06/07/2018 16:11 GMT+7

Đề phòng ngộ độc

Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội (Bộ Y tế)
Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội (Bộ Y tế)

Tình trạng ngộ độc nặng, nhẹ tùy thuộc vào bản chất của chất độc, hoà tan, phân tán trong cơ thể, liều lượng bị nhiễm, tình trạng sức khoẻ bệnh nhân.

Đề phòng ngộ độc - Ảnh 1.

Khoá cẩn thận tất cả các ngăn, hộc để các hoá chất. Ảnh: fire.nsw.gov.au

Trong y học, ngộ độc là hiện tượng rối loạn hoạt động sinh lý của cơ thể do tác dụng của chất độc; là một nhiễm độc bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn của nạn nhân, coi như một tai nạn, một biến cố.

Thường gặp ngộ độc do nghề nghiệp, do môi trường bị ô nhiễm, nọc độc của động vật cắn, dùng thuốc quá liều quy định, thức ăn độc hoặc nhiễm khuẩn, cố tình tự sát hoặc bị đầu độc.

Tình trạng ngộ độc nặng, nhẹ tuỳ thuộc vào bản chất của chất độc, hoà tan, phân tán trong cơ thể, liều lượng bị nhiễm, tình trạng sức khoẻ bệnh nhân. Các hiện tượng rối loạn sinh lý thường biểu hiện ở hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ máu, hệ tiêu hoá, hệ hô hấp.

Cấp cứu khi ngộ độc: Cần loại chất độc khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt, phá huỷ và trung hoà chất độc, điều trị các rối loạn sinh lý, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Nên giữ số điện thoại của trung tâm chống độc hoặc các khoa hồi sức tích cực - chống độc của các bệnh viện để khi cần được tư vấn có thể liên lạc được.

Các biện pháp phòng tránh ngộ độc với người lớn

Người lớn có thể dễ dàng bị ngộ độc do tai nạn. Sau đây là các biện pháp đơn giản giúp phòng tránh: 

1. Với các hoá chất dùng trong gia đình

- Hãy để các hoá chất trong các dụng cụ chứa đựng ban đầu của chúng. Không dùng các đồ chứa đựng thực phẩm để chứa các hoá chất, ví dụ không dùng chai Lavie để chứa các hoá chất.

- Để xa thực phẩm và các hoá chất cách xa nhau ở các vị trí riêng biệt để tránh nhầm lẫn khi dùng.

- Đọc cẩn thận và thực hiện theo các chỉ dẫn ghi trên nhãn mác của hoá chất trước khi sử dụng.

- Không bao giờ trộn lẫn các hoá chất với nhau nếu bạn không phải là chuyên gia về hoá học. Việc trộn không đúng các hoá chất có thể gây cháy, nổ hoặc phát sinh các khí độc.

- Khi dùng các hoá chất trong gia đình hãy bật quạt và mở rộng cửa sổ.

- Khi phun các hoá chất hãy đảm bảo cho vòi phun không hướng về mặt bạn hoặc về phía người khác. Luôn mặc đầy đủ các đồ phòng hộ thích hợp như khẩu trang than hoạt tính, quần ống dài, áo dài tay, đi găng tay, tất, giầy... khi phun các hoá chất.

- Tránh xa các khu vực vừa mới được phun hoá chất.

- Không bao giờ được ngửi thử các vật dụng chứa đựng hoá chất để đoán xem chất gì bên trong.

- Bỏ đi các hoá chất cũ hoặc quá hạn sử dụng.

- Các hướng dẫn sơ cứu trên các nhãn mác vật dụng đựng hoá chất có thể đã cũ hoặc không thích hợp, hãy gọi điện hỏi trung tâm chống độc nếu bạn bị nhiễm hoá chất đó.

2. Với thuốc chữa bệnh

- Đọc cẩn thận và làm theo các hướng dẫn, thận trọng ghi trên nhãn mác của thuốc trước khi sử dụng.

- Nếu bạn có ý định dùng thuốc, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.

- Một số thuốc trở nên nguy hiểm khi dùng lẫn với rượu, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về vấn đề này.

- Thận trọng với các tương tác thuốc có thể có. Một số thuốc tương tác nguy hiểm với thức ăn hoặc thuốc khác. Bác sĩ của bạn sẽ biết về tất cả các thuốc, bao gồm các thuốc kê theo đơn hoặc không kê theo đơn mà bạn đang dùng. Hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng bất kỳ thuốc hoặc sản phẩm bổ sung có nguồn gốc thảo mộc hoặc tự nhiên.

- Không bao giờ dùng thuốc ở khu vực thiếu ánh sáng.

- Vứt bỏ các thuốc quá hạn hoặc cũ. Một số thuốc khi quá hạn hoặc cũ sẽ trở nên độc hơn hoặc nguy hiểm hơn.

- Không bao giờ chia sẻ thuốc cho người thứ hai. Thuốc được kê đơn chỉ phù hợp với duy nhất bệnh nhân được kê đơn và tình trạng bệnh của chính người đó.

Các biện pháp phòng tránh ngộ độc với trẻ em

Trẻ em dưới 6 tuổi dễ bị tai nạn ngộ độc nhất. Trẻ ở độ tuổi này có bản năng tò mò và khám phá thế giới xung quanh bằng cách đưa tất cả mọi thứ vào miệng. Trẻ sẽ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì cho dù mùi vị ra sao. Trẻ em thích các đồ vật nhìn hoặc ngửi thấy hấp dẫn. Trẻ dễ bị cuốn hút bởi các chất có màu sắc sặc sỡ có sẵn ở khắp nơi trong gia đình.

1. Với các hoá chất dùng trong gia đình

- Khoá cẩn thận tất cả các ngăn, hộc trong gia đình. Để các hoá chất xa tầm với của trẻ em, không để trẻ nhìn thấy.

- Khi bạn đang sử dụng hoá chất mà có trẻ ở bên cạnh, nếu có điện thoại gọi thì bạn hãy bế trẻ đi theo để nghe điện thoại, tránh tình trạng trẻ tự ăn, uống hoá chất hoặc gây tai nạn.

- Để các hoá chất trong đúng đồ vật chứa đựng ban đầu của chúng. Không dùng các dụng cụ chứa đựng thức ăn, đồ uống để chứa đựng hoá chất. Ví dụng không dùng chai sữa hoặc sô đa để chứa đựng hoá chất.

- Luôn để thực phẩm xa các hoá chất và ở các vị trí riêng biệt để tránh dùng nhầm.

- Ngay sau khi dùng xong hoá chất hãy để hoá chất trở lại vị trí bảo quản an toàn ban đầu.

- Thận trọng hơn vào các thời gian diễn ra ăn uống hoặc khi có thay đổi trong sinh hoạt của gia đình. Nhiều trường hợp ngộ độc xảy ra vào các thời điểm này.

- Không cho trẻ lại gần các khu vực vừa mới được phun các hoá chất.

- Vứt bỏ tất cả các hoá chất cũ hoặc quá hạn.

- Dành thời gian để dạy trẻ biết về các chất độc.

2. Với thuốc chữa bệnh

- Để các thuốc xa tầm tay của trẻ, không cho trẻ nhìn thấy.

- Đảm bảo tất cả các thuốc được để trong các vật chứa đựng an toàn với trẻ và được ghi nhãn mác đúng. Bạn nhớ rằng "an toàn cho trẻ không có nghĩa là chỉ che đậy không cho trẻ biết" mà còn làm cho trẻ không thể mở ra hoặc nuốt được.

- Không để thuốc trên mặt bàn hoặc quầy hoặc trong các túi nhựa.

- Để các ví, túi đựng thuốc,... xa tầm tay trẻ em.

- Tránh dùng thuốc trước mặt trẻ em. Trẻ nhỏ thường bắt chước người lớn.

- Không gọi thuốc là "kẹo". Thuốc và kẹo có thể trông giống nhau và trẻ em không thể phân biệt được.

- Vitamin là thuốc. Các chế phẩm vitamin cũng có thể chứa sắt có thể đặc biệt nguy hiểm, để xa tầm tay trẻ và không cho trẻ nhìn thấy.

- Cẩn thận với các thuốc mà khách của bạn mang theo đến nhà bạn. Trẻ em rất tò mò và có thể lục tìm thấy thuốc trong các túi của khách.

3. Với cây cỏ

Sau đây là các biện pháp an toàn phòng tránh ngộ độc các loại cây cỏ. Nếu bạn muốn biết thêm thông tin ngộ độc về các loại cây cỏ trong vùng của bạn thì hãy gọi trung tâm chống độc.

- Cần biết tên của các loại cây trong vườn nhà bạn.

- Để các cây độc xa tầm tay của trẻ em.

- Dạy trẻ không ăn các nấm mọc trong vườn nhà vì các nấm này có thể rất độc. Chú ý vào mùa mưa nấm mọc rất nhiều.

- Dạy trẻ không ăn các lá hoặc quả (loại không ăn được) của các cây mọc trong vườn. Nếu động vật ăn được các lá hoặc quả đó thì cũng không nên nghĩ rằng điều đó là an toàn với người.

- Không để trẻ lại gần các cây mới được phun các hoá chất bảo vệ thực vật.

Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên