Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh: TỰ TRUNG
Với tư cách chủ tịch UBND TP.HCM, tôi hứa với người dân TP.HCM là việc giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, về tăng trưởng, những vấn đề mà người dân đang đối mặt hằng ngày sẽ là ưu tiên số 1.
Ông NGUYỄN THÀNH PHONG
Cơ chế đặc thù cho TP.HCM được Quốc hội thông qua sau hơn một năm rưỡi thành phố bắt tay vào xây dựng đề án, nhưng ông Nguyễn Thành Phong bắt đầu câu chuyện bằng một mốc từ nhiều thập kỷ trước đó.
Ông nói: Nếu nói về sự ấp ủ có một cơ chế đặc thù thì từ rất lâu, từng giai đoạn TP.HCM đều có sự đi trước và bứt phá.
Chúng ta nhớ là năm 1982, Bộ Chính trị đã có nghị quyết 01, đặt mục tiêu dài hạn đưa thành phố trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước và tiến tới là trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Rồi từ năm 2005, thành phố đã lên kế hoạch cụ thể về một cơ chế đặc thù cho giai đoạn phát triển hiện nay.
Thành phố ấp ủ điều đó không chỉ cho riêng mình, vùng đất này cần một "chiếc áo" mới, vừa vặn hơn về cơ chế chính sách để phát triển hơn nữa, làm đầu tàu mạnh mẽ hơn nữa cho cả nước.
"Điểm cộng" trước khi bấm nút
* 460/465 đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên biểu quyết đã nhấn nút tán thành thông qua nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Quá trình hoàn thiện và thuyết phục Quốc hội thông qua cơ chế đó đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
Nền tảng để có cơ chế này như tôi vừa nói là có từ rất lâu, qua nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố.
Thời điểm bắt tay xây dựng cơ chế đặc thù cho TP.HCM từ tháng 6-2016 kết hợp với quá trình chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2020.
Từ lúc đó, lãnh đạo TP.HCM hầu như tuần nào cũng nhắc tới đề án, thường xuyên có những cuộc họp đôn đốc, xem xét, chỉnh sửa từng nội dung. UBND TP cũng bố trí hẳn bộ phận chuyên trách để đôn đốc, xây dựng đề án và làm cầu nối liên lạc với các bộ ngành trung ương.
Khi trình bày đề án cơ chế đặc thù lần đầu tiên tại Hội nghị Thành ủy vào tháng 8-2017, nhiều đại biểu đã rất tâm đắc khi đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân sử dụng máy chiếu, trình bày diễn giải đề án trong gần ba giờ đồng hồ, giải thích cặn kẽ từng chi tiết trong nội dung dài mấy chục trang giấy.
Và khi làm việc với với bộ ngành, các ủy ban của Quốc hội đến Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị thì lãnh đạo TP.HCM đều là người trực tiếp trình bày nội dung, trả lời, thảo luận từng điểm trong đề án.
Một số đại biểu Quốc hội nói với chúng tôi đó là một "điểm cộng" để họ bấm nút thông qua đề án.
Thành phố Hồ Chí Minh rực sáng nhìn từ trên cao - Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG
* Dường như đã có một cuộc "chạy nước rút", bởi từ khi Bộ Chính trị đồng ý chủ trương về cơ chế đặc thù cho TP.HCM đến khi Quốc hội thông qua nghị quyết chỉ vỏn vẹn một tháng?
Lúc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương về cơ chế đặc thù, thành phố rất phấn khởi nhưng thú thật là rất lo vì phải hoàn chỉnh đề án để Quốc hội thông qua chỉ trong một tháng.
Lãnh đạo TP.HCM quyết tâm phải hoàn chỉnh đề án theo tinh thần khẩn trương, chu đáo, khoa học và phù hợp các quy định pháp luật.
Trên cơ sở pháp luật và thực tiễn của thành phố, lãnh đạo thành phố đã trình bày, thuyết phục lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và nhận được sự thống nhất là thực hiện đề án theo thủ tục rút gọn, vẫn đảm bảo quy định nhưng làm nhanh trong một kỳ họp.
Phải nói là TP.HCM rất cảm kích về điều này, vì nếu để sang kỳ họp Quốc hội tháng 5-2018 mới thông qua nghị quyết thì coi như mất thêm một năm, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo.
Vì vậy lãnh đạo Thành ủy, HĐND TP, UBND TP cho đến các sở ngành đều "chạy nước rút". Các cuộc họp về cơ chế đặc thù cho thành phố lúc này hầu hết không đưa tin trên báo chí nhưng diễn ra liên tục, khẩn trương và thường là sau giờ làm việc chính thức cho đến khuya để hoàn chỉnh các nội dung một cách thấu đáo, hợp lý.
Những ngày đó, trong thường trực UBND TP hầu như lúc nào cũng có người ở Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố do Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân chủ trì có rất nhiều cuộc họp với bộ ngành, các ủy ban Quốc hội để thảo luận và chốt các phương án trong đề án.
Thời gian này nhiều chuyên viên và cán bộ thành phố trở thành khách quen của Nhà khách Chính phủ 35 Hùng Vương, trong cặp đầy văn bản, tài liệu để chuẩn bị cho các cuộc làm việc bất kể giờ giấc giữa TP.HCM và trung ương.
Phải nói là tranh luận rất thẳng thắn, nhưng tinh thần chung là "thành phố vì cả nước, cả nước vì thành phố" nên các cơ quan trung ương đều đồng cảm, chia sẻ, mau chóng chốt được phương án trong từng nội dung.
Và kết quả là nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với tỉ lệ rất cao ngày 24-11-2017.
Các bạn trẻ vui chơi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: HỮU KHOA
Thành phố của cả nước
* Dường như ngoài trách nhiệm công việc, các lãnh đạo, cán bộ TP.HCM đã tham gia quá trình xây dựng, hoàn thiện đề án đặc thù bằng cảm xúc và trách nhiệm của một công dân của mảnh đất mình gắn bó?
Tôi không nghĩ chỉ lãnh đạo hay người dân TP.HCM mới có cảm xúc đó. Ngày Quốc hội thảo luận cơ chế đặc thù ở phòng Diên Hồng, các lãnh đạo TP.HCM và nhiều sở ngành đều có mặt để lắng nghe. 29/29 đại biểu Quốc hội phát biểu hôm đó đều đồng ý cần có cơ chế đặc thù cho thành phố.
Và điều mang lại cho chúng tôi cảm xúc lớn nhất là nhiều đại biểu dù không phải là người TP.HCM, không sống và làm việc ở TP.HCM nhưng đã đưa dẫn chứng, bày tỏ sự am hiểu sâu sắc không khác gì những người gắn bó lâu năm với Sài Gòn - TP.HCM.
Đại biểu Dương Trung Quốc nhắc lịch sử hơn 300 năm phát triển, về sự "trầm uất" của thành phố vì thiếu cơ chế; đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhắc quá trình tiên phong của thành phố và cho rằng đừng để TP phải "xé rào" lần nữa; đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) coi đây là một cơ hội cho cả nước chứ không chỉ vì TP.HCM...
Nghe những chia sẻ ấy ở phòng Diên Hồng, tôi càng hiểu đâu chỉ người dân TP.HCM mới cảm thấy mảnh đất này là máu thịt mà Sài Gòn - TP.HCM đã luôn có sự gắn kết tự nhiên, là mảnh đất lành với người dân cả nước.
Và trách nhiệm của chúng tôi là phải làm cho thành phố này phát triển hơn nữa.
* Người dân TP.HCM có thể hình dung ra sao về vóc dáng của thành phố mình khi thực hiện cơ chế đặc thù này, thưa ông?
Câu hỏi này làm tôi nghĩ ngay đến những bất cập mà nhiều năm qua người dân TP.HCM phải hứng chịu khi hạ tầng không theo kịp sự phát triển, đó là tắc giao thông, kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường...
Khi xây dựng đề án trình trung ương, chúng tôi đã tính toán kỹ lưỡng và cam kết trong 10 năm (2021 - 2030) sẽ góp thêm cho trung ương hơn 632.000 tỉ đồng từ cơ chế đặc thù.
Và tất nhiên nguồn lực thành phố được giữ lại cũng sẽ không nhỏ, ưu tiên trong ngắn hạn là dùng nguồn lực tăng thêm này giải quyết ngay những bất cập yếu kém trong hạ tầng đô thị, những bất cập mà người dân đang hứng chịu.
Xây công trình gì, giải quyết điểm bất cập nào các cơ quan chuyên môn của thành phố sẽ tính toán cụ thể vào từng thời điểm.
Nhưng với tư cách chủ tịch UBND TP.HCM, tôi hứa với người dân TP.HCM là việc giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, về tăng trưởng, những vấn đề mà người dân đang đối mặt hằng ngày sẽ là ưu tiên số 1 trong việc sử dụng nguồn lực được tạo ra từ cơ chế đặc thù.
Nỗ lực tối đa
* TP.HCM cam kết đóng góp ngân sách cho trung ương nhiều hơn, thu nhập cán bộ công chức cao hơn, dân được phục vụ tốt hơn từ cơ chế đặc thù... Các phần việc triển khai để hiện thực hóa cam kết này đang và sẽ được thực hiện ra sao?
Thực sự chúng tôi đang đứng trước một khối lượng công việc rất lớn để thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM. UBND TP đã đưa ra danh mục 11 đề án thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, phân cấp ủy quyền, dự án, quản lý đất đai; 10 nội dung, đề án khác về lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Quá trình triển khai sẽ thực hiện lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, đánh giá tác động xã hội trước khi tổ chức triển khai thực hiện.
Mỗi đề án chúng tôi đều phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân là lãnh đạo sở, ngành trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm về tiến độ, với ba mốc thời gian là trình lên UBND TP, Ban thường vụ Thành ủy, HĐND TP.
Rất khẩn trương nên đa số đều phải được trình trong tháng 2, tháng 3-2018 để HĐND TP họp bất thường trong quý 1-2018 xem xét. Chỉ có một số đề án cần sự đầu tư lâu hơn, nhưng hạn định thời gian đều phải trong năm 2018.
UBND TP đã lập hai tổ chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung, đề án. Tổ thứ nhất do Chủ tịch UBND TP và giám đốc Sở Nội vụ chỉ đạo; tổ thứ hai do Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến và giám đốc Sở Tài chính chỉ đạo.
TP.HCM sẽ nỗ lực tối đa để cụ thể hóa các nội dung nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào thực tế, phát huy hiệu quả để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Mỗi người dân hãy tham gia tích cực
Trong các nội dung mà TP.HCM được thực hiện theo cơ chế đặc thù, có những nội dung tác động gián tiếp và phải qua thời gian mới thấy được tác động to lớn của nó lên các mặt của đời sống. Nhưng cũng có những việc mà người dân có thể sớm thấy được hiệu quả.
Khi chủ tịch UBND TP được phân cấp phân quyền cho cấp quận huyện, sở ngành chủ động đưa ra các quyết định thì công việc sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn. Các đơn vị được phân cấp cũng sẽ phải tự tổ chức, tự hoàn thiện mình để phục vụ người dân nhanh chóng hơn, chất lượng tốt hơn.
Với các dự án mà trước nay theo quy định phải do trung ương quyết định, nay được giao về cho TP.HCM thì thủ tục, thời gian sẽ được rút ngắn, dự án được thực hiện nhanh hơn. Việc tăng thu nhập cho cán bộ công chức làm cho đời sống của gia đình những người này sẽ được nâng lên.
Và người dân cũng sẽ hưởng lợi từ việc cán bộ công chức có đời sống cao, bởi đãi ngộ xứng đáng thì những người tài sẽ về TP.HCM nhiều hơn, chất lượng làm việc tốt hơn để đua tranh cho xứng đáng với những điều được hưởng.
Sự quyết tâm của chính quyền đã thể hiện qua sự nỗ lực để có cơ chế đặc thù, bây giờ là lúc cả hệ thống chính quyền, người dân và doanh nghiệp đồng tâm hiệp lực để thực hiện thật tốt, thật hiệu quả, bằng cách tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, thực thi các chương trình kế hoạch mà thành phố đề ra.
Mỗi người dân tham gia nếu không trực tiếp thì có thể giám sát việc thực hiện các chương trình kế hoạch đó.
Ông Trần Anh Tuấn - đại biểu Quốc hội, quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển
Cố gắng hết sức hoàn thành công việc
Là công chức của phường, nghe thông tin về cơ chế đặc thù tôi rất phấn khởi, vì trước giờ công chức ở cấp phường xã công việc tương đối nhiều nhưng lương có phần hạn chế.
Như tôi là công chức tư pháp hộ tịch, công việc khá bận rộn, vừa phụ trách mảng tư pháp, tham mưu cho chủ tịch phường trong việc giải quyết khiếu nại - tố cáo, tham gia công tác hòa giải tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân.
Vì làm tư pháp nên còn phụ trách thêm chứng thực, làm việc ở tổ một cửa của phường. Tôi rất mong muốn TP.HCM có thêm chính sách cho cán bộ công chức cấp phường, xã.
Vui mừng, nhưng cũng vừa lo. Bởi chúng tôi cũng ý thức được kèm theo chính sách tốt là cán bộ công chức phải có trách nhiệm cao hơn với công việc của mình. Công việc mà không hoàn thành, không có sáng tạo trong công tác chuyên môn thì chắc chắn mình sẽ bị đào thải. Bởi vậy, mình cũng tự nhủ phải làm sao cố gắng hết sức hoàn thành tốt công việc.
Bà Dương Thị Cẩm Hồng (công chức tư pháp - hộ tịch phường Thạnh Lộc, quận 12)
Làm việc tốt để xứng đáng hơn
Khi ra trường, đứng trước nhiều cơ hội, chúng tôi đã chọn làm công chức dù hiểu rõ rằng thu nhập có thể sẽ không bằng một số nơi khác. Như bản thân tôi lựa chọn công việc này vì muốn được đóng góp nhiều hơn, trực tiếp hơn qua công tác tham mưu cho lãnh đạo.
Trước thông tin về việc tăng thu nhập cho cán bộ công chức, bản thân tôi cảm thấy vui và có động lực công tác hơn. Và tự bản thân thấy mình phải có trách nhiệm với công việc hơn, để xứng đáng với mức thu nhập được tăng thêm, để phục vụ người dân được tốt hơn, vì nói gì thì tiền đó cũng là từ thuế của người dân, của doanh nghiệp
mà ra.
Nhưng bên cạnh đó, nếu thu nhập tăng cũng đặt ra đòi hỏi cao hơn về năng suất lao động, tính đào thải của công việc cũng sẽ nhiều hơn, nếu mình không làm tốt thì tự mình sẽ đánh mất vị trí của mình.
Anh Nguyễn Huỳnh Phương Bảo (chuyên viên Sở Thông tin - truyền thông)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận