Chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng và đạt được nhiều kết quả quan trọng mang lại những triển vọng hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả cho nhân dân hai nước.
Dấu ấn quan trọng nhất của chuyến thăm là Việt Nam - Trung Quốc đã đưa ra định vị mới cho quan hệ Việt - Trung trong thời gian tới.
Đó là nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt - Trung có ý nghĩa chiến lược. Thúc đẩy quan hệ Việt - Trung bước vào giai đoạn mới với yêu cầu cao hơn, thể hiện thông qua 6 phương hướng hợp tác lớn, tương ứng với yêu cầu "6 hơn" bao trùm toàn bộ các trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước từ chính trị, an ninh, quốc phòng cho đến kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân.
Đó là tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
Điều đáng chú ý không chỉ là các cam kết mà hành động, khi lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã đưa ra chỉ đạo cụ thể về quy trình thực hiện.
Có thể thấy rằng các lĩnh vực hợp tác được chú trọng thúc đẩy trong thời gian tới bao gồm cơ sở hạ tầng, đầu tư ngành nghề, thương mại, nông nghiệp, tài chính tiền tệ.
Trong đó, lĩnh vực cơ sở hạ tầng và kết nối chiến lược có kế hoạch và dự án cụ thể như ký kết Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và con đường", thúc đẩy kết nối về đường sắt khổ tiêu chuẩn, kết nối xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới.
Điểm nhấn đáng chú ý trong Tuyên bố chung là trọng điểm đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh.
Lần đầu tiên lĩnh vực nông nghiệp được đặc biệt chú trọng khi được nhắc tới khá nhiều trong cả lĩnh vực đầu tư lẫn lĩnh vực thương mại.
Hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung không chỉ về phát triển thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt là xuất khẩu nông sản của Việt Nam, mà còn cả hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển xanh.
Trung Quốc cam kết tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam không chỉ bao gồm các loại trái cây như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, mà còn có các loại thịt gia súc gia cầm như thịt trâu, thịt bò, thịt lợn và sản phẩm từ thịt gia súc gia cầm.
Có thể nói nông nghiệp là lĩnh vực vẫn còn bỏ ngỏ trong thời gian qua, trong khi cả hai nước đều có thế mạnh.
Trung Quốc có thị trường rộng lớn, là nước nhập siêu trong thương mại nông sản với thế giới, có thế mạnh tuyệt đối về nông nghiệp ở nhiều khía cạnh như giống và máy móc. Còn Việt Nam có tiềm năng sản xuất, có lợi thế về nhiều loại nông sản.
Đầu tư cho lĩnh vực này cũng phù hợp với định hướng của phát triển "Vành đai và con đường" trong 10 năm tới mà Trung Quốc công bố hồi tháng 11 vừa qua, đó là ưu tiên hợp tác trong những dự án "nhỏ mà đẹp", hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường tốt, tập trung xóa đói giảm nghèo, tăng việc làm, cải thiện dân sinh để thành quả mang lại lợi ích cho người dân tốt hơn.
Đối với hai quốc gia có truyền thống nông nghiệp như Việt - Trung, đầu tư cho nông nghiệp không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển mà qua đó còn góp phần củng cố nền tảng xã hội của mối quan hệ Việt - Trung khi nó mang lại lợi ích cho người dân trực tiếp nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận