30/12/2016 11:30 GMT+7

​Đà Nẵng siết chặt quản lý thức ăn đường phố

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Đà Nẵng hiện có 6.153/7.386 cơ sở (chiếm 83,3%) cam kết với chính quyền chịu trách nhiệm về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm tại hàng, quán của mình.

Từ năm 2017, Đà Nẵng sẽ siết chặt hơn việc quản lý với nỗ lực đẩy lùi “thực phẩm bẩn” trên địa bàn.

Việc tạo điều kiện nâng cao nhận thức của người buôn bán thức ăn hè phố nhằm từng bước cải thiện điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố; nâng cao kiến thức hiểu biết đúng, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của người kinh doanh. Qua đó, giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm do các món ăn bán ở hè phố gây ra. 

Theo đó, tất cả các cấp quản lý từ quận/huyện đến phường/xã phải có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm buôn bán trên đường phố. Các cán bộ làm công tác quản lý, chuyên trách an toàn thực phẩm phải được tập huấn chuyên môn để có nghiệp vụ. 

Đối với các hàng quán, sẽ được thống kê và đưa vào quản lý và có giấy cam kết bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm. Trong đó, 100% người kinh doanh thức ăn đường phố sẽ được tập huấn về vấn đề an toàn thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và giấy xác nhận khám sức khỏe. 

Đồng thời, 100% hàng quán phải đạt điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo nội dung Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05-12-2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Về mặt chính quyền, năm 2017, Đà Nẵng sẽ chi khoảng 1 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các chủ quán ăn khám sức khỏe định kỳ cũng như tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người kinh doanh mà không thu phí.

Đối với các hàng quán còn khó khăn, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ kinh phí ban đầu mua sắm trang thiết bị dụng cụ (tạp dề, mũ chụp tóc, mái che tủ...) cho các hàng quán nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và mĩ quan đường phố.

UBND phường, xã được chỉ đạo tạo điều kiện, bố trí cho các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có địa điểm kinh doanh cố định, vừa bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm vừa bảo đảm an toàn giao thông và cảnh quan đô thị, đồng thời tạo thuận lợi cho việc quản lý, kiểm tra.

Đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ được thông báo công khai trên loa phường, đường dây nóng (0511.1022) và các phương tiện truyền thông. Các hàng quán vi phạm sẽ chịu xử lý nghiêm, vi phạm nhiều lần sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Các mục tiêu trên sẽ được Đà Nẵng cam kết giữ vững từ nay đến năm 2020. Các quận/huyện quản lý, chịu trách nhiệm trước những sai sót trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của các hàng, quán hè phố tại địa phương mình quản lý.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên