02/12/2011 04:12 GMT+7

Để giảm tệ nạn xã hội...

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TT - Gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các thông tin về nạn trộm cướp, dàn cảnh cướp giật trên đường phố xảy ra thường xuyên hơn. Có một số quan điểm cho rằng do đây là thời gian gần đến Tết Nguyên đán nên tình trạng này mới gia tăng.

Câu chuyện có thể không hoàn toàn như vậy, mà theo tôi tình hình kinh tế khó khăn mới là yếu tố quan trọng dẫn đến các vấn nạn xã hội hiện nay. Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, đến tháng 9 năm nay có gần 49.000 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Hệ quả là hàng trăm ngàn nhân công mất việc làm và những người bị mất việc đầu tiên là những người có tay nghề thấp, nắm giữ các vị trí không quan trọng.

Từ đó xét theo quan điểm của lý thuyết căng thẳng (strain theory) trong nghiên cứu xã hội học tội phạm, khi một số người không có phương tiện hợp pháp để thỏa mãn nhu cầu của mình (nhu cầu có tiền để sống chẳng hạn), thì họ buộc phải sử dụng đến các phương tiện phi pháp để đạt được mục tiêu tồn tại của mình. Mặc dù chúng ta có chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhưng chính sách này vẫn khó tiếp cận nơi đa số người bị thất nghiệp, và đây chính là một trong những nguy cơ làm gia tăng tội phạm trộm cướp trong xã hội.

Bên cạnh làm gia tăng các hành vi tội phạm xâm phạm đến tài sản của người khác, khủng hoảng kinh tế cũng gây ra những vấn đề xã hội khác nữa, chẳng hạn như nạn tự tử. Một nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu do TS David Stuckler thuộc Đại học Cambridge (Anh) cho thấy tình trạng tự tử tại châu Âu giảm đều đặn cho đến năm 2007 nhưng đến năm 2008, năm bắt đầu xảy ra khủng hoảng kinh tế, tình trạng tự tử lại gia tăng. So với năm 2007, tỉ lệ tự tử tại các nước châu Âu tăng lên ít nhất 5% vào năm 2009. Tại Anh thì so với năm 2008, tỉ lệ tự tử năm 2009 tăng thêm 10% và hai quốc gia bị khủng hoảng nặng nhất là Hi Lạp và Ireland thì tỉ lệ tự tử tăng lần lượt là 17% và 13% (nguồn: LeMatin.ch).

Tại Việt Nam, chúng ta chưa có số liệu chính thức nào về tình trạng tự tử trong giai đoạn kinh tế khó khăn những năm qua nhưng tình trạng mại dâm đã có xu hướng tăng. Theo ông Lê Văn Quý - chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, trong cuộc họp với các sở, ngành tại TP.HCM về tình hình tệ nạn xã hội đã nhận định hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngày càng phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng của tệ nạn mại dâm nam, trong đó nổi lên là mại dâm nam đồng tính. Đại diện Công an TP.HCM cũng cho rằng hiện hoạt động mại dâm nam tại các cơ sở dịch vụ matxa đang nở rộ.

Mặc dù chúng ta có chính sách an sinh xã hội, nhưng nhìn một cách công bằng, các chính sách đó chỉ chú trọng đến một số nhóm yếu thế hoặc người cao tuổi mà thôi, còn phần lớn thanh niên khó có khả năng tiếp cận với các chính sách ấy. Tất nhiên do nguồn lực của chúng ta có hạn nên không thể có chính sách an sinh xã hội bao phủ trên diện rộng, nhưng rõ ràng đây là một nguy cơ tiềm ẩn gây nên những vấn đề xã hội khi kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái.

Có thể ngay trong lúc này cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho những lao động dôi ra từ các doanh nghiệp bị phá sản, để họ có thể không “nhàn cư vi bất thiện” và có nhiều “vốn” hơn để gia nhập thị trường lao động đầy tính cạnh tranh khi nền kinh tế khó khăn có xu hướng tạo ra rất ít việc làm như hiện nay.

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên