05/05/2017 15:01 GMT+7

Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Những cục đá kỳ lạ

THÁI BÁ DŨNG - THÁI LỘC
THÁI BÁ DŨNG - THÁI LỘC

TTO - Đầu năm 2016, thông tin về đợt khảo cổ di chỉ sơ kỳ đá cũ, những dấu hiệu của người tiền sử được ghi nhận ở An Khê do đoàn các nhà khảo cổ học Nga và Việt Nam công bố đã gây sửng sốt trong giới khảo cổ học.

Các chuyên gia khảo cổ học quốc tế bàn luận về những hiện vật khai quật được từ các di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê - Ảnh: Thái Lộc
Các chuyên gia khảo cổ học quốc tế bàn luận về những hiện vật khai quật được từ các di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê - Ảnh: Thái Lộc

Từ trước rày bà con chỉ biết cày cuốc, rồi trồng mía vậy chớ có biết cái gì đâu. Đào lên nhiều khi lưỡi cuốc va phải đá cứng méo hết cả lưỡi, chúng tôi lại phải nhặt đá vứt đi chứ không biết đó là đá có giá trị khảo cổ học

Ông Nguyễn Đình Sơn

Những vùng gò đồi ven sông Ba của thị xã An Khê - nằm giáp ranh giữa Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đã có những dấu vết được ghi nhận như sự xuất hiện lâu đời nhất của loài người.

Dưới cái nắng bỏng rát đặc trưng bên lòng hồ thủy điện An Khê Kanak, các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia Nga đang mải miết bên những hố khai quật mới.

Các chuyên gia này cho biết sau khi những mẫu vật khai quật được từ những đợt trước được gửi đi và xác định niên đại chính xác, công việc đi tìm kiếm hiện vật đang ngày càng hấp dẫn hơn.

Từ đá vô tri đến... đá triệu năm

Thị xã An Khê nằm ở phía đông tỉnh Gia Lai, tại điểm tiếp giáp của cao nguyên trung phần với tỉnh Bình Định từ lâu nay được biết đến là một vùng quê nghèo của người dân gốc Bình Định. Nhắc đến An Khê, nhiều người chỉ biết đến Tây Sơn thượng đạo, nơi người anh hùng “áo vải cờ đào” dấy binh dựng nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - bí thư Thị ủy An Khê - báo cho chúng tôi những kết quả đầu tiên trong lần đoàn các nhà khoa học đến đây tổ chức khảo cổ:

“Các nhà khoa học hàng đầu về đồ đá cũ của Nga là các chuyên gia được đánh giá cao, nhưng khi họ trực tiếp nhặt lên những mẫu vật tại đây, có chuyên gia đã bật khóc. Họ nói rằng chính An Khê có thể là nơi ghi dấu sự xuất hiện lâu nhất của loài người. Nếu đúng như vậy thì có thể đây sẽ là một bước ngoặt lớn cho địa phương chúng tôi”.

Bí thư Lịch dẫn chúng tôi tới những địa điểm mà các nhà khảo cổ đang tỉ mẩn đào bới, gạt từng hạt đất để dò tìm các mẩu đá. Thật khó tưởng tượng một vùng đất bạc màu, lâu nay người dân chỉ sống còm cõi, nghèo nàn với cây mía và các loại nông sản có giá trị thấp lại đang chứa những giá trị vô giá của nhân loại.

Nghe đến từ “kho báu vô giá”, nhiều người dân phường An Bình hay xã Xuân An... - nơi có các hố khai quật - đều giật mình. Vùng này đất pha cát, chỉ cách mặt đất vài gang tay là chi chít những khối đá đủ kích thước, sâu hơn phía dưới là lớp đá ong.

“Từ trước rày bà con chỉ biết cày cuốc, rồi trồng mía vậy chớ có biết cái gì đâu. Đào lên nhiều khi lưỡi cuốc va phải đá cứng méo hết cả lưỡi, chúng tôi lại phải nhặt đá vứt đi chứ không biết đó là đá có giá trị khảo cổ học”- ông Nguyễn Đình Sơn, một người dân có rẫy mía ở xã Xuân An, nói.

Câu chuyện “đá triệu năm” được các nhà khoa học xuống tận nơi giải thích cùng người dân tổ chức bảo vệ, khai quật đã làm dân khấp khởi chen lẫn lo lắng.

Ông Nguyễn Xuân Diện ở thôn An Xuân 1, xã Xuân An đã gần ba tuần nay theo chân đoàn khảo cổ học đi đào bới, giúp việc tại các hố khai quật.

Cầm trên tay mẩu đá có hình thù chẳng khác gì hòn đá vứt đi, ông Diện nói cắc cớ: “Nghe nhà khoa học nói vậy thì tụi tui biết là quý chớ thật tình tui cũng chẳng biết cục đá này là hình cái gì, quý ở chỗ nào. Nếu như trước đây đi cày đất trồng mía, gặp hòn đá thế này tụi tui ném xuống lòng hồ để đỡ va phải lưỡi cuốc rồi”.

“Kho báu” tình cờ

Kết quả điều tra nghiêm túc và xác tín của các nhà khoa học bước đầu cho thấy các mẫu vật phát hiện ở những cánh đồng mía của nông dân thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có niên đại trên dưới 800.000 năm. Một số mẫu vật tuổi có thể lớn hơn, theo tính toán dựa trên tầng văn hóa và sự xuất hiện cùng giai đoạn của các mẫu thiên thạch (tectit).

Từ một vùng đất vốn không có gì nổi bật ngoài những ồn ào liên quan đến một dòng sông Ba đã chết vì thủy điện An Khê Kanak, An Khê đang đứng trước một cơ hội lớn trong câu chuyện về văn hóa loài người.

Tây Nguyên bao la mênh mông, làm sao những hòn đá tưởng như vô tri vô giác lại có thể lọt vào tầm ngắm của các nhà khảo cổ học để rồi gây sự chú ý cho cả thế giới?

Nghe câu hỏi này, Phan Thanh Toàn - thành viên đoàn khai quật di chỉ đồ đá cũ ở An Khê - cười vang: “Đó là câu chuyện đi tìm các hòn đá triệu năm mà với những người làm nghề như chúng tôi thì đôi khi tìm ra chỉ nhờ một cú vấp toét cả móng chân”.

Anh Toàn cho biết tháng 6-2014 khi Viện Khảo cổ học cùng các đoàn chuyên gia Nga đã gắn bó với nhau, đang miệt mài trong những hang động ở di chỉ Con Moong (Thanh Hóa) thì anh một mình ôm balô ngược dòng sông Ba đi tìm những dấu vết khảo cổ ở vùng An Khê, K’Bang (tỉnh Gia Lai).

Bằng kinh nghiệm của người sành sỏi trong việc lần lại dấu vết lịch sử loài người, khi đi trên những cánh đồng bên mép lòng hồ thủy điện, những hòn đá được vứt lăn lóc bên các hố đất mới được người dân đào bới để làm mương thủy lợi khiến anh tò mò.

Một buổi sáng, Toàn cùng Trần Đình Luân - cán bộ Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo (thị xã An Khê) - lang thang trên các mô đất thì phát hiện ngay dưới chân mình những hòn đá có hình thù kỳ lạ.

“Những hòn đá đấy bị chôn chặt dưới lòng đất hàng mét, khi máy múc đào bới làm kênh thủy lợi tưới tiêu cho bà con thì chúng bị xới tung lên. Lần đầu cầm trên tay, cả hai chúng tôi đã suýt reo lên vì sung sướng bởi bằng mắt của kẻ làm nghề khảo cổ, chúng tôi nhận ra đó là một công cụ lao động quá đẹp” - Toàn kể.

Anh Phan Thanh Toàn (trái) và PGS.TS Nguyễn Khắc Sử trong chuyến điều tra, phát hiện di tích ở Rộc Tưng, An Khê - Ảnh: Viện Khảo cổ học VN
Anh Phan Thanh Toàn (trái) và PGS.TS Nguyễn Khắc Sử trong chuyến điều tra, phát hiện di tích ở Rộc Tưng, An Khê - Ảnh: Viện Khảo cổ học VN

Anh Phan Thanh Toàn cho biết sau khi những mẫu vật đầu tiên ở gò đồi đất trồng mía của nông dân xã Xuân An, thị xã An Khê được phát hiện, Toàn và Luân chụp ảnh gửi qua mail để các cộng sự, đồng nghiệp và chuyên gia Nga đang có mặt ở hang Con Moong xem.

Qua hình ảnh, một bước ngoặt đã chuyển hướng, thay đổi toàn bộ kế hoạch được vạch ra từ trước: những chuyên gia Nga nhận ra các viên đá được gửi đi từ An Khê có thể là minh chứng của một “kho báu”.

Kế hoạch khai quật ở Lạng Sơn mà đoàn đã lên lịch sẵn liền bị hủy bỏ. Các chuyên gia quyết định rời Con Moong của Thanh Hóa, chuyển đến An Khê của Gia Lai để thực hiện một hành trình nghiên cứu mới...

_____________________

Kỳ tới: Bất ngờ nối tiếp

THÁI BÁ DŨNG - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên