15/03/2017 11:28 GMT+7

Dấu ấn Tổng thống Trump trong cuộc chiến chống IS

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Khi đặt chân vào Nhà Trắng ngày 20-1, tân Tổng thống Donald Trump có ngay ý tưởng về đường lối chiến lược của Mỹ với khu vực Trung Đông, trong đó ưu tiên hàng đầu là tiêu diệt IS ở Iraq - Syria.

Quân đội Iraq phóng tên lửa tiêu diệt IS ở Mosul tháng 2-2017 - Ảnh: Reuters
Quân đội Iraq phóng tên lửa tiêu diệt IS ở Mosul tháng 2-2017 - Ảnh: Reuters

Riêng về đánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ông Trump giao cho Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo một kế hoạch chiến lược phải hoàn thành trong thời gian 30 ngày.

Đầu tháng 3, có tin về việc kế hoạch này đã được chuyển đến Nhà Trắng để tổng thống xem xét quyết định.

Tăng cường can dự trực tiếp

Theo truyền thông Mỹ, trong kế hoạch mới này của Bộ Quốc phòng, nhiều nội dung được cho là khác xa so với thời tổng thống Barack Obama.

Một trong những khác biệt đó là tăng cường sự can dự trực tiếp của quân đội Mỹ tại chiến trường, mặc dù vẫn không huy động quy mô lớn.

Một số nội dung cụ thể được tiết lộ liên quan đến nội dung này như: tăng cường các nhóm biệt kích đặc nhiệm Mỹ để luồn sâu chỉ điểm mục tiêu; tiêu diệt hoặc bắt cóc các thủ lĩnh IS; tăng cường yểm trợ hỏa lực bằng máy bay lên thẳng vũ trang hiện đại, xe tăng, pháo binh hạng nặng... do Mỹ sử dụng; tăng cường cố vấn quân sự Mỹ tại các đơn vị đồng minh địa phương ở chiến tuyến; trao quyền chủ động cho các sĩ quan Mỹ hiện diện tại chiến trường để xử lý nhanh các yêu cầu chiến đấu tức thời...

Chưa thấy Tổng thống Trump quyết định chính thức về kế hoạch tổng thể của Bộ Quốc phòng Mỹ đánh IS ở Iraq - Syria, nhưng những diễn biến gần đây tại chiến trường Mosul và Reqqa đang thể hiện nhiều nét mới khẳng định sự can dự vượt trội của Mỹ so với thời Obama.

Thực tế tại chiến trường Mosul và Reqqa

Trước khi bắt đầu giai đoạn 2 của chiến dịch giải phóng Mosul (từ ngày 19-2), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jems Mattis đã đến Baghdad để trực tiếp làm việc với Thủ tướng Hayda’r al-Abadi, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iraq.

Nội dung bàn bạc đôi bên thế nào không được tiết lộ, nhưng thấy ngay những động thái khác thường của quân đội Mỹ tại chiến trường Mosul. Quân số Mỹ không tăng hơn trước đó (hơn 5.000 người), nhưng sĩ quan Mỹ tham gia trực tiếp ban chỉ huy tác chiến.

Cố vấn quân sự Mỹ tiếp cận các đơn vị Iraq ở ngay tuyến đầu. Xe tăng, pháo binh hạng nặng và máy bay lên thẳng vũ trang hiện đại do Mỹ sử dụng tăng cường yểm trợ hỏa lực dày đặc cho quân Iraq.

Nhờ hỏa lực chính xác của Mỹ dọn đường, quân đội Iraq không quá khó khăn để vượt qua các phòng tuyến cố thủ của IS bên ngoài nội thành Mosul. Việc chuyển hướng tấn công từ phía nam thay vì từ phía đông để tránh phải vượt sông al-Furat cũng được xem là lựa chọn chỉ có Mỹ mới kham nổi, bởi nếu không có hỏa lực mạnh kiểu Mỹ thì khó vượt qua khu vực sân bay và căn cứ quân sự trọng yếu mà IS cố thủ ở phía nam để tiến đến thành phố Mosul.

Mỹ còn can dự vào việc điều phối các lực lượng Iraq tham gia chiến dịch, nhằm giảm thiểu tối đa những phức tạp nảy sinh do tranh chấp giữa các phe phái Iraq khác nhau.

Không còn thấy sự hiện diện của các tướng lĩnh Iran tại bộ chỉ huy chiến trường như với các chiến dịch đánh IS trước đây ở Iraq. Lực lượng dân binh theo dòng Shi’a được cho là do Iran điều khiển, đã được triển khai ở mặt trận phía tây từ trước, nay cũng không thể mở rộng khu vực kiểm soát do không được không quân yểm trợ.

Kiểu “tăng cường can dự trực tiếp” này đang được thể hiện cả ở chiến trường bao vây cô lập Reqqa (thủ phủ của IS ở Syria). Tướng Joseph Votal, tư lệnh bộ chỉ huy trung tâm (CENCOM) của Mỹ ở Trung Đông, cũng đã tới khu vực đông bắc nước này để thị sát chiến dịch “al-Furat nổi giận” chuẩn bị cho tấn công đánh Reqqa.

Tại đây ngày 9-3, tướng Votal tuyên bố công khai quân đội Mỹ sẽ không rút khỏi Syria sau khi đã xóa sổ IS.

Mỹ không thể dựa vào quân đội chính phủ của Tổng thống Basha’r al-Assad, nên quân Mỹ bổ sung mới một tiểu đoàn pháo binh hạng nặng của thủy quân lục chiến, nâng tổng số quân nhân Mỹ tại Syria lên khoảng 1.000 người.

Đầu tháng 3, quân Mỹ thậm chí đã cắm quốc kỳ trên chiến xa tuần tra công khai tại thành phố Menbij đã được giải phóng khỏi IS hồi tháng 8-2016.

Hiệu quả rõ rệt

Việc quân đội Mỹ tăng cường can dự trực tiếp cho thấy hiệu quả rõ rệt trên chiến trường đánh IS cả ở Mosul và Reqqa. Tại Mosul, lực lượng Iraq tiến nhanh hơn hẳn so với giai đoạn 1 của chiến dịch.

Mới sau 20 ngày, quân Iraq đã chiếm được 1/3 các khu phố nội thành Mosul, trong đó có khu vực trung tâm hành chính - công quyền của tỉnh Ninawa mà Mosul là thủ phủ. Tình hình chiến trường khả quan vượt quá mong đợi khiến thủ tướng Iraq cho rằng có thể xóa sổ IS tại Mosul trong vòng một tháng nữa.

Khi bắt đầu chiến dịch hồi đầu năm, al-Abadi còn dự trù phải mất sáu tháng để hoàn thành mục tiêu này.

Ở mặt trận Reqqa, ngày 12-3, lực lượng đồng minh của Mỹ đánh IS đã cắt đứt xa lộ từ thủ phủ của IS xuống phía nam, khiến lực lượng khủng bố tại thành phố này rơi vào tình thế bị bao vây cô lập hoàn toàn với các địa phương khác.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên