16/05/2018 12:40 GMT+7

Cần thanh tra vụ giáo sư ngôn ngữ bị tố đạo văn của... học trò

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Giáo sư Nguyễn Đức Tồn, đang là thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ học, bị tố đã 'đạo văn' của nhiều học trò mình và của một giáo sư khác.

Cần thanh tra vụ giáo sư ngôn ngữ bị tố đạo văn của... học trò - Ảnh 1.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ học, cho rằng thanh tra Bộ GD-ĐT cần vào cuộc về vụ việc này.

Cho trò chép lại để… làm luận án?

Theo một số nhà ngôn ngữ học, cuốn sách "Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)" (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002) mà ông Nguyễn Đức Tồn đứng tên tác giả đã có rất nhiều đoạn sao chép gần như nguyên vẹn từ luận án phó tiến sĩ: "Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật" của Nguyễn Thúy Khanh (bảo vệ năm 1996) và luận văn tốt nghiệp đại học "Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt" của Cao Thị Thu (đã bảo vệ năm 1995).

Việc sao chép này từng được phát hiện khiến ông Tồn "không qua" được hội đồng chức danh GS cơ sở năm 2002. 

Ông tiếp tục bị hội đồng ngành ngôn ngữ "loại" năm 2006. Thế nhưng sau đó, đến năm 2009, khi hội đồng chức GS ngành ngôn ngữ qua nhiệm kỳ mới, ông Tồn đã được công nhận đạt chuẩn giáo sư.

Lý giải về điều này, GS Thêm cho biết năm 2006, khi có đơn thư nặc danh tố cáo ông Tồn đạo văn, GS Thêm - khi đó với tư cách là ủy viên hội đồng, làm trưởng nhóm thẩm định hai đơn thư nặc danh tố cáo.

Thông thường, các tổ công tác được lập ra để xem xét một vụ việc thì thường chỉ có đúng 1 đêm để làm việc vì mỗi kỳ họp của Hội đồng chức danh chỉ kéo dài trong 2 ngày.

Do ông Tồn là người hướng dẫn khoa học cho nghiên cứu sinh Thuý Khanh, nên GS Thêm đã yêu cầu ông Tồn cung cấp bản luận án tiếng Nga của mình cùng những tài liệu liên quan.

Khi đối chiếu các văn bản, GS Thêm phát hiện nội dung các trang trong chương I luận án của nghiên cứu sinh hoàn toàn trùng khít đến từng câu, từng đoạn với những câu, đoạn trong luận án của ông Tồn (mặc dù 2 thứ tiếng khác nhau).

"Khi đó ông Tồn đã thừa nhận rằng chính ông đã dịch luận án của mình sang tiếng Việt đưa cho nghiên cứu sinh chép. Nghĩa là trong phần đã được đối chiếu giữa luận án của ông Tồn với luận án của nghiên cứu sinh, ông Tồn không đạo văn của nghiên cứu sinh.

Tuy nhiên ông đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc hướng dẫn luận án cho nghiên cứu sinh, đã tiếp tay cho nghiên cứu sinh làm một việc rất sai trái, không đúng với đạo đức của người hướng dẫn khoa học.

Ông cũng đã không dạy cho nghiên cứu sinh sự trung thực mà 'giúp đỡ' nghiên cứu sinh quá mức cần thiết và nhắm mắt làm ngơ (nếu không muốn nói là đồng lõa) cho nghiên cứu sinh 'đạo văn của thầy", GS Thêm cho biết.

Khi thảo luận, các thành viên hội đồng ngành ngôn ngữ đều nhận định ông Tồn đã có lỗi và đã trả giá trong 7 năm qua, 2 lần hồ sơ không được thông qua, "không nên bắt một người phải trả giá cho một sai lầm cũ suốt đời".

Mặt khác, năm 2008, ông Tồn vừa mới được Viện Khoa học xã hội Việt Nam bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Vì vậy, hội đồng cho rằng để bổ nhiệm, "Viện Khoa học xã hội Việt Nam chắc chắn cũng đã cân nhắc chuyện này".

Kết quả, ông Tồn đã được thông qua với số phiếu 10/10. Đến năm 2011, GS. Nguyễn Đức Tồn với tư cách là Viện trưởng, Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ được đề nghị bổ sung vào làm thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ học.

Vừa "đạo văn" trò, vừa "đạo văn" đồng nghiệp?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS Trần Ngọc Thêm cho biết ngoài sự việc nêu trên, mới đây, có thời gian xem xét, đối chiếu kỹ hơn, GS Thêm phát hiện ông Tồn có những dấu hiệu "đạo văn" của học trò.

Cụ thể, trong cuốn sách 11 chương của ông Tồn, ngoài chương I giống với luận án phó tiến sĩ của học trò, thì có 4 chương sách của ông Tồn cũng giống gần như y nguyên với đề tài nghiên cứu của trò: 2 chương sao chép từ luận án của Nguyễn Thúy Khanh và 2 chương sao chép từ luận văn của một sinh viên - là cháu của ông Tồn, do người khác hướng dẫn.

"Nhìn lại một cách hệ thống thì thấy chương 1 đúng là của ông (như tôi đã đối chiếu với những "bằng chứng, vật chứng" mà ông mang ở Liên Xô về) thì trong sách, ông đã không thèm chú nguồn. Còn 4 chương sau, ông lại chú nguồn rằng có sử dụng tư liệu của học trò.

Với số trang trùng cao như thế (4 chương, tổng cộng hơn 100 trang) thì những học trò đó phải được ghi tên là những đồng tác giả. Chép lại hơn 100 trang, chiếm gần 1/3 toàn bộ cuốn sách, mà không được ghi tên ở trang đầu là những đồng tác giả hoặc thậm chí là những cộng tác viên thì thực chất cũng là một dạng đạo văn", GS Thêm nói.

Sau đó GS Tồn tiếp tục bổ sung, phát triển, mở rộng cuốn sách năm 2002 để ra cuốn "Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy". Cuốn sách năm 2010 này được ông Tồn đưa đi đăng ký Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 mà ở Hội đồng cơ sở, GS Thêm chính là một trong hai phản biện.

"Tôi đã rất bất ngờ khi thấy trong cuốn sách này, phần viết về khái niệm văn hóa, ông Tồn đã chép 3-4 trang gần như y nguyên từ cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của tôi đã xuất bản và tái bản nhiều lần trước đó.

Việc đạo văn này đã được ông Tồn thực hiện vừa tinh vi vừa trắng trợn. Không chỉ đạo văn của tôi, ông Tồn còn "đạo" cả định nghĩa văn hóa của Tổng giám đốc UNESCO mà tôi dẫn ra trong sách của mình. Việc đạo văn trong cuốn sách xuất bản khi ông đã là giáo sư là hành vi không thể chấp nhận được", GS Thêm nói.

GS Thêm cho rằng theo kinh nghiệm đợt rà soát phong GS, PGS vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên giao cho Văn phòng Hội đồng chức danh GS Nhà nước phối hợp với Thanh tra bộ cử một tổ công tác xem xét nghi án đạo văn của ông Tồn và "trong thời gian xem xét, thiết nghĩ cần phải tạm thời đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng chức danh GS ngành của ông Tồn".

"Sau khi mọi việc sáng tỏ, nếu chứng minh được ông Tồn bị vu cáo thì sẽ khôi phục tư cách thành viên hội đồng chức danh GS ngành của ông và xử lý những người vu cáo.

Còn ngược lại thì Bộ Giáo dục, Hội đồng chức danh GS Nhà nước và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cần xử lý nghiêm, đúng quy định", GS Thêm nhấn mạnh.

Ngày 15-5, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với GS Nguyễn Đức Tồn nhưng ông Tồn từ chối phát ngôn và hẹn sẽ trao đổi cụ thể về vụ việc trong thời gian tới.

GS Nguyễn Văn Lợi - nguyên phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, cho biết: "Việc sao chép các bài báo, luận văn, luận án của người khác trong những sách được xem như các minh chứng cho thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học của ông Tồn là rõ ràng và nghiêm trọng. Vấn đề này đã được thảo luận, phê phán trong hàng chục cuộc họp của Viện, của Chi Bộ Viện Ngôn ngữ học trong các năm 2002-2006.

Hội đồng xét phong GS cơ sở Viện Ngôn ngữ học đã cử người thẩm định, so sánh đối chiếu các sách của ông Tồn với các bài báo và luận văn luận án mà đương sự sao chép, khi hội đồng xem xét hồ sơ của ông Tồn (năm 2002).

Năm 2006, lần thứ hai ông Tồn xin phong GS, hội đồng chuyên ngành Ngôn ngữ học cũng đã thảo luận và xem xét các chứng cứ đạo văn của ông Tồn. Kết quả, cả 2 lần, ứng viên không đạt số phiếu đồng ý phong GS"

Tân Tân 'phó giáo sư đạo văn' viết đơn xin rút phó giáo sư

TTO - Chiều 2-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Công Tráng - trưởng khoa Luật Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết đã viết đơn xin rút khỏi danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư năm 2017.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên