước đây cũng có người dùng bó đuốc thả xuống những khu vực nghi thiếu oxy, nếu đuốc tắt nghĩa là thiếu oxy, không đảm bảo cho sự sống. Tuy nhiên cách thử này nguy hiểm vì ở những môi trường kín, nhiều khí độc, trong đó có những loại khí dễ gây cháy nổ như mêtan, sẽ không an toàn", ông Cát khuyến cáo.

Đại tá Cát khuyên trong trường hợp có người gặp nạn nghi do ngạt khí, nên gọi cơ quan cứu nạn cứu hộ càng nhanh càng tốt. 

Nếu ứng cứu, cần phải cẩn trọng kiểm tra mức độ an toàn của môi trường, không nên vội vàng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, có thể chết người như vừa qua.

3 người tử vong do ngạt khí khi đào giếng ở Bắc Giang 3 người tử vong do ngạt khí khi đào giếng ở Bắc Giang

TTO - Trong lúc đào giếng, thấy anh Chinh bị ngất ở đáy giếng, ông Hùng và anh Thắng đi xuống cứu nhưng đều ngất theo. Khi được mọi người đưa lên, cả 3 đã tử vong.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên