30/09/2018 14:26 GMT+7

Vệ sinh thức ăn đường phố: Tăng phạt có đảm bảo an toàn?

TIẾN LONG thực hiện
TIẾN LONG thực hiện

TTO - Nghị định 115/2018 về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực trong tháng 10-2018, quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố.

Vệ sinh thức ăn đường phố: Tăng phạt có đảm bảo an toàn? - Ảnh 1.

Người bán hàng sử dụng găng tay khi bán đồ ăn chín tại một quán ăn ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Liệu việc "đánh" vào túi tiền người bán hàng rong có làm giảm được vi phạm? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, người bán hàng và mong nhận được thêm nhiều ý kiến khác của bạn đọc.

* Chuyên gia Vũ Thế Thành (giảng viên an toàn thực phẩm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP):

Chỉ xử phạt không nhằm nhò gì

Không thể có chuyện phạt 1 triệu, thậm chí 10 triệu đồng với người bán thức ăn đường phố không đeo găng tay sẽ có đủ sức răn đe hay giúp tăng cường vệ sinh thực phẩm. Quy định có khó cỡ nào, người ta vẫn đối phó được. Xui xẻo lắm mới bị phát hiện vì cơ quan chức năng không thể có mặt 24/24 để theo dõi, kiểm tra.

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề nhận thức của người bán lẫn người mua, xử phạt chỉ là biện pháp sau cùng. Không phải cứ phạt là giải quyết được tất cả mối nguy lây nhiễm. ATTP với thức ăn đường phố, quán hàng nhỏ là một vấn nạn và cần thời gian lâu dài để giải quyết chứ không phải là chuyện phong trào. Ở đây cần xem xét nhiều góc độ để đưa ra giải pháp.

Trước khi phạt phải giúp người bán có nhận thức về ATTP. Thứ nhất, người bán hàng rong đa số là lao động chân tay, lấy công làm lời, học vấn không nhiều. Trong khi cách thức truyền đạt kiến thức ATTP cho họ từ cơ quan hữu trách lại hàn lâm, làm thế này thì vi phạm nghị định này, quyết định kia, đầy tính răn đe... Tập huấn, khám sức khỏe, cấp giấy chứng nhận đều làm cho có. Nhưng điều quan trọng là người học tiếp thu thế nào để chuyển sang hành động. Bởi vậy trước mắt nên hướng dẫn họ tận tình thay vì lăm le phạt.

Thứ hai, lâu nay truyền thông về ATTP, băngrôn, biểu ngữ treo đầy đường, lâu lâu còn tổ chức tháng ATTP... nhưng ít người chú ý và cũng chẳng ai đo lường thử xem hiệu quả của những băngrôn ấy thế nào. Phải xem tuyên truyền về ATTP như quảng cáo và phải đo lường hiệu quả, nếu không sẽ lãng phí.

Vệ sinh thức ăn đường phố: Tăng phạt có đảm bảo an toàn? - Ảnh 2.

Người bán dùng găng tay lấy thức ăn trên đường phố ở Q.8, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

* Thạc sĩ xã hội học Lê Minh Tiến (giảng viên khoa xã hội học, ĐH Mở TP.HCM):

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Đối với ATTP trong kinh doanh đường phố, nếu chỉ tăng mức phạt sẽ không đủ. Cơ quan nhà nước cần đưa ra thêm nhiều giải pháp, thực hiện đồng bộ mới mong cải thiện được tình hình.

Việc sử dụng thực phẩm phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Ngoài việc người bán đảm bảo vệ sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như khu vực buôn bán, nguồn thực phẩm... Do vậy, đầu tiên cần có quy định các khu vực được bán hàng rong, không bán những nơi ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm. Mặt khác, cơ quan nhà nước tăng cường công tác kiểm định nguồn thực phẩm, kiểm soát việc buôn bán các chất phụ gia... Phát tờ rơi, phổ biến kiến thức, hướng dẫn hiểu biết ATTP đối với những người đang bán hàng rong.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cùng với việc tăng mức phạt mới mong giải quyết gốc rễ vấn đề ATTP trong kinh doanh đường phố.

* Bà Trần Thị Diễm (bán hàng ăn sáng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Người bán hàng phải tự ý thức

10 năm nay không có ai xử phạt, tôi cũng đeo găng tay khi bán hàng ăn cho khách. Cứ nghĩ đặt trường hợp mình đi ăn, thấy quán ăn nào người phục vụ ăn mặc tươm tất, bàn ghế sạch sẽ, đeo găng tay mình cũng thấy thoải mái, ăn ngon hơn. Còn quán bẩn hoặc nhìn người bán không đảm bảo vệ sinh mình không có thiện cảm.

Lâu nay vấn đề kiểm tra, xử phạt chưa được thường xuyên nên việc đảm bảo vệ sinh ATTP tùy vào ý thức của người bán. Việc cơ quan chức năng tăng mức phạt tiền là cần thiết, giúp một bộ phận người bán hàng ăn uống đường phố chú ý hơn trong vấn đề vệ sinh. Tuy vậy, bản thân người bán hàng cũng phải có ý thức tự điều chỉnh hành vi của mình.

* Luật sư Trần Thị Hải Anh (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai):

Cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc

Việc tăng mức xử phạt "đánh thẳng" vào lợi nhuận của người bán hàng ăn đường phố là biện pháp răn đe tích cực, góp phần tạo ý thức cho người bán hàng. 

Tuy nhiên, xưa nay ở nhiều lĩnh vực, quy định xử phạt có đầy đủ nhưng việc thực thi lại lỏng lẻo, không nghiêm minh dẫn đến hiệu quả đạt được không cao. Do vậy, cơ quan chức năng cần phải thực hiện nghiêm minh, công khai, công bằng. Tránh trường hợp kiểm tra, giám sát, xử phạt cho có, phong trào. Xong đợt ra quân mọi chuyện vi phạm ở đâu lại vào đấy. Hoặc có tình trạng phạt nặng người này nhưng nương nhẹ người kia. 

Chỉ khi lực lượng chức năng nghiêm khắc trong xử lý mới mong sự biến chuyển trong vấn đề ATTP của người bán hàng.

Mặt khác, để quy định xử phạt thật sự răn đe, thông tin người bị xử phạt phải được lưu lại cẩn thận, công khai. Đối với những cá nhân cố tình vi phạm, bị xử phạt nhiều lần, cần phải tăng mức xử phạt. Đồng thời, đối với những cá nhân thực hiện tốt cũng cần phải có hình thức khen thưởng công khai. Từ đó tạo động lực, lan truyền ý thức đảm bảo vệ sinh ATTP đối với người bán hàng đường phố.

Không đeo găng tay: phạt 1 triệu đồng

Nghị định 115/2018 (có hiệu lực từ 20-10) quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố như sau:

* Phạt 500.000 - 1 triệu đồng: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

* Phạt 1 - 3 triệu đồng: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định; người đang mắc các bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn đường phố; sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, sang chiết không phù hợp quy định để chế biến thức ăn; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định kinh doanh thức ăn đường phố.

* Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp (giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM):

Người mua hàng nên có ý thức "tẩy chay"

Cũng như ở nhiều nước, việc xử phạt hành chính đương nhiên phải có mức phạt cụ thể mới thực thi pháp luật được. Đặc biệt cần ủng hộ việc xử phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, chỉ xoay quanh chuyện phạt tiền không tác dụng. Thực tế bản thân nhiều người không hiểu tường tận tại sao họ phải thực hành các quy định để đảm bảo vệ sinh khi bán hàng.

Cho nên việc truyền thông, giáo dục để họ hiểu rõ về những lợi ích của việc thực hành đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là việc làm đầu tiên, quan trọng nhất.

Ngoài ra, một điều hết sức vô lý là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được dạy từ khi còn mẫu giáo, nhiều người dân có đầy đủ kiến thức nhưng khi ra ngoài đường lại xuề xòa, vẫn mua đồ ăn ở những hàng quán không đảm bảo vệ sinh. Tiện đâu mua đó, số người lên tiếng nhắc nhở chủ quán về vấn đề vệ sinh rất ít. Người bán do vậy cũng lơ là việc vệ sinh.

Vì vậy, chính người mua cũng phải có ý thức tự bảo vệ mình. Nếu người mua có ý thức nhắc nhở người bán hàng không đeo găng tay hoặc không đảm bảo vệ sinh, thậm chí "tẩy chay" không mua, về lâu dài sẽ tạo hiệu ứng để người bán thay đổi thói quen.

TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên