Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại TP.HCM. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến kỳ thi THPT quốc gia 2020 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Giáo viên cũng đánh giá đề tăng câu cơ bản và giảm câu nâng cao.
* Thầy Huỳnh Công Phúc (giáo viên môn hóa Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, TP.HCM):
Môn hóa: giảm kiến thức lớp 11
Đề minh họa môn hóa có phần kiến thức hóa vô cơ và hữu cơ ngang nhau, số lượng câu hỏi thuộc nội dung kiến thức lớp 11 giảm đi so với đề chính thức năm trước. Song song đó, số câu hỏi dạng cơ bản trong đề thi thì tăng nhiều hơn, số câu dạng nâng cao thì giảm đi. Đây có lẽ là do tình hình học sinh trên cả nước nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh.
Mặt khác, nếu xem kỹ thì sẽ thấy hầu hết các câu hỏi thuộc phần kiến thức học kỳ 2 lớp 12 đều là dạng cơ bản, các câu hỏi phân loại thí sinh tập trung vào kiến thức học kỳ 1 lớp 12. Từ đây, chúng tôi có thể suy ra là việc giảng dạy chương trình học kỳ 2 chỉ dừng lại mức cơ bản chứ không đào sâu, không nâng cao.
* Thầy Nguyễn Văn Tưởng (tổ phó tổ vật lý Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên):
Môn lý: phổ điểm sẽ cao hơn
Đề minh họa năm nay độ phân hóa như mọi năm nhưng phổ điểm nếu như năm ngoái ở mức 6-7 điểm thì năm nay sẽ là 7-8 điểm. Phổ điểm cao hơn, mức phân hóa ở điểm 9-10 cũng dễ đạt hơn so với năm ngoái.
Năm nay, đề vẫn có câu khó nhưng độ dàn trải không nhiều. Kiến thức mà Bộ GD-ĐT đã giảm trong học kỳ 2 lớp 12 không có trong đề. Nội dung đề ra cũng có lớp 11 nhưng năm nay ít hơn. Cũng như năm ngoái, đề năm nay không có kiến thức lớp 10. Vì thế, tôi cho rằng nếu các em nắm chắc kiến thức cơ bản thì số điểm 7 không quá khó.
* Thầy Trần Thanh Thảo (tổ trưởng tổ sinh Trường THPT Bình Sơn, Quảng Ngãi):
Môn sinh: ít câu vận dụng cao
Cấu trúc đề mẫu năm 2020 không có những kiến thức Bộ GD-ĐT đã tinh giản. Cụ thể, những kiến thức mà bộ chú ý "không dạy, không làm, không thực hiện..." không có trong đề mẫu này.
Đề mẫu có mức độ: từ câu 81 đến câu 110 là những câu dễ; bốn câu cuối cùng (câu 117-120) có sự phân hóa cao. Cấu trúc các phần gần như đề năm 2019. Cần thấy rằng phần tiến hóa, sinh thái vừa rồi tinh giản nhiều nhưng có lượng câu hỏi như đề cũ 2019.
Tóm lại, so với năm ngoái, đề minh họa năm nay dễ hơn, ít nhiễu hơn, ít câu vận dụng cao hơn. Năm ngoái có khoảng 9 câu vận dụng cao, năm nay khoảng 4-5 câu.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại TP.HCM - Ảnh: D.PHAN
* Cô giáo Tạ Thị Ngọc Tú (trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Môn lịch sử: rõ tinh thần giảm tải
So với đề thi THPT quốc gia năm 2019, đề thi tham khảo vừa công bố vẫn đảm bảo không thay đổi về cấu trúc. Đề thi có một phần kiến thức học kỳ 2 của lớp 11, còn lại chủ yếu ở lớp 12. Cấu trúc ma trận đề đảm bảo có tính phân hóa học sinh. Cụ thể, độ khó ở 4 câu cuối đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học.
Nội dung đề thi tham khảo môn lịch sử bám sát nội dung tinh giản chương trình của Bộ GD-ĐT mới công bố. Ở đề thi tham khảo năm nay, có khoảng 34/40 câu hỏi (chiếm 85%) là ở những phần kiến thức học sinh đã được học ở học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12. Đề thi bám sát nội dung sách giáo khoa, không có những câu hỏi đánh đố học sinh.
* Cô Nguyễn Thị Mai (giáo viên môn địa lý Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM):
Môn địa lý: thở phào nhẹ nhõm
Nếu so sánh với đề thi THPT quốc gia 2019 thì đề minh họa môn địa lý năm nay có phần "dễ thở" hơn. Trong đó, số câu hỏi thuộc dạng lý thuyết giảm đi, thay vào đó là những câu nhằm kiểm tra kỹ năng thực hành của học sinh. Nếu như năm trước, đề thi dàn trải kiến thức từ học kỳ 1 đến học kỳ 2 của lớp 12 cộng với một số câu của lớp 11 thì năm nay số câu hỏi thuộc nội dung kiến thức lớp 11 cũng giảm đi.
Trong đề thi năm trước, phần lớn nội dung câu hỏi đều thuộc nội dung học kỳ 2, các câu dạng vận dụng nâng cao cũng nằm trong phần này. Tuy nhiên, với đề thi minh họa năm nay, phần lớn nội dung câu hỏi đều thuộc nội dung học kỳ 1, các câu dạng vận dụng nâng cao cũng nằm trong học kỳ 1.
Nhìn chung, nhìn vào đề thi minh họa, nhiều em học sinh sẽ thở phào nhẹ nhõm. Những em có học lực trung bình sẽ dễ dàng đạt được 5 điểm. Mặc dù vậy,để đạt được điểm 10 môn địa lý cũng không dễ. Vì đề vẫn có sự phân hóa thí sinh để sử dụng kết quả tuyển sinh vào đại học.
* Cô Nguyễn Thị Thu Hà (giáo viên môn giáo dục công dân Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội):
Môn giáo dục công dân: ít câu hỏi thuần túy lý thuyết
Do đặc thù của môn học nên nhiều câu hỏi trong đề thi tham khảo đều đưa về các tình huống thực tế, để qua đó kiểm tra kiến thức học sinh. Câu hỏi thuần túy lý thuyết ít. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi không thay đổi so với cấu trúc đề thi tham khảo và đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Cụ thể có 4 câu hỏi nằm trong nội dung chương trình lớp 11, còn lại là lớp 12. Nhìn chung đề thi "nhẹ" hơn so với năm 2019, bám sát kiến thức cơ bản.
Với những thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội, trong đó có môn giáo dục công dân, dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT thì đề thi như thế này rất vừa sức. Còn với những học sinh chăm chỉ, có năng lực học tập tốt, nắm vững kiến thức cơ bản thì đề thi này hơi dễ với các em, việc đạt điểm giỏi không khó.
Văn Đức Nam (học sinh lớp 12C2 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An):
Em thấy cấu trúc đề thi minh họa hai môn văn và lịch sử không có nhiều thay đổi so với đề thi các năm trước. Các câu hỏi giảm nhẹ kiến thức và có phần "dễ thở" hơn. Ở môn lịch sử, em thấy đề minh họa câu hỏi khó chủ yếu rơi vào phần từ năm 1954 trở về trước. Giai đoạn từ 1954-2000, câu hỏi chủ yếu nhận biết và thông hiểu. Các câu hỏi khó cũng không nhiều, kiến thức bám sát với chương trình chúng em đã được học. (DOÃN HÒA ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận