04/06/2012 04:03 GMT+7

Đề mở, đáp án phải mở

H.H. - P.Đ. - M.G. - T.H.
H.H. - P.Đ. - M.G. - T.H.

TT - “Phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng là vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay nên có thể kết luận nội dung đề thi rất sát sườn với cuộc sống”.

6xipiZkj.jpgPhóng to

Thí sinh thoải mái trao đổi bài sau khi thi xong môn địa tại hội đồng thi Trường THPT Gia Định (TP.HCM) sáng 3-6 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cô Cao Thị Thu Hồng - giáo viên môn địa lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - nhận định như vậy khi đề thi tốt nghiệp môn địa lý có câu hỏi: “Ở nước ta hiện nay, việc đánh bắt hải sản xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng?”.

Tín hiệu mới

Theo cô Hồng, những năm trước, đề thi môn địa đều có nhắc tới vấn đề biển đảo nhưng chỉ đơn thuần là lý thuyết giáo khoa. Năm nay, đề thi yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng sự hiểu biết của mình để viết về việc đánh bắt xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.

Ngay cả thí sinh “cũng cảm thấy thú vị với câu hỏi này” - thí sinh tên Ngọc, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, cho biết. Theo Ngọc, đề thi đề cập những vấn đề “nóng” của đất nước, thí sinh làm bài có cảm xúc hơn. Thí sinh Huỳnh Kim Ngân, Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết: “Đề thi địa lý năm nay yêu cầu thí sinh cần phải vận dụng tổng hợp kiến thức nhiều để suy luận, phân tích đề mới làm được bài tốt. Còn nếu chỉ học thuộc lý thuyết mà không nắm vững kiến thức chỉ có thể làm được 50-60% đề thi”. Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Hồng Anh Phương (Trường THPT Thủ Đức) chia sẻ: “Đề thi tốt nghiệp môn địa năm nay, các câu hỏi phần lớn thiên về suy luận, giải thích và tính toán, yêu cầu thí sinh phải thông hiểu mới làm được”.

Điểm chung được các giáo viên đưa ra là việc đề thi địa lý và lịch sử không hoàn toàn đòi hỏi thuộc lòng theo sách giáo khoa. Ở một vài câu hỏi đều có phần buộc thí sinh phải tư duy mới hoàn thành tốt bài làm. Điều này đòi hỏi việc dạy và học phải thực chất, hiểu vấn đề thì học sinh mới vận dụng được.

Vấn đề còn lại là ở khâu đáp án và khâu chấm bài. Cô Võ Thị Ngọc Quý - tổ trưởng tổ địa Trường THPT Nguyễn Trãi - băn khoăn: “Đề mở thì đáp án phải mở. Đề mở nhưng đáp án đóng thì rất khổ học sinh”. Cô Cao Thị Thu Hồng nêu ví dụ: từng có tiền lệ đề mở, thí sinh phóng bút theo sự hiểu biết của mình, nhiều em viết còn hay hơn đáp án nhưng không được điểm vì người chấm quá quan liêu, “năm trước đã xảy ra tình trạng này”.

Học sinh thở phào

Tại hội đồng thi THCS Ngô Tất Tố, THPT Hàn Thuyên, TP.HCM, nhiều thí sinh tự tin cho biết đã làm hết bài thi, có thể điểm số không quá cao nhưng chắc chắn không dưới trung bình, như vậy là “qua cầu” ở môn này.

Nhìn tổng thể đề thi, nhiều thầy cô cho rằng đề khá hay, có phân loại trình độ thí sinh. Tuy hầu hết thí sinh đều làm được bài, không khó đạt điểm 5 nhưng chưa hẳn dễ điểm cao vì nhiều HS viết dài nhưng chưa hẳn đúng và nhất là “chưa biết đáp án sẽ như thế nào”. Tuy vậy, hầu hết HS vẫn cảm thấy nhẹ nhàng do không có nhiều thời gian đầu tư kỹ cho môn này. Với nhiều HS, không dưới trung bình đã là thành công với môn địa lý rồi.

Cuối giờ thi môn địa lý, mọi lo lắng của thí sinh đều dồn cho môn sử. Nhiều thí sinh cho biết vẫn chưa thể nắm hết bài học môn này và phải học tiếp cho đến trước giờ thi buổi chiều. Nhiều thí sinh đã đến trường thi với xấp đề cương dày cộp, vẫn phải tranh thủ đọc vội vàng trước khi bước vào cổng trường thi. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều thí sinh tại hội đồng coi thi THPT Trần Đại Nghĩa, đề môn sử dễ đến bất ngờ, còn nhẹ hơn cả đề môn địa.

15g30 chiều 3-6, tại hội đồng thi THPT Trưng Vương, dù còn đến 30 phút mới hết thời gian làm bài môn sử nhưng thí sinh đã lục tục nối nhau ra khỏi phòng thi. Nhiều hội đồng thi khác cũng vậy. Theo nhận định của nhiều thí sinh: đề nhẹ nhàng, dễ hiểu và rất ngắn nên nhiều thí sinh chỉ cần 2/3 thời gian để hoàn thành bài.

Những thí sinh nào được đặc cách tốt nghiệp?

Trong hai ngày thi vừa qua, có rất nhiều thí sinh bị tai nạn giao thông, bị bệnh hoặc có việc đột xuất. Một thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết quy chế thi đã quy định những thí sinh bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt, không quá 10 ngày trước khi thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên không thể dự thi thì được xét đặc cách với điều kiện xếp loại học lực và hạnh kiểm cả năm lớp 12 đều từ khá trở lên, có hồ sơ nhập viện, ra viện do bệnh viện cấp huyện trở lên cấp (nếu ốm) hoặc xác nhận của nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt).

Thí sinh đã dự thi ít nhất một môn, không thể tiếp tục thi hay sau khi ốm, có việc đột xuất muốn dự thi các môn còn lại, nếu điểm bài thi của môn đã thi đạt từ 5,0 trở lên, xếp loại ở lớp 12 học lực trung bình, hạnh kiểm khá trở lên thì được xét đặc cách đối với môn các em không thể dự thi.

Đối với những trường hợp thí sinh có cha, mẹ mất trước và trong khi thi cũng được xét đặc cách như quy định trên.

H.H. - P.Đ. - M.G. - T.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên