13/04/2018 15:08 GMT+7

Đặt ra vấn đề hành xử nhân văn với robot tình dục

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Trong làn sóng lan tỏa của phong trào #Metoo, vấn đề đạo đức khi quan hệ với robot tình dục đang được đặt ra một cách nghiêm túc để ngăn chặn nạn bạo hành tình dục.

Đặt ra vấn đề hành xử nhân văn với robot tình dục  - Ảnh 1.

Liệu trong tương lai, chủ sở hữu có phải được sự đồng ý của robot tình dục trước khi làm chuyện ấy? - Ảnh: AFP

Mặc dù những nhà phát triển robot tình dục tuyên bố dự án của họ có thể làm tất cả để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhưng có vẻ như họ phải từ chối một số người đàn ông.

Năm ngoái, một robot tình dục tên là Samantha đã "bị lạm dụng" đến mức gãy hai ngón tay, hỏng ngực, và tổn hại ở nhiều bộ phận khác dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng bởi một nhóm những người đàn ông quá đà tại Hội chợ Arts Electronica ngành công nghệ ở Áo.

Ông Sergi Santos - "cha đẻ" của Samantha và là kỹ sư của công ty Synthea Amatus, khẳng định đã lập trình Samantha với trí tuệ nhân tạo để có thể phản ứng với kiểu sex "nhẹ nhàng, lãng mạn" chứ không phải kiểu "bạo lực".

Vụ việc này làm dấy lên tranh luận về vấn đề đạo đức hành xử với máy móc và liệu robot tình dục có cần được đối xử như một quý cô?

Các nhà khoa học máy tính gần đây đã nhấn mạnh về việc con người đang phớt lờ thực tế là họ có thể làm hư hại nghiêm trọng đến máy móc vì chúng không biết "nói không".

Đặt ra vấn đề hành xử nhân văn với robot tình dục  - Ảnh 2.

Robot tình dục có trí tuệ nhân tạo đầu tiên mang tên Samantha được bán với giá khoảng 4.000 USD và hơn 30 người đã mua cô về nhà - Ảnh: BREIBART

Theo trang Sputnik của Nga, cô Kate Devlin - giảng viên tại Đại học Goldsmiths ở Anh, là một trong những người đã đặt câu hỏi về việc liệu robot sex có nên có quyền không và có nên coi robot như con người và với những mong muốn, cảm nhận đúng sai theo giá trị đạo đức của con người. Điều này có nghĩa là robot cũng có thể đồng thuận hoặc từ chối quan hệ, giống như con người.

Nhà nghiên cứu Lily Frank bà Sven Nyholm của trường Đại học Kỹ thuật Eindhoven ở Hà Lan tin rằng trong tương lai robot tình dục với hình dáng và cảm xúc giống con người sẽ rất tinh vi đủ để có ý thức ở một mức độ nhất định và có thể có ý kiến về việc "quan hệ" với người.

Theo họ, về mặt luật pháp, đưa khái niệm đồng thuận vào mối quan hệ giữa người và robot tình dục là quan trọng và nó giúp ngăn chặn việc tạo ra "những nô lệ tình dục hợp pháp".

Nhà lý luận về nữ quyền Rosi Braidotti thì cho rằng nên đề cao vấn đề đạo đức dựa trên trách nhiệm đối xử giữa các loài và đạo đức sẽ giúp người ta đối xử có nhân văn với robot.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên