12/03/2016 07:52 GMT+7

Nhiều hộ không dám dùng nước giếng quanh khu bôxít Tân Rai

MAI VINH - CHÍNH THÀNH (maivinh@tuoitre.com.vn)
MAI VINH - CHÍNH THÀNH (maivinh@tuoitre.com.vn)

TT - Nguồn nước quanh hồ bùn đỏ bôxit Tân Rai, Bảo Lâm, Lâm Đồng bị ô nhiễm. Đó là kết luận trong báo cáo quan trắc môi trường của Công ty Nhôm Lâm Đồng (đơn vị điều hành tổ hợp bôxit - nhôm).

Người dân sống gần khu vực Nhà máy bôxit Tân Rai phải dùng máy lọc nước giếng để nấu ăn - Ảnh: M.Vinh
Người dân sống gần khu vực Nhà máy bôxit Tân Rai phải dùng máy lọc nước giếng để nấu ăn - Ảnh: M.Vinh

Các thông số quan trắc cho thấy nồng độ Fe (sắt) và Mn (mangan) vượt ngưỡng cho phép từ 1,4-2,8 lần. “Nước ngầm trong khu vực hồ bùn đỏ được đánh giá bị ô nhiễm Fe và Mn” - báo cáo kết luận.

Mua nước tinh khiết nấu ăn

Hiện vẫn chưa có đánh giá cụ thể về việc nước ngầm dùng cho sinh hoạt của người dân có bị ảnh hưởng hay không.

Tuy nhiên, hơn 120 hộ dân sống xung quanh nhà máy alumin đang lo lắng, phải đi chở nước từ những nơi khác về. Người dân trong vùng nơm nớp lo rằng nguồn nước bị nhiễm bẩn do hoạt động sản xuất của nhà máy alumin, nhiều hộ dân không dám dùng nước giếng.

Ông Nguyễn Hữu Bồn (bí thư chi bộ tổ 22, thị trấn Lộc Thắng), nhà cách xa nhà máy alumin khoảng 500m, cho biết nhà có giếng khoan bơm lên bể lắng nhưng ông không dám dùng nước từ bể lắng để nấu ăn mà phải bơm qua một máy lọc than hoạt tính.

Lọc cho an tâm chứ không biết có đảm bảo sạch hơn không. Máy lọc mua khoảng 4 triệu đồng. Ông Bồn nhẩm tính chỉ khoảng 20 gia đình sống quanh nhà máy có máy lọc nước. Số còn lại cứ đổ nước vào bể lắng rồi nhắm mắt dùng.

Ông Nguyễn Đăng Quý có giếng nhưng cạn nước. Mỗi ngày ông phải dùng can đi xin nước sinh hoạt. Ông bảo nước rất trong nhưng không ai dám nấu uống nếu chưa qua lọc.

Ông Quý kể: “Nấu ăn còn lọc được, chứ tắm thì công đâu mà lọc. Xối gàu nước nghe mùi hăng hắc, da cứ ngứa rần rần. Nước nhớt nhớt nhưng không hiểu tại sao”.

Bà Nguyễn Thị Mai cho biết mỗi ngày bà dùng hết năm bình nước tinh khiết đóng thùng để lo bữa ăn cho cả nhà.

Theo bà Mai, nhà bà có bốn người thì cả bốn đều bị đau dạ dày, đau vòm họng và uống thuốc nhiều nơi nhưng không khỏi.

Bà Nguyễn Thị Bản có nhà cách cổng nhà máy khoảng 50m, nằm cạnh cống thải số 1, kể: “Con tôi mới đi khám về, viêm da, đau họng hai năm nay mà uống thuốc kiểu gì cũng không bớt”.

Nói rồi bà đưa chúng tôi ra bồn chứa nước sau nhà. Bà bảo mới chà rửa cách đây ba ngày mà thành bồn lại đỏ quạch. Thỉnh thoảng nhà bà Bản còn bị bụi trắng alumin bay qua bám đầy cây cối, thành bồn nước.

Người dân quanh nhà máy sản xuất alumin chở nước từ nơi khác về dùng vì không yên tâm với nước giếng trong khu vực - Ảnh: Mai Vinh
Người dân quanh nhà máy sản xuất alumin chở nước từ nơi khác về dùng vì không yên tâm với nước giếng trong khu vực - Ảnh: Mai Vinh

 

Chất lượng nước ngầm giảm

Ông Vũ Minh Thành, tổng giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng, cho biết: “Tác động đến môi trường là có, mình đang kiểm soát để càng ngày càng giảm thiểu trong phạm vi cho phép”.

Ông Thành thừa nhận có việc người dân đi chở nước từ nơi khác về dùng, thậm chí phải lọc nước để lo bữa ăn của gia đình.

Ông Thành nói có một số giếng trong khu vực đen ngòm, nặng mùi nhưng không thể vội vã cho rằng là do hoạt động sản xuất alumin gây ra. Có thể do người dân không dám dùng nước trong thời gian dài khiến nước không được khơi nguồn, phát sinh khuẩn trong nước.

Theo ông Thành, các đơn vị quan trắc lấy mẫu nước ở bốn giếng khác nhau trong khu vực dân cư, qua đó cho thấy chất lượng nước vẫn ổn định.

“Tôi khẳng định không có chuyện thấm ngược từ hồ bùn đỏ vào nguồn nước ngầm. Nếu bà con nghi ngờ có thể cùng đi lấy mẫu nước với chúng tôi, nếu có những chất độc hại từ bùn đỏ chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Trung Thành, phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, khẳng định chất lượng nguồn nước của người dân quanh nhà máy alumin có giảm đi.

Tuy nhiên không có cơ sở để xác định giảm như thế nào. “Khi xây dựng nhà máy, không có khảo sát chất lượng nguồn nước nên không thể so sánh nước ngầm trong khu vực giảm như thế nào”.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, cơ quan chức năng cấp huyện có ghi nhận tình trạng bụi bẩn từ nhà máy alumin phát tán ra khu dân cư nhưng không nghiêm trọng như các năm trước đó. Người dân có than sức khỏe bị ảnh hưởng nhưng chưa có cơ sở đánh giá.

Ông Nguyễn Trung Thành cho rằng lẽ ra như các nước khác thì người dân phải di dời ra khỏi khu vực nhà máy ít nhất khoảng 2km nhưng ở đây Công ty Nhôm Lâm Đồng không có vốn di dời.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Minh Thành phản bác: “Những tác động của nhà máy chưa quá đáng thì làm sao di dời được. Phải có tính toán thì mới xử lý được”.

Không khí cũng ô nhiễm

Kết quả quan trắc môi trường này cũng cho thấy không khí quanh nhà máy alumin bị ô nhiễm bởi hoạt động sản xuất.

Nồng độ bụi có xu hướng gia tăng từ 1,5-14,5 lần so với lần quan trắc trước đó, ở nhiều khu vực trong và xung quanh nhà máy, đặc biệt là khu vực gần hồ bùn đỏ, kho chứa alumin và băng tải quặng bôxit.

Hơn 2 năm chưa kéo nước máy cho dân

Kế hoạch kéo nước máy cho người dân sống quanh nhà máy alumin được đưa ra từ năm 2014 nhưng mãi đến nay người dân vẫn chưa có nước máy với chất lượng đảm bảo.

Theo UBND huyện Bảo Lâm, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã ký quỹ 150 triệu đồng để kéo nước nhưng để làm được việc này thì cần đến 300 triệu đồng.

UBND huyện Bảo Lâm đang đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng đầu tư thêm.

Ông Vũ Minh Thành cho biết: “Công ty có thể hỗ trợ thêm để kéo đường nước nhưng sẽ không hỗ trợ 100%, địa phương và người dân phải đóng góp thêm”.

 

MAI VINH - CHÍNH THÀNH (maivinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên