09/06/2020 15:22 GMT+7

Đề nghị mở rộng tranh cử để lựa chọn đại biểu Quốc hội

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đề nghị "mở rộng tranh cử, tăng số ứng cử viên ĐBQH để nhân dân lựa chọn", mở rộng cửa để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm và tâm huyết tham gia ứng cử.

Đề nghị mở rộng tranh cử để lựa chọn đại biểu Quốc hội - Ảnh 1.

GS Nguyễn Anh Trí cho rằng người không đủ thời gian cho hoạt động Quốc hội thì không nên làm đại biểu - Ảnh: LÊ KIÊN

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội được các đại biểu thảo luận lần cuối tại phiên họp toàn thể chiều nay 9-6, trước khi được hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.

Đại biểu đủ đức, đủ tài đồng thời phải đủ thời gian

Đại biểu, GS Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng "đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có giỏi đến mấy cũng khó hoàn thành nhiệm vụ khi vừa ngồi họp lại vừa phải nghĩ đến công việc quan trọng khác mà họ đang phải gánh vác".

Do đó đã làm ĐBQH thì phải có một quỹ thời gian đủ để nghiên cứu tài liệu, đóng góp cho các hoạt động của Quốc hội, tham gia công tác giám sát, tiếp xúc cử tri. Để có được những ĐBQH như vậy thì phải làm tốt từ khi hiệp thương, lựa chọn người đủ đức, đủ tài và đủ thời gian để làm ĐBQH.

Ông Trí cũng đề nghị Quốc hội xem xét kiến nghị trước đó của đại biểu Ngọ Duy Hiểu (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) về việc Quốc hội nên họp mỗi năm 4 kỳ. Ông Trí cho rằng như vậy mỗi kỳ sẽ không quá dài, thuận lợi cho các đại biểu ở địa phương, có thể cập nhật, xử lý kịp thời những vấn đề đặt ra.

Tuy nhiên, trả lời ý kiến này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh Hiến pháp đã quy định Quốc hội mỗi năm họp 2 kỳ.

Đồng ý quy định tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách tối thiểu từ 35% lên 40%, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đề nghị "mở rộng tranh cử, tăng số ứng cử viên ĐBQH để nhân dân lựa chọn". Ông cũng cho rằng Quốc hội nên mở rộng cửa để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm và tâm huyết tham gia ứng cử làm ĐBQH.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) thì cho rằng nên tăng chuyên trách ở địa phương: "Một người làm lãnh đạo đoàn, một người làm đại biểu chuyên trách. Như vậy sẽ dễ cho hoạt động, cho bố trí, đào tạo, luân chuyển cán bộ. Vừa qua khi họp trực tuyến thì có địa phương chỉ một người ngồi họp. Đi giám sát cũng không thể một người đi giám sát được".

Đề nghị mở rộng tranh cử để lựa chọn đại biểu Quốc hội - Ảnh 2.

Đại biểu Bùi Văn Phương lo ngại việc lựa chọn "nhanh và dễ" thì sẽ khó có được ĐBQH chất lượng - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội xếp vào hàng gì?

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu câu hỏi: "ĐBQH thì xếp vào hàng gì trong đội ngũ cán bộ?". Ông Phương cho rằng cán bộ từ cấp thôn trở lên đều được quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, và có tiêu chuẩn riêng, rất cụ thể. Nhưng ĐBQH thì chỉ có các tiêu chuẩn chung chung.

Ông bình luận: "Nếu chỉ có tiêu chuẩn chung thì soi vào đâu cũng thấy ĐBQH. Nếu dễ như thế thì chất lượng ĐBQH sẽ ra sao? ĐBQH phải có am hiểu nhất định về các lĩnh vực từ kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng... ĐBQH không thể nói 'việc này không biết vì chưa được học'".

Từ phân tích nêu trên, ông Phương đề nghị Luật tổ chức Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của ĐBQH, qua đó để cử tri lựa chọn, bầu ra những người xứng đáng nhất đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực tối cao.

Ông cho rằng với cách thức bầu cử cũ, "công bố cơ cấu, thành phần xong, giới thiệu và lựa chọn rất nhanh" nên ảnh hưởng đến chất lượng ĐBQH.

Tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021

Đầu giờ chiều nay 9-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Theo đó, vào kỳ họp thứ 11 (kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV), Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Quốc hội cũng xem xét các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội mới tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội có thể tăng đến 200 đại biểu chuyên trách Quốc hội có thể tăng đến 200 đại biểu chuyên trách

TTO - Đề nghị bổ sung quy định để các chuyên gia, cán bộ, công chức, viên chức sắp nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu có thể ứng cử, cống hiến cho Quốc hội.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên