24/10/2013 08:19 GMT+7

Đề nghị bội chi ngân sách 5,3% GDP

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Năm 2013, lần đầu tiên sau nhiều năm, ngân sách nhà nước (NSNN) rơi vào tình trạng hụt thu so với dự toán.

Ngân sách sẽ rất căng, phải vay nhiều để chi tiêu

kfWfqimH.jpgPhóng to
“Hiện nay VN đã là nước có thu nhập trung bình cho nên tất cả những khoản ODA không còn được ưu đãi về thời gian, lãi suất và ân hạn trả nợ như xưa nữa. Với các khoản vay trong nước thì 80% là ngắn và trung hạn. Đấy là một áp lực rất lớn khiến việc huy động khó khăn” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển trả lời Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước Quốc hội ngày 23-10 cho thấy cân đối ngân sách rất căng thẳng, đến mức không bố trí được chi trả nợ đối với một số khoản nên phải đảo nợ khoảng 70.000 tỉ đồng.

Phải đảo nợ khoảng 70.000 tỉ đồng

Báo cáo của Chính phủ cho thấy thu cân đối NSNN năm 2013 ước đạt 752.370 tỉ đồng, giảm 63.630 tỉ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán, dự báo tình hình thu ngân sách năm 2014 vẫn rất khó khăn. Trong khi đó, tổng chi NSNN năm 2014 vẫn phải tăng so với năm 2013.

Cụ thể: chi đầu tư phát triển là 163.000 tỉ đồng, chi trả nợ và viện trợ 120.000 tỉ đồng, chi thường xuyên hơn 704.000 tỉ đồng. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: “Các chỉ tiêu nợ tuy vẫn trong giới hạn an toàn nhưng có xu hướng tăng nhanh. Dư nợ công tính đến ngày 31-12-2013 dự kiến khoảng 59,8% GDP. Đồng thời chi trả nợ đang bố trí ở mức thấp hơn so với yêu cầu thực tế phải thanh toán các khoản nợ đến hạn. Do vậy phải đảo nợ khoảng 70.000 tỉ đồng trong năm 2014”.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách cho thấy: “Sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN. Bội chi NSNN và nợ công tăng nhanh, an ninh tài chính quốc gia chưa vững chắc” - báo cáo thẩm tra nhận định.

Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng trong giai đoạn khó khăn khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi NSNN đã cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của NSNN chưa được xử lý nhưng dự toán chi NSNN theo đề nghị của Chính phủ vẫn tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.

Yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ hơn về nợ công

Theo ông Phùng Quốc Hiển - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách, “để bảo đảm cân đối, bố trí vốn NSNN đáp ứng các nhiệm vụ chi, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Quốc hội cho phép bội chi NSNN năm 2014 là 5,3% GDP và không chỉ dành cho chi đầu tư phát triển như quy định của Luật NSNN, mà cần dành một phần chi trả nợ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem xét nâng mức bội chi cao hơn mức Chính phủ trình để bảo đảm bố trí đủ nguồn trả các khoản nợ của các năm trước và phản ánh đủ khoản đảo nợ”.

Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng “Chính phủ cần đánh giá lại đầy đủ và chính xác mức dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia, bảo đảm an toàn trong giới hạn cho phép; phản ánh đầy đủ, toàn diện các nguồn lực vào cân đối NSNN, kiên định mục tiêu giảm dần bội chi NSNN, tăng cường giám sát tài chính, ngân sách, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia”.

Theo báo cáo của Chính phủ, mức bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ không vượt quá trần nợ công đến năm 2015 là 65% GDP. “Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - ngân sách nhận thấy nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đang có xu hướng tăng cao. Càng gần tới năm 2015 thì sức ép về thời hạn và cường độ trả nợ càng cao. Đề nghị Chính phủ có kế hoạch và giải pháp cụ thể bảo đảm chủ động trả nợ và báo cáo Quốc hội rõ hơn về vấn đề nợ công” - ông Hiển nói.

“Khả năng trả nợ sẽ rất khó khăn”

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày trước Quốc hội tờ trình “về phương án phát hành bổ sung và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016”. Theo đó, đề nghị Quốc hội cho phép phát hành thêm khoảng 170.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Đọc báo cáo thẩm tra tờ trình này, ông Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - ngân sách đồng tình với đề nghị của Chính phủ và đồng tình với nhận định của Chính phủ rằng nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP).

“Song Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được Quốc hội cho phép, nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý” - ông Hiển nhấn mạnh. Theo báo cáo thẩm tra, khối lượng huy động vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm rất lớn, mức huy động vốn trái phiếu Chính phủ trong ba năm tới bình quân trên 400.000 tỉ đồng/năm, bằng 8-9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ, phát hành trái phiếu để đầu tư. Trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, theo đó tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao.

Ủy ban Tài chính - ngân sách lưu ý: “Khả năng trả nợ sẽ rất khó khăn. Do vậy Chính phủ cần đánh giá khả năng trả nợ đến năm 2015-2016 có vượt các quy định về các tỉ lệ tại quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ: “Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu NSNN hằng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ” và theo thông lệ quốc tế, số nợ phải trả hằng năm không nên vượt quá 30% so với số thu ngân sách hằng năm. Đồng thời, Chính phủ cần tính toán bố trí đủ nguồn để trả nợ các khoản đến hạn”.

* Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Dự thảo chưa vang vọng như lời hiệu triệu

Thảo luận tại đoàn Hà Nội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp sáng 23-10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn nếu chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn và ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa. Tôi thấy tất cả nội dung lần này đều đáp ứng yêu cầu đó, tôi cũng tán thành. Có đại biểu nói Lời nói đầu tốt lắm rồi mà tôi thì còn băn khoăn. Lời nói đầu của dự thảo lần này so với trước được ưu điểm là ngắn gọn súc tích hơn, nhưng chuẩn xác thì chưa, hay thì lại càng chưa, chưa có sức vang vọng như lời hiệu triệu kêu gọi”. (Kính mời bạn đọc xem toàn bộ ý kiến phát biểu thảo luận của Tổng bí thư trên tuoitre.vn)

* Đại biểu TRẦN HOÀNG NGÂN:

Kinh tế nhà nước không chỉ có doanh nghiệp nhà nước

Tại phiên thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp sáng 23-10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhìn nhận: “Tôi thống nhất việc giữ kinh tế nhà nước là chủ đạo. Thế nhưng tổng vốn đầu tư để phát triển kinh tế của ta đang đi theo mô hình 4-4-2 (40% khu vực kinh tế nhà nước - 40% khu vực kinh tế dân doanh - 20% khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài). Nếu ta viết không khéo thì dễ dẫn đến hiểu nhầm. Trong giai đoạn hiện nay ta rất cần huy động tất cả các thành phần kinh tế để vượt qua khó khăn. Kinh tế nhà nước không có nghĩa là chỉ có doanh nghiệp nhà nước. Vì doanh nghiệp nhà nước góp phần trong tổng vốn đầu tư hiện nay chỉ có 9% thôi. Tôi đề nghị phải ghi rõ tên các thành phần kinh tế trong Hiến pháp”.

Quan điểm này của ông Ngân được khá nhiều đại biểu đồng tình. “Lấy lý do không nêu cụ thể các thành phần kinh tế là để có sự linh hoạt trong điều hành - đó cũng là một cách giải thích. Nhưng nếu nói thêm về các thành phần kinh tế để thấy được chính sách của Đảng và Nhà nước ta có tính công bằng và thống nhất thì tốt hơn” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) bày tỏ.

Đ.TR. - MAI HƯƠNG ghi

_______________________

HGsP1JHg.jpgPhóng to
TS Lê Đăng Doanh

Quan sát nghị trường

TS Lê Đăng Doanh:

Tiền thuế cần được kiểm soát nghiêm ngặt

Theo đề nghị của Thủ tướng, Quốc hội tới đây sẽ phải bấm nút xem có thông qua nới trần bội chi ngân sách nhà nước hay không. Nâng trần bội chi ngân sách, nghĩa là cho phép Chính phủ được vay thêm tiền để chi tiêu, tăng thêm nợ mà các thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải trả. Vì vậy, Quốc hội với tư cách cơ quan quyền lực cao nhất, bên cạnh việc phê chuẩn tăng bội chi cần làm rõ hơn hai yếu tố tạo ra bội chi, đó là tình hình thu và chi ngân sách nhà nước để trả lời cho cử tri cả nước.

Thứ nhất, năm nay dự kiến chúng ta sẽ tăng trưởng cao hơn năm 2012, nhưng thu ngân sách lại hụt nhiều hơn. Chúng ta nói năm nay nền kinh tế đã và tiếp tục phục hồi, song thu ngân sách lại thấp chưa từng thấy, vậy cần làm rõ nền kinh tế đã tăng trưởng nhờ đâu mà ngân sách không thu được? Tôi đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách, với việc nêu “rà soát lại về khả năng thu, tăng cường chống thất thu, xử lý nghiêm gian lận, trốn thuế”... Không nghi ngờ gì nữa, còn nhiều khoản thất thu. Như thất thu trong thuế tài nguyên, doanh nghiệp FDI “chuyển giá”... Cần nghiêm túc đặt ra câu hỏi vậy năng lực của ngành thuế đến đâu? Đặc biệt vấn đề nhiều người nói, doanh nghiệp nói, theo tôi biết có bộ trưởng cũng nói trong cuộc họp Chính phủ là việc cán bộ thuế giảm tiền thuế để “cưa đôi”... Đã đến lúc ngành thuế cần nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật về tình trạng này và có các biện pháp hiệu quả ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục. Thu đúng, thu đủ là góp phần tạo ra công bằng xã hội.

Thứ hai, tỉ lệ huy động vào ngân sách trên GDP của VN hiện cao nhất khu vực, cao hơn Trung Quốc và nhiều nước mặc dù thu nhập bình quân đầu người của VN thấp hơn. Hơn nữa, VN luôn bội chi, tức thu không đủ chi nhưng lại có những khoản thu, chi để ngoài ngân sách như thu xổ số (có tỉnh chiếm đến 50% nguồn thu tại chỗ).

Nợ công đã “tăng cao” theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách, thì điều không thể không làm là cần phân tích, nghiêm khắc xem lại cách chi tiêu ở VN. Đã đến lúc phải xem xét lại rất nghiêm túc bài toán ngân sách. Trong bối cảnh hụt thu nhưng chi cứ tăng, đặc biệt phải tiếp tục nới bội chi để tăng vay về tiêu, thì không thể xuê xoa được nữa. Nếu thông qua tăng tỉ lệ bội chi, Quốc hội nên có yêu cầu các biện pháp tương xứng để tăng hiệu quả thu, chi ngân sách và luật hóa các nghị quyết về thu chi ngân sách. Cần tránh Quốc hội hằng năm phê duyệt dự toán thu chi ngân sách, nhưng thường thấy cuối năm, Chính phủ vẫn vượt chi, rồi kiểm toán thì lộ hàng loạt cơ quan chi sai ngân sách...

C.V.KÌNH ghi

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên