08/10/2018 11:15 GMT+7

Để thức ăn đường phố ngon hơn

HỒNG VÂN - HÀ MY - NGỌC ĐÔNG - B.TR.
HỒNG VÂN - HÀ MY - NGỌC ĐÔNG - B.TR.

TTO - Rất nhiều khách nước ngoài mê thức ăn đường phố Việt Nam. Chị Amor Garcia (người Philippines) còn kể vanh vách những món khoái khẩu như: bánh tráng nướng, bắp xào, xúp cua, xoài lắc, bánh trứng, bánh mì và các loại bún, mì...

Để thức ăn đường phố ngon hơn - Ảnh 1.

Khách nước ngoài mua đồ ăn vặt ở đường Bùi Viện, Q.1 (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Khi Tuổi Trẻ thông tin từ ngày 20-10 sẽ tăng mức phạt trong kinh doanh thức ăn đường phố theo nghị định 115/2018, nhiều người nước ngoài chia sẻ trải nghiệm của họ về thức ăn đường phố và góp ý làm thế nào để món ăn sạch hơn, ngon hơn...

* Ông ROGER BADDELEY (người Úc):

Tôi mua ở chỗ đồ ăn nhìn có vẻ sạch sẽ

Tôi từng sống ở TP.HCM bảy năm. Mặc dù vẫn thường mua và ăn thức ăn đường phố ở đây nhưng tôi luôn thắc mắc về vấn đề vệ sinh của những thực phẩm này và dĩ nhiên là không có câu trả lời.

Để thức ăn đường phố ngon hơn - Ảnh 2.

Ông Roger Baddeley (người Úc)

Do tôi và nhiều người bạn nước ngoài khác từng bị ngộ độc thực phẩm nên chúng tôi rất lo lắng về việc ăn cái gì và ăn ở đâu.

Khi ăn ngoài đường phố, tôi thường chọn mua ở chỗ nào mà đồ ăn nhìn có vẻ sạch sẽ. Tôi cũng chọn ăn ở những nơi mà người bán vệ sinh tốt không gian bán hàng của mình. Tôi cũng để ý xem quán và khu vực xung quanh có ruồi nhặng hay chuột không.

Những điều này rất quan trọng và giúp tôi tránh gặp các vấn đề rắc rối về sau như bị đau bụng. Thường tôi thích ăn bánh mì vì theo tôi, đây là loại thức ăn đường phố an toàn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi cũng ăn những món khác như bánh xèo miền Trung và đây quả là một món ăn rất cân bằng dinh dưỡng với rất nhiều rau xanh.

Tôi vẫn còn nhớ khi sống ở TP.HCM, nhiều lần tôi chứng kiến cơ quan chức năng địa phương đi dọn dẹp vỉa hè và xử phạt những người bán hàng lấn chiếm vỉa hè hoặc bán ở nơi không đúng quy định. Tôi nghĩ việc làm này là cần thiết để cải thiện hình ảnh của thành phố.

Tôi ủng hộ việc tăng mức phạt đối với những vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố để thức ăn sạch hơn, ngon hơn.

Nếu các bạn không quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, người nước ngoài sống ở Việt Nam hoặc các du khách gặp những sự cố như đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn... Và họ sẽ kể lại chuyện này với bạn bè hoặc gia đình họ ở nước ngoài, gây ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam.

Tôi trở về Úc sống từ năm 2010 và gần đây tôi lái xe Uber khi có thời gian. Tôi có thể nói khoảng 50% khách hàng của mình từng sang Việt Nam và họ kể những chuyện tích cực về đất nước các bạn. Tất cả đều khen thức ăn ở Việt Nam.

* Anh BILL THOMAS (người Anh):

Lợi thế lớn trong việc thu hút du khách

Trong bốn năm sống ở Việt Nam, tôi đã thử nhiều món ăn nhưng món yêu thích nhất của tôi vẫn là cơm tấm với trứng chiên lòng đào.

Do phần lớn các nước châu Âu và Mỹ đều có nhiều quy tắc an toàn thực phẩm gắt gao nên người lần đầu đến Việt Nam vô cùng ngạc nhiên với cảnh tượng thực phẩm, đặc biệt là thịt được chế biến trong điều kiện thời tiết nắng nóng, oi bức của đường phố Việt Nam mà không có tủ lạnh để giữ mát, tránh làm ôi thiu.

Nước tôi có rất nhiều quy định gắt gao liên quan đến việc kinh doanh thực phẩm, và tất cả hộ kinh doanh đều phải đạt chuẩn và được kiểm định kỹ càng. Chính vì vậy thực phẩm ở Anh vô cùng đắt đỏ. Thực tế là chính những quy định gắt gao này đã triệt tiêu việc kinh doanh thức ăn đường phố ở Anh.

Việc chính quyền chú trọng vào vấn đề an toàn thực phẩm đối với các món ăn đường phố là điều đáng mừng, nhưng cũng cần chú ý bảo toàn nền ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là các món ăn đường phố, vì đó chính là một trong những lợi thế lớn trong việc thu hút khách du lịch.

* Anh LU LING KAI (người Đài Loan):

Phải đảm bảo quy định được thực thi

Thức ăn đường phố là một trong những lý do chính khiến tôi thường xuyên đến Việt Nam du lịch nên tôi rất mừng khi thấy các nhà chức trách quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, tôi tin rằng một hình thức khác nên được áp dụng.

Để thức ăn đường phố ngon hơn - Ảnh 3.

Anh LU LING KAI (người Đài Loan)

Một trong những lý do nhiều người chuộng mua thức ăn ở các gian hàng lề đường là do giá cả. Việc áp dụng mức phạt mới sẽ làm tăng giá thành của sản phẩm, và tôi không nghĩ rằng khách hàng sẽ chấp nhận điều này.

Ngoài ra, để áp dụng được mức phạt mới cần phải có một nhóm người giám sát và đảm bảo những quy định được thực thi chứ không chỉ mang tính hình thức.

Theo tôi, vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ nằm ở người bán, mà còn phụ thuộc vào thái độ của người mua.

Một lần tôi đã mua phải ổ bánh mì tại một trạm dừng chân và khi bắt đầu ăn tôi nhận ra ổ bánh mì ấy toàn kiến! Tôi khá sốc và liền ném ổ bánh mì ấy vào thùng rác.

Vẫn còn bực tức, tôi kể cho những bạn người Việt Nam nghe nhưng các bạn ấy vô cùng bình thản và còn khẳng định đó là chuyện thường thấy (?!).

Chính vì vậy tôi nghĩ khó có thể cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm nếu thái độ của người mua không thay đổi. Người mua cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này và chọn cho mình nơi bán thức ăn sạch sẽ, hợp vệ sinh để những nơi không đạt chuẩn chung sẽ sớm bị loại khỏi thị trường.

co du khach (read-only)

Chị Amor Garcia (người Philippines)

Kiểm tra vệ sinh với người buôn bán nhỏ

Sống ở TP.HCM 15 năm nay, mỗi khi thèm thức ăn đường phố tôi thường đến khu vực hồ Con Rùa để thưởng thức, và hương vị của những món ăn đó thật sự tuyệt vời.

Tôi thật sự không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình sẽ như thế nào nếu không có thức ăn đường phố Việt Nam. Tôi thích ăn bánh tráng nướng, bắp xào, xúp cua, xoài lắc, bánh trứng, bánh mì và các loại bún, mì...

Dù có vừa ăn xong thì nghĩ tới những món đó tôi cũng thấy đói lại liền. Món ăn Việt Nam rất độc đáo, hương vị rất đặc biệt và phong phú. Tôi luôn không ngừng ngạc nhiên về vị ngon của các món ăn Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng ẩm thực chính là một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam. Đất nước này đang nổi tiếng một cách nhanh chóng nhờ những món ăn của mình.

Tôi cho rằng người Việt Nam nên ra sức bảo quản các công thức nấu nướng truyền thống của họ, vì đó chính là điều khiến ẩm thực Việt Nam vô cùng độc đáo.

Nói về chuyện an toàn thực phẩm, cho đến nay tôi chưa từng gặp rắc rối gì với việc đó cả. Tuy nhiên, hai người thân của tôi từ Mỹ sang đã từng bị ngộ độc thực phẩm. Cả hai ngày trời họ bị nôn ói liên tục và còn bị "tào tháo rượt" nữa.

Tôi có nghe về việc tăng mức phạt đối với các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, và tôi nghĩ phạt tiền có thể là một hình thức hiệu quả.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn ở đây là chúng ta cần có người đi kiểm tra các hàng quán bán thức ăn đường phố, thậm chí cả nhà hàng để đảm bảo mọi người được an toàn, mọi thứ đều hợp vệ sinh và nguyên liệu an toàn để sử dụng.

Tôi nghĩ cả những người kinh doanh nhỏ cũng cần phải có giấy phép để hoạt động và để có được giấy phép này họ phải vượt qua được kỳ kiểm tra vệ sinh. Điều này giúp mọi người cảm thấy an toàn hơn khi trải nghiệm thức ăn đường phố.

AMOR GARCIA

Tăng mức phạt trong kinh doanh thức ăn đường phố

Theo nghị định 115/2018, các cơ quan có thẩm quyền có thể phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng (quy định hiện hành là 300.000-500.000 đồng) đối với một trong các hành vi kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Các hành vi đó là: không có bàn, tủ, thiết bị, dụng cụ... đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền có quyền phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng (mức hiện hành là 500.000 - 1.000.000 đồng) đối với một trong các hành vi: sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định;

Người đang mắc các bệnh mà theo quy định không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn hay để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống...

Vệ sinh thức ăn đường phố: Tăng phạt có đảm bảo an toàn? Vệ sinh thức ăn đường phố: Tăng phạt có đảm bảo an toàn?

TTO - Nghị định 115/2018 về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực trong tháng 10-2018, quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố.

HỒNG VÂN - HÀ MY - NGỌC ĐÔNG - B.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên