Các đại án liên quan đến ngân hàng đều có điểm chung là kết quả kiểm toán không phát hiện điểm bất thường về tài chính, nhưng sau khi sai phạm bị phát hiện thì các ngân hàng đều lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
SCB thuê các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới nhưng chẳng phát hiện bất thường
Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) đã thuê các công ty kiểm toán thuộc nhóm "Big 4", tức 4 hãng danh tiếng hàng đầu thế giới, để kiểm tra báo cáo tài chính hằng năm.
Theo bản án sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB đã thuê các công ty kiểm toán lớn kiểm tra báo cáo tài chính hằng năm. Và kết quả thẩm định thường niên từ năm 2012 đến năm 2021, tức thời điểm trước khi vụ án bị khởi tố, đều không cho thấy điểm bất thường nào về tình hình tài chính của ngân hàng.
Theo các báo cáo kiểm toán mà SCB công bố, trong đợt kiểm toán gần nhất trước vụ án vào tháng 6-2021, SCB ghi nhận lợi nhuận lũy kế hơn 1.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỉ đồng.
Thế nhưng, khi các sai phạm bị phát hiện và SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10-2022, thì kết quả kiểm toán lại cho thấy thời điểm 30-9-2022, SCB âm vốn chủ sở hữu lên đến 443.769 tỉ đồng và lỗ lũy kế là 464.547 tỉ đồng.
Trong bản án sơ thẩm, hội đồng xét xử cũng nhận định thông qua một số vụ án liên quan đến các ngân hàng trong thời gian qua, như các vụ án liên quan VNCB (Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam), các vụ án liên quan DAB (Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á) và vụ án liên quan SCB, cho thấy xuất hiện tình trạng hằng năm các ngân hàng đều được kiểm toán và đều không cho thấy điểm bất thường nào về tình hình tài chính, nhưng sau khi các sai phạm bị phát hiện thì kết quả kiểm toán sau đó lại cho thấy các ngân hàng đều lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Đề nghị công an làm rõ vai trò, trách nhiệm kiểm toán trong giai đoạn 2 vụ án
Qua những bất cập liên quan đến hoạt động kiểm toán, hội đồng xét xử cho rằng đang có bất cập lớn trong công tác kiểm toán nên thông qua vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, hội đồng xét xử kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Hội đồng xét xử đề nghị tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực, trong công tác kiểm toán, đảm bảo chất lượng của công tác kiểm toán.
Đảm bảo công tác kiểm toán tại các ngân hàng là kiểm tra và đánh giá các thông tin tài chính mang tính chính xác, khách quan và minh bạch, nhằm tạo nên một nền tảng tài chính quốc gia minh bạch và vững mạnh.
Bên cạnh đó, hội đồng xét xử cũng đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 "tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại Ngân hàng SCB, các kiểm toán viên có liên quan, nếu đủ căn cứ thì đề nghị xem xét xử lý theo đúng quy định".
Có vi phạm trong kiểm toán
Trước đó, trong phiên chất vấn bộ trưởng Bộ Tài chính, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn ông Hồ Đức Phớc về việc cấp phép công ty kiểm toán, chất lượng kiểm toán viên, kiểm định viên sau vụ SCB.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng những sai phạm của kiểm toán độc lập trong các vụ án hình sự do nhiều yếu tố. Thứ nhất, do năng lực của cán bộ kiểm toán ở các bên. Thứ hai, tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm kiểm toán trực tiếp. Cũng không loại trừ có sự cấu kết và cố tình vi phạm pháp luật của kiểm toán viên, theo bộ trưởng Bộ Tài chính.
"Các công ty kiểm toán hàng đầu của thế giới đều kiểm toán SCB nhưng đều vi phạm. Rõ ràng cái này là do kiểm toán viên, thẩm định viên, chứ không phải do công tác quản lý", ông Phớc nói.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng nói rằng phải thừa nhận một số văn bản pháp luật còn lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng, nên khi xác định cán bộ kiểm toán, thẩm định giá cố tình làm sai thì phải xử lý kỷ luật, thậm chí hình sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận