22/06/2018 15:51 GMT+7

Đề nghị ĐH Quốc gia TP.HCM mua phần mềm chống đạo văn

THU HÀ - PHƯƠNG NAM
THU HÀ - PHƯƠNG NAM

TTO - Đó là ý kiến đề xuất của GS.TS Huỳnh Như Phương - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM tại hội thảo đảm bảo chất lượng 2018 diễn ra sáng 22-6.

Đề nghị ĐH Quốc gia TP.HCM mua phần mềm chống đạo văn - Ảnh 1.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo sáng 22-6 - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Hội thảo do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức nhằm phát triển văn hóa, chất lượng trong nhà trường nói riêng và trong ĐH Quốc gia TP.HCM cũng như trong giáo dục đại học Việt Nam nói chung.

Theo GS Huỳnh Như Phương, việc mua phần mềm chống đạo văn là điều rất cần thiết để bảo vệ được uy tín cho người học, người hướng dẫn, hội đồng.

"Nghịch lý của đào tạo sau đại học hiện nay của các khối ngành khoa học xã hội là ngành đào tạo ngày càng đa dạng, hiện đại nhưng số học viên ngày càng giảm. 

Có lớp chỉ có 4,5 học viên, nhiều khi phải ghép lớp lại để học những môn chung. Nguyên nhân là chương trình đào tạo chưa có tính thực tiễn, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, người học...", GS Phương nói.

GS.TS Huỳnh Như Phương cũng đưa ra những đề xuất chung để cải thiện việc đào tạo sau đại học các ngành khoa học xã hội nhân văn. 

Theo đó, nhà trường cần duy trì và nâng cao định hướng nghiên cứu kết hợp ứng dụng thực tiễn để người thạc sĩ không chỉ biết lý thuyết mà còn biết hành nghề trong thực tiễn; cập nhật kiến thức, giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội, văn hóa và con người.

Đối với hình thức cụ thể, ông Phương đưa ra những đề xuất: nên có sự thống nhất giữa các loại hình ngoại ngữ; không yêu cầu nghiên cứu sinh thu lại 15 bản nhận xét tóm tắt luận án; quy định luận án tiến sĩ phải từ 200 trang trở lên; cập nhật và sắp xếp hệ thống danh mục đề tài luận văn, luận án của các ngành đào tạo trong trường từ khi mở ngành đến nay...

Bên cạnh đó, TS Trần Thúy Anh - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh vấn đề trình độ ngoại ngữ còn hạn chế của cán bộ, giảng viên, sinh viên khối ngành khoa học xã hội.

Bà Thúy Anh cho biết: "Mặc dù nhà trường đã có nhiều chính sách khích lệ và hỗ trợ nhưng các nghiên cứu khoa học của trường được công bố trên tạp chí quốc tế còn rất ít". Do đó, bà đặc biệt chú trọng đề xuất nâng cao trình độ ngoại ngữ trong các khối ngành khoa học xã hội.

Còn ThS Nguyễn Duy Nhất - Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc triển khai các hoạt động liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo đại học.

"Chỉ cần sinh viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chương trình đào tạo và tham gia đầy đủ các buổi tập huấn mà nhà trường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thì nhà trường sẽ đảm bảo đầu ra cho sinh viên", ông Nhất cho hay.

Ngoài ra, hội thảo còn đưa ra các báo cáo về chuẩn đầu ra và đề xuất xây dựng chuẩn đầu ra, triển khai hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo đại học, giải pháp thực hiện cải tiến chất lượng chương trình đào tạo, giá trị cốt lõi trong xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục... nhằm nâng cao công tác đảm bảo chất lượng đào tạo bậc đại học.

Trường đại học ráo riết chống đạo văn Trường đại học ráo riết chống đạo văn

TTO - Mới đây một luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ thành công tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bị phát hiện sao chép gần như y nguyên luận án tiến sĩ được bảo vệ trước đó của người khác.

THU HÀ - PHƯƠNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên