10/04/2018 19:43 GMT+7

Methanol với vấn đề ngộ độc rượu

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế

Tuy rằng trong công thức phân tử hơn kém nhau một nhóm CH2, nhưng chỉ có ethanol là có thể được sử dụng trong thực phẩm, còn methanol lại gây độc.

Methanol với vấn đề ngộ độc rượu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: food.idntimes.com

Trong thời gian gần đây, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta thường nghe đến vấn đề ngộ độc rượu do methanol, trong đó có nhiều ca ngộ độc nặng dẫn đến tử vong. Vậy nguyên nhân do đâu mà có hiện tượng này và chúng ta cần phải làm gì để phòng tránh ngộ độc rượu, nhất là ngộ độc rượu do methanol.

Thành phần chính của rượu chúng ta thường uống là ethanol, có công thức hóa học là C2H5OH, trong khi methanol có công thức hóa học là CH3OH, thuộc nhóm rượu no đơn chức (ancohol). Cả hai loại rượu này đều được sản xuất bằng cách lên men và chưng cất. Khác với ethanol được lên men từ tinh bột như ngũ cốc, các loại củ có chứa tinh bột hoặc đường, methanol được lên men từ nguyên liệu có chứa cenlulose (gỗ).

Tuy rằng trong công thức phân tử hơn kém nhau một nhóm CH2, nhưng chỉ có ethanol là có thể được sử dụng trong thực phẩm để sản xuất các đồ uống có cồn, còn methanol lại gây độc. Khi được uống vào cơ thể, ở gan dưới tác dụng của men ancohol dehydrogenase, các ancohol này được chuyển hoá thành andehyd, sau đó nhanh chóng chuyển thành acid và sản phẩm chuyển hóa cuối cùng là CO2 và nước. 

Với ethanol, sản phẩm chuyển hóa là acid acetic (acid giấm, thành phần chính của giấm ăn) không độc, còn sản phẩm chuyển hóa của methanol là acid formic (acid kiến, thành phần chính của nọc kiến) rất độc. Chính acid formic được xem là thủ phạm gây độc trong ngộ độc methanol, nó gây nên tổn thương tế bào, đặc biệt là ở mắt và não. 

Các triệu chứng thường gặp khi ngộ độc do methanol ban đầu giống như say rượu, sau đó xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, co giật, mê sảng, nếu bị ngộ độc nặng có thể hôn mê và dẫn đến tử vong.

Vậy tại sao trong rượu bán trên thị trường lại có chứa methanol?

Các nguyên nhân có thể là:

- Trong quá trình sản xuất rượu, luôn luôn tồn tại các sản phẩm phụ trong đó có methanol, với lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào nguyên liệu, men, hay công nghệ sản xuất đã sử dụng. Có thể loại bỏ methanol trong quá trình chưng cất rượu, do methanol có nhiệt độ sôi thấp hơn nên đơn giản chỉ cần loại bỏ lượng rượu thu được ban đầu trong quá trình chưng cất là được. Tuy nhiên, vì lý do kinh tế nên nhà sản xuất không thực hiện công đoạn này dẫn đến trong sản phẩm rượu còn lẫn methanol.

- Do sử dụng mật mía cặn hay rỉ đường làm nguyên liệu sản xuất rượu. Trong rỉ đường có chứa rất nhiều các mảnh nhỏ thân cây mía chứa cenlulose. Quá trình lên men đường thành ethanol đồng thời cũng lên men cenlulose tạo ra methanol.

- Sử dụng cồn kém chất lượng để pha chế rượu. Các loại cồn kém chất lượng không đạt tiêu chuẩn cồn thực phẩm thường có chứa methanol do chưa qua giai đoạn tinh chế. Tuy nhiên, do có giá rẻ hơn cồn thực phẩm rất nhiều nên đôi khi cũng được dùng để pha chế rượu.

- Methanol còn có tên gọi là cồn công nghiệp, có giá rẻ hơn cồn thực phẩm. Có thể do nhầm lẫn hay vì thiếu hiểu biết nên người ta dùng methanol để pha chế rượu trực tiếp hoặc pha trộn với cồn thực phẩm để giảm giá thành. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm vì sản phẩm trong trường hợp này chứa hàm lượng methanol rất cao, là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu rất nặng dẫn đến tử vong.

Để phòng tránh ngộ độc rượu do methanol cần phải lảm gì?

Trước hết, xin nhớ rằng không uống rượu thì sẽ không bao giờ bị ngộ độc rượu, bản thân rượu cũng là chất có thể gây độc hại cho cơ thể khi bị lạm dụng. Tuy nhiên, đã từ lâu rượu là thức uống không thể thiếu trong các dịp liên hoan, lễ tết của người Việt Nam. Việc uống một lượng vừa đủ rượu giúp tăng tuần hoàn máu, tạo hưng phấn và trong một số trường hợp rượu đóng vai trò chất dẫn cho các dược chất được hấp thu vào cơ thể tốt hơn. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi người chỉ nên uống một "đơn vị rượu" (1drink) mỗi ngày là đủ. Mỗi "đơn vị rượu" chứa từ 8-14g rượu nguyên chất, tương đương một lon bia, hoặc một ly rượu vang 125ml hay một ly rượu mạnh 40ml. Nam giới uống quá 3 "đơn vị rượu" hoặc nữ giới uống quá 2 "đơn vị rượu" mỗi ngày được xem là lạm dụng rượu.

Thứ hai là, không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc của rượu. Bằng cảm quan thông thường chúng ta không thể phân biệt được đâu là rượu có hay không có chứa methanol. Thời gian vừa qua, hầu hết các vụ ngộ độc rượu do methanol đều có nguyên nhân từ việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. 

Các loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được nhà sản xuất công bố chất lượng và cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng mức chất lượng đã công bố. Đây là cơ sở pháp lý để về cơ bản chúng ta có thể yên tâm về chất lượng của rượu đang uống. 

Đối với rượu tự pha chế tại nhà để uống, rượu thuốc ngâm từ dược liệu, cũng cần phải biết rõ nguồn gốc của rượu cũng như các dược liệu đã được sử dụng để ngâm rượu của mình.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên