29/09/2017 16:32 GMT+7

Đề nghị truy tố 46 bị can trong vụ án Ngân hàng Xây dựng

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Sau gần 2 tháng điều tra bổ sung và khởi tố thêm 22 bị can, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ cho Viện KSND tối cao đề nghị truy tố tổng cộng 46 bị can cho cùng tội danh cố ý làm trái trong vụ án.

Đề nghị truy tố 46 bị can trong vụ án Ngân hàng Xây dựng - Ảnh 1.

Ngân hàng Xây Dựng - Ảnh: TL

Sau khi hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển toàn bộ 2 bản kết luận điều tra (bản lần 1 ngày 6-7-2017) và bản bổ sung (ngày 27-9-2017) sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố tổng cộng 46 bị can trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Tiên Phong Bank (TPbank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 6.123 tỉ đồng

Theo điều tra, trong vụ án này, Phạm Công Danh đã gây thất thoát cho VNCB tổng cộng 6.123 tỉ đồng.

Trước đó, cơ quan điều tra cũng kết luận sai phạm của 24 bị can gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng, Phạm Việt Thép, Nguyễn Văn Cường, Trần Thanh Tùng, Nguyễn An Vinh, Cao Phước Nhàn, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành,  Nguyễn Hữu Duyên, Trần Hiệp, Lê Văn  Tuấn, Nguyễn Quốc Phú, Phạm Văn Phúc, Lê Đài, Lê Duy Lương, Nguyễn Hồng Dũng, Nguyễn Ngọc Thái, Nguyễn Thị Kim Vân và Trần Văn Bình. 

Sau khi cơ quan CSĐT Bộ công an chuyển hồ sơ và bản kết luận điều tra sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 24 bị can trên thì Viện KSND Tối cao đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. 

Sau đó, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang (Ngân hàng Sacombank) cùng 20 bị can khác với vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh ở tội cố ý làm trái.

Đến nay, sau gần 2 tháng điều tra bổ sung, cơ quan CSĐT Bộ công an tiếp tục đề nghị Viện KSND tối cao truy tố tổng cộng 46 bị can (22 bị can mới có kết luận điều tra bổ sung) cho cùng tội danh cố ý làm trái.

Tiếp tay Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB

Trong các hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB trên, ông Trầm Bê và Phan Huy Khang có hành vi giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh lấy tiền của VNCB để sử dụng vào mục đích riêng.

Dù biết Phạm Công Danh không thể vay tiền của VNCB nhưng khi Danh đến gặp Trầm Bê và Phan Huy Khang để muốn vay tiền thì Trầm Bê đồng ý với yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Và tài sản thế chấp chính là tiền gửi của VNCB vào ngân hàng Sacombank. 

Bằng cách mang tiền của VNCB đi thế chấp thì Danh đã vay được 1.800 tỉ đồng từ Sacombank và chi trả nợ. Sau đó, Danh không có tiền để trả cho Sacombak nên Sacombank đã tự hạch toán cả gốc và lãi trên số tiền gửi của VNCB gây thiệt hại cho VNCB tổng cộng 1.835 tỉ đồng.

Ngoài 2 cá nhân của ngân hàng Sacombank tiếp tay gây thiệt hại cho VNCB thì kết luận điều tra cũng nêu rõ, ngân hàng Tiên Phong (TPbank) đã cho 11 công ty vay 1.660 tỉ đồng để Phạm Công Danh sử dụng cho tập đoàn Thiên Thanh. 

Cụ thể, tháng 5-2013 Danh chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc của VNCB) tìm cách rút tiền của VNCB  để chuyển về tập đoàn Thiên Thanh.

Để thực hiện được việc này, Phan Thành Mai đã gặp Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc quỹ Lộc Việt) nhờ Hà mượn pháp nhân các công ty vay tiền của ngân hàng Tpbank  và dùng tiền này để mua trái phiếu của tập đoàn Thiên Thanh và công ty Trung Dung sẽ bảo lãnh các khoản vay.

Hà đã gặp Đặng Thị Bích Thủy (Phó giám đốc khối khách hàng của TPbank) và Đinh Việt Cường (giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp) cùng tìm các doanh nghiệp để đứng tên vay tiền mua trái phiếu tập đoàn Thiên Thanh. 

Kể từ tháng 5-2013 đến tháng 11-2013 đã có 11 doanh nghiệp vay tiền của Tpbank. 

Việc cho vay này được Đặng Thị Bích Thủy và Đinh Việt Cường chỉ đạo cấp dưới là các chuyên viên khách hàng gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý hồ sơ vay. 

Sau đó, đến tháng 12-2013 Tpbank đã cấp tín dụng 1.666 tỉ đồng cho 11 doanh nghiệp. Số tiền này đã được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng hết.

Đoàn giám định ngân hàng Nhà nước đã kết luận về sai phạm trong quá trình thẩm định, xét duyệt, ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố bảo lãnh và kiểm tra sau cho vay. Do đó, thiệt hại đối với khoản vay này gây ra cho VNCB là 1.736 tỉ dồng.

Các cá nhân sai phạm tại TPbank đã bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố gồm: Đặng Thị Bích Thủy; Đinh Việt Cường; Đỗ Việt Bun (nguyên trưởng nhóm khách hàng doanh nghiệp trung tâm kinh doanh hội sở TPbank).

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên