02/06/2018 11:15 GMT+7

'Đất vàng' vào tay ai?

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Khi Tuổi Trẻ thông tin về cuộc thâu tóm "đất vàng" ở Huế thông qua con đường mua lại cổ phần nhà nước, có bạn đọc đã gọi cho phóng viên Tuổi Trẻ nói rằng phải gọi đó là đất "vàng ròng" mới đúng.

Đất vàng vào tay ai? - Ảnh 1.

Bởi vì những khu đất này đều nằm trên dải đất đắc địa với hai mặt tiền: sông Hương và đường Lê Lợi - con đường đẹp nhất cố đô. Trên những khu đất "vàng ròng" đó còn có những khách sạn cao cấp 4-5 sao hàng đầu của du lịch Việt Nam.

Vì vậy, đất "vàng ròng" này không chỉ của Huế, mà là tài sản của cả quốc gia. Và cũng vì vậy, đất "vàng ròng" phải giao vào tay "nhà đầu tư vàng", đó là nhà đầu tư có thương hiệu lớn, năng lực chuyên môn cao, tài chính dồi dào... Và Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư đã được chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế "chọn mặt để gửi vàng" nhằm đột phá phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Huế.

Gần ba năm trước, tháng 10-2015, một buổi lễ ký kết nhà đầu tư chiến lược được chính quyền tỉnh tổ chức rất long trọng. Biên bản với những cam kết tươi sáng khiến nhân dân và cán bộ cả tỉnh nức lòng: đầu tư các dự án phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang các thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới đến Huế, quảng bá du lịch Huế ra thế giới, đưa ngành du lịch Huế phát triển lên một tầm cao mới...

Thế nhưng chỉ hơn ba tháng sau khi được tỉnh chuyển nhượng cổ phần, nhà đầu tư chiến lược đã tức tốc bán lại số lớn cổ phần cho một doanh nghiệp Hong Kong và doanh nghiệp này trở thành người nắm giữ quyền sử dụng chính của "đất vàng". Gần ba năm sau ngày cam kết làm nhà đầu tư chiến lược, Bitexco hầu như chưa thực hiện một dự án chiến lược nào theo như cam kết (ngoại trừ một dự án bất động sản đã khởi công trước đó).

Cuộc "sang tay" lại có nhiều điểm rất khó hiểu. Giá bán cổ phần của công ty du lịch hàng đầu Huế, nắm giữ các khu đất "vàng ròng" và khách sạn cao cấp, lại thấp đến bất ngờ: 12.600 đồng/cổ phiếu. 62,86% cổ phần là vốn của Nhà nước trong công ty này đã được bán cho Bitexco với 158 tỉ đồng. Và điều đáng nói là bán trực tiếp, không qua đấu giá theo quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết nếu bán đấu giá công khai thì không chọn được nhà đầu tư chiến lược, nên tỉnh đã đề nghị Chính phủ cho thoái vốn trọn lô theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Nhưng liệu có đúng là nếu bán đấu giá thì không chọn được nhà đầu tư chiến lược không? Hay đó là "con đường ngắn nhất" để có "nhà đầu tư chiến lược" mà đến bây giờ ai cũng thấy là "chiến lược" như thế nào?...

Việc giao đất "vàng ròng" cho "nhà đầu tư vàng ròng", theo một cơ chế ưu đãi, để tạo ra một cuộc bứt phá phát triển kinh tế không chỉ là mong mỏi của người dân và chính quyền tỉnh, mà còn là mong muốn của cả Chính phủ. Vì vậy, một khi nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng như cam kết thì coi như cả khối tài sản "vàng ròng" của Huế đã bị bán với giá bèo.

Đến đây, "vàng ròng" của Nhà nước đi qua nhiều con đường, không đấu giá như quy định, rốt cuộc trở thành "vàng ròng" trong túi nhà đầu tư nước ngoài. Nhà nước được gì? Người dân được gì? Địa phương được gì?...

Những câu hỏi nghe thật xót xa...

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên