13/08/2012 06:30 GMT+7

Để du khách nước ngoài bớt e ngại

PHAN THỊ MỸ LOAN(Gò Vấp, TP.HCM)
PHAN THỊ MỸ LOAN(Gò Vấp, TP.HCM)

TT - Một tiến sĩ về ngôn ngữ và văn hóa Nhật, từng sống ở Nhật bảy năm, vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết chia sẻ vài góp ý của du khách Nhật nhằm cải thiện tình hình du lịch tại VN.

JEFVKyI5.jpgPhóng to

Du khách Nhật mặc áo dài chụp ảnh lưu niệm trước nhà thờ Đức Bà TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Trong số khách Nhật tôi tiếp xúc, nhiều người tâm sự rằng họ thật sự cảm thấy có điều gì đó gần gũi khi đến VN. Họ nói rằng cảnh sinh hoạt tại VN gợi cho họ hình ảnh nước Nhật của những năm 1960-1970. Họ nói người VN thân thiện, hiền hòa; thức ăn ở VN ngon, những món hàng thủ công do người VN làm trông đẹp mắt, đa dạng và rất tỉ mỉ, khéo léo... Nhưng họ cũng nói nếu không phải vì công việc thì nhiều người không mong quay lại VN lần thứ hai.

Có ba vấn đề các khách Nhật thường nói đến. Trước tiên là họ e ngại chuyện đi lại. Trong khung cảnh giao thông tại các thành phố lớn ở VN như hiện nay, phương tiện đi lại chủ yếu của phần đông du khách Nhật là taxi. Tuy nhiên, như báo chí thời gian vừa qua phản ánh, du khách đi taxi thường bị làm giá hoặc tài xế cố tình chạy đường vòng để lấy thêm tiền của du khách. Việc làm giá với du khách tại nhiều địa điểm du lịch cũng làm họ ngại ngần. Vấn đề sau cùng là chuyện vệ sinh. Nhiều du khách phản ảnh nhiều điểm du lịch tại VN còn chưa có nhà vệ sinh công cộng hoặc có thì quá mất vệ sinh. Một yếu tố rất tế nhị là hầu hết nhà vệ sinh nữ tại những nơi này vẫn chưa trang bị giấy vệ sinh. Không phải nói đâu xa mà ngay trong trung tâm thương mại có hạng ở quận 1, TP.HCM, khách nữ vào nhà vệ sinh vẫn phải xòe tay nhận giấy tại khu vực cửa ra vào nhà vệ sinh.

Không có hình thức quảng cáo nào có hiệu quả mạnh mẽ và lâu dài như quảng cáo truyền miệng.

Một khi chúng ta đã xây dựng được hình ảnh đẹp, sự an tâm nơi du khách thì cứ tin rằng không cần chúng ta quảng bá, bản thân họ sẽ tự truyền miệng nhau về chúng ta và cùng với sức ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì hiệu quả của nó còn được đẩy xa hơn nữa.

Chúng ta sẽ kiếm nhiều tiền hơn một cách đàng hoàng, văn minh chứ không phải kiếm bạc lẻ theo cách làm chụp giật như hiện nay.

Chuyện nhà vệ sinh đã được nhiều người đề cập và chắc chắn chúng ta sẽ phải cố gắng cải thiện sớm. Còn chuyện “vấn nạn taxi” và làm giá ở các điểm du lịch, nhiều khách Nhật nói có thể chấn chỉnh theo cách nước họ đã làm.

Ở nhiều địa điểm du lịch tại Nhật, du khách có thể mua vé đi tàu điện, xe buýt... theo hình thức giá trọn gói. Nghĩa là khách chỉ trả tiền một lần với một giá được công khai tại điểm du lịch để đi lại giữa các nhà ga, bến xe buýt phục vụ tuyến du lịch đó trong ngày. Tại các điểm đến, du khách chỉ cần xuất trình vé là có thể đi tiếp những chặng tiếp theo. Tôi nghĩ hình thức này hoàn toàn khả thi khi áp dụng vào VN cho taxi. Tại các điểm đến, chúng ta sẽ bố trí taxi cho du khách khi họ xuất trình vé mua trọn gói cho tuyến đi.

Ngoài việc ngăn chặn được những tài xế taxi làm khó du khách, điều này có thể tạo ra sân chơi công bằng hơn cho các hãng taxi vì hiện tại, trong khu vực TP.HCM, du khách chỉ ưu tiên lựa chọn vài hãng taxi thuộc loại có uy tín.

Ở điểm du lịch tại Nhật, người ta dễ dàng tìm thấy hướng dẫn viên tình nguyện. Phần lớn họ là những người đàn ông đã về hưu hoặc phụ nữ trung niên không quá bận rộn với công việc nội trợ. Dù chỉ một phần nhỏ trong số họ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng họ luôn tận tình giải thích cho du khách những yếu tố mang tính lịch sử, địa lý... của điểm du lịch; trả lời mọi thắc mắc của du khách trong chừng mực hiểu biết của họ liên quan đến vật giá, đời sống tại khu vực đó...

Họ là người dân sinh sống quanh đó, được trang bị đồng phục trên vai có ghi rõ “hướng dẫn viên tình nguyện”. Chúng tôi đã từng gặp các hướng dẫn viên tình nguyện này. Họ giúp chúng tôi luôn cảm thấy hết sức an tâm, thoải mái và quả thật chúng tôi muốn quay lại những nơi đó nhiều lần nữa.

VN có thể áp dụng mô hình này. Ngoài những người lớn tuổi, các sinh viên cũng có thể làm hướng dẫn viên tình nguyện để có cơ hội thực tập về ngoại ngữ. Các địa phương có thể phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch để kêu gọi sự giúp đỡ hoàn toàn hoặc một phần tình nguyện (về mặt kinh tế) của những người dân đang sinh sống tại địa bàn có điểm du lịch. Khi có những hướng dẫn viên tình nguyện này, du khách an tâm khi du lịch tại địa bàn, giảm thiểu tình trạng đôi co giữa người bán và người mua, tạo ra cái lợi kinh tế cho địa bàn đó nói riêng và cái lợi cho ngành du lịch VN nói chung.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý tránh tình trạng một số người lợi dụng việc này mà dẫn dắt, chèo kéo du khách đến mua hàng tại một số tiệm họ quen biết để nhận hoa hồng.

PHAN THỊ MỸ LOAN(Gò Vấp, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên