Lần đầu tiên sau hơn 4 năm tổ hợp được cho là mang nhiều nguy cơ ô nhiễm này hoạt động, người dân được tự chọn địa điểm, thời điểm và đơn vị thực hiện quan trắc.
Ông Tường Thế Hà, phó tổng giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng hứa: “Kết quả quan trắc do người dân giám sát sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết các yêu cầu của người dân theo đúng luật. Người dân muốn di dời khỏi vùng Tân Rai sẽ được đáp ứng nếu kết quả quan trắc cho thấy môi trường sống không đảm bảo”.
Trước đó, việc quan trắc được thực hiện “kín đáo” từ phía công ty và cơ quan chức năng, người dân chỉ được biết số liệu khi có đòi hỏi hoặc khi khiếu nại về chất lượng cuộc sống bị suy giảm.
Và những lần như vậy, kết quả quan trắc được đưa ra với đầy những thuật ngữ chuyên môn để rồi… kết luận: “Mọi thứ vẫn đảm bảo trong ngưỡng cho phép, môi trường vẫn an toàn” (?!).
Việc bôxit Tân Rai chịu để người dân lập thêm một đoàn quan trắc, cho kết quả độc lập với hệ thống quan trắc do họ đầu tư cho thấy có sự cầu thị nhất định của một đơn vị kinh doanh lĩnh vực nhạy cảm với môi trường trước đòi hỏi bức thiết của người dân.
Sau sự cố môi trường biển, lỗ hổng từ quản lý lộ ra chính là chuyện Formosa quan trắc tự động về chất lượng môi trường, nhưng kết quả quan trắc đó không được truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên - môi trường Hà Tĩnh để theo dõi, kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
Nhưng chỉ đơn thuần cơ quan quản lý cập nhật, giám sát kết quả quan trắc là chưa đủ nếu chưa công khai dữ liệu quan trắc và cung cấp công cụ để người dân cùng giám sát chất lượng môi trường. Một chuyên gia nghe tin người dân được giám sát bôxit Tân Rai đã không khỏi băn khoăn:
“Giám sát bôxit bằng cách nào, người dân còn không phân biệt được từ định tính, định lượng trong hoạt động quan trắc, kiểm định thì làm sao giám sát? Hoạt động quan trắc môi trường phức tạp và nhiều thứ lắt léo chứ không đơn giản như cân củ sắn, củ khoai”.
Thiếu phương pháp nên những yêu cầu của người dân trong hoạt động quan trắc dễ bị bác bỏ với lý do không hợp quy, không đúng kỹ thuật… Chứng kiến người dân Tân Rai bàn bạc về thời gian và địa điểm quan trắc mà không khỏi chạnh lòng.
Tranh luận với nhau suốt 2 tháng, dời lịch quan trắc đến 4 lần vẫn chưa chốt được những vấn đề cốt lõi của quan trắc môi trường là thời gian, địa điểm.
Không có hướng dẫn nên người dân không thống nhất quan điểm và kết quả quan trắc có thể bị… phủ nhận, không được coi là chứng lý để đòi hỏi quyền lợi chính đáng.
Vì vậy, tài liệu hướng dẫn phương pháp quan trắc cần được cung cấp cho người dân vùng Tân Rai nói riêng và người dân quanh các khu vực bị ảnh hưởng bởi các dự án có tác động xấu đến môi trường.
Cùng với việc công khai kết quả quan trắc, tập huấn và hướng dẫn cho người dân phương pháp quan trắc là điều cần thiết để cơ hội thực thi quyền giám sát của người dân được thực chất, hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận