Phóng to |
Hàng ngàn hecta cao su giai đoạn mới khai thác ở Nông trường thị trấn Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình bị bão quật đổ - Ảnh: Thuận Thắng |
Vừa đi vòng vòng quanh vườn cao su rộng 1ha trên vùng đồi thôn Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, anh Lê Phước Xuân vừa lẩm bẩm điều gì đó không rõ tiếng, chỉ thấy ánh mắt anh như dại đi.
Hơn 500 cây cao su trồng từ năm 1997, đang độ thu hoạch mủ tốt nhất, chỉ sau ba giờ càn quét của cơn bão số 10 chiều 30-9, nay chỉ là một đống cây cối đổ ngổn ngang, tan tác. Hình như nỗi đau lớn đến mức anh Xuân không còn khóc được. Trò chuyện với chúng tôi nhưng anh cứ nhìn đâu đâu lên chỗ thân cao su gãy toác, ở đó nhựa trắng cứ ứa ra, nước như nước mắt.
Mủ hay nước mắt...
Năm 1997, phong trào trồng cao su tiểu điền phát triển mạnh ở vùng đông Vĩnh Linh. Như thôn Liêm Công Tây của anh mỗi nhà nhiều thì tầm 1ha, ít cũng được 0,5ha. Khi bắt tay trồng cây cũng chỉ hi vọng thôi, không ai nghĩ một ngày cây cao su trở thành “nồi cơm” của cả gia đình. Bao nhiêu khoản chi tiêu đều cậy nhờ vào nó. Sau bảy năm cho thu hoạch. Những năm đầu mủ cao su được giá, mỗi ngày cứ đều đều thu vào 800.000-1 triệu đồng. Với người nông dân, số tiền đó là cả một thiên đàng.
Tất nhiên cũng phải trừ chi phí chăm bón. Để có được vườn cao su cho năng suất “khét tiếng” của vùng, gia đình anh cũng vay vốn ngân hàng để đầu tư, chăm sóc. Bây giờ nợ ngân hàng vẫn còn. Nhưng vườn cao su đã không còn! Chúng tôi sẽ khó lòng quên được ánh mắt của anh Xuân cũng như nhiều nông dân khác đang tái dại đi khi đứng giữa vườn cây của mình như anh Trần Văn An ở thôn Hương Nam, xã Vĩnh Kim, anh Nguyễn Trương Trị ở Vĩnh Thành... Cả Vĩnh Linh bị thiệt hại 4.000ha cao su, hầu hết đều đã và chuẩn bị cho thu hoạch.
16.900 Đó là số hecta cao su bị bão số 10 tàn phá. Trong đó, tỉnh Quảng Bình gãy đổ hơn 10.000ha (trong tổng 18.000ha cao su), Quảng Trị gần 6.900ha (trong tổng gần 15.000ha). Nguồn: Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương |
Vĩnh Linh gần với Quảng Bình, giáp tâm bão nên bị tàn phá mạnh. Mấy xã vùng đông Vĩnh Linh lại gần biển nên thiệt hại quá nặng. Ở xã Vĩnh Thạch, hơn 70% diện tích trong số 400ha cao su bị gãy. Đi qua Vĩnh Hiền, Vĩnh Kim, Vĩnh Thành..., những vùng quê vốn trù phú nhất huyện nhờ đây là vùng bazan vô cùng màu mỡ, cây cao su đặt xuống cứ bời bời lên xanh, sản lượng mủ luôn cao gấp rưỡi các vùng khác, bây giờ trước cảnh hoang tàn, có người ví như bị “một trận bom B52”. Ngày xưa Vĩnh Linh là “lũy thép”, là “túi bom”, ký ức hãi hùng những trận bom xưa lại tái hiện sau trận bão số 10 chỉ quét qua mấy giờ đồng hồ, cơ đồ sản nghiệp hàng ngàn nông dân bỗng chốc tan tành.
Ngất giữa vườn cây
Chị Lê Thị Hạnh ở thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị vẫn còn nguyên vẻ mặt thất thần dù cơn bão đã tan từ chiều hôm trước. Có khách, chị lững thững bước ra chào mà tưởng chừng như chực ngã. Khi bão vừa tạm lắng, chị chạy vào lô cao su nhà mình. Khung cảnh tan hoang làm chị xỉu tại chỗ. Chồng chị thấy vợ đi lâu không về nên chạy lên lô tìm mới phát hiện.
Năm 2005, cùng với gần 100 cặp vợ chồng trẻ khác của vùng Vĩnh Linh, vợ chồng chị lên Rào Trường xây dựng làng thanh niên lập nghiệp. Hai vợ chồng quyết định đầu tư vào cây cao su để lập nghiệp sau này. Hai người lăn lộn giữa núi rừng khai hoang được khoảng 2ha đất để trồng cao su. Chị ngày ngày cặm cụi lam lũ chăm bẵm từng mầm cây. Trong khi chồng chị đi làm thuê để có tiền đầu tư cho 1.000 gốc cao su mang theo cả niềm hi vọng của gia đình nhỏ này.
“Tui chăm dữ lắm, có khi hơn cả chăm con nữa. Mỗi ngày 5g sáng đã ra vườn. Trưa đứng bóng vẫn còn khom lưng vun từng gốc cây. Mồ hôi, nước mắt đổ vô đó cả” - chị nấc nghẹn. Vậy mà cả 1.000 gốc cao su 8 năm tuổi của chị đếm tới đếm lui chỉ còn chưa đầy 100 gốc còn nguyên. Còn lại ngả nghiêng theo bão. “Toàn bộ 100 hộ dân ở vùng thanh niên lập nghiệp này đều trông cậy vào rừng cao su. Ngày mới lên ai cũng tay trắng khai hoang. Sau tám năm, giờ cả vùng này lại về tay trắng” - chị Hoa, một hộ dân trong thôn Rào Trường, chia sẻ.
Ông Nghiêm Văn Học ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình có 6ha cao su vừa thu hoạch một tháng nay bị bão tàn phá 80% diện tích - Ảnh: Thuận Thắng |
“Thủ phủ cao su” trắng tay
Huyện Bố Trạch được xem là “thủ phủ cao su” của Quảng Bình, và cao su tập trung nhiều nhất ở thị trấn Nông trường Việt Trung. Đường Hồ Chí Minh chạy qua đây ngày nào bạt ngàn cao su hai bên, nay là một bãi ngổn ngang, cây gãy lởm chởm nằm rạp đất, trốc gốc sau bão. Tại rừng cao su thuộc tiểu khu Quyết Tiến - thị trấn Nông trường Việt Trung, chiều 1-10 ông Trần Văn Thành thẫn thờ ngồi nhìn 2ha cao su 6 tuổi đang nằm rạp sát đất mà chẳng biết phải làm gì. Trong suốt sáu năm qua, vợ chồng ông còng lưng làm thuê để vừa nuôi hai con trai học đại học, vừa đổ dồn vào việc chăm bón cho cao su. Đầu năm nay, ông khai thác mủ năm đầu tiên, chưa thu được mấy đồng thì bão ập đến. “Bão lấy đi tất cả rồi!” - ông nói. Ông Thành không chỉ trắng tay mà còn không biết cách gì để trả số nợ gần 100 triệu đồng, trong khi tương lai hai đứa con đang mờ mịt.
Hoàn cảnh tương tự là ông Nguyễn Văn Thắng ở tiểu khu Hữu Nghị, người vừa mất trắng 6ha cao su cho mủ năm đầu tiên. Đầu năm nay, ông đi vay thêm mấy chục triệu đồng để bón phân cho cây, nâng số nợ lên mấy trăm triệu đồng, nhưng cũng yên tâm vì tất cả cao su đang đồng loạt đưa vào khai thác. Chưa kịp trả đồng nào thì bão ập đến. Ông nói: “Trong vài tháng nữa chưa chắc tui đã đụng đến vườn cao su này vì không có tiền để thuê xe máy dọn nó, mỗi “héc” (hecta) xe múc hết 5 triệu!”. Ngày đầu tiên sau bão, hầu hết người trồng cao su đều cho rằng đã quá “kinh hãi” với cao su và gần như chắc chắn sẽ không trồng mới nữa, dễ trắng tay trong phút chốc như chơi.
Toàn bộ 20 tiểu khu của thị trấn Nông trường Việt Trung hiện có trên 500 hộ trồng hơn 1.500ha cao su, và gần như mất trắng.
Ông Phạm Xuân Thành, phó giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Trung, cho biết toàn công ty hiện trồng khoảng 3.000ha cao su. Cơn bão qua đã quật ngã khoảng 80%, khiến việc làm của hơn 1.600 cán bộ công nhân viên rơi vào cảnh nan giải. Tư liệu sản xuất chính gần như mất trắng nên việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động hết sức khó khăn.
Tập trung khắc phục hậu quả cơn bão Ngày 30-9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh phải theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chỉ đạo ứng phó, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở, an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Đối với các tỉnh bị thiệt hại nặng do bão số 10 gây ra, phải khẩn trương tổ chức ngay việc kiểm tra nắm chắc tình hình thiệt hại để xử lý kịp thời: cứu chữa người bị thương, hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết, nhà bị sập đổ hư hỏng; huy động mọi nguồn lực để xử lý ách tắc giao thông, khắc phục sự cố thông tin, điện lực, xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân. * Đến thời điểm này, theo thông tin phóng viên Tuổi Trẻ nắm được, có 7 người thiệt mạng (Quảng Bình 5, Thanh Hóa 2) và 3 người mất tích (Nghệ An 2, Quảng Bình 1). |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Huế: 30 căn nhà bị sập và tốc máiGió bão tại Quảng Bình đã nhẹ hơn, miền Trung mất điện diện rộngSóng biển đánh sập hàng trăm mét bờ kè biển Hội AnBão chưa tan, ngư dân liều mình ra biểnBão số 10: Ba người bị thương, hàng chục ngàn nhà bị sập, tốc máiQuảng Bình: 2 người chết vì bị tháp ăngten đèChủ nhân những ngôi nhà sập đổ đó là người nghèo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận