03/05/2018 10:39 GMT+7

Đập bỏ dinh Thượng Thơ: 'Mất mát không thể đảo ngược'?

MAI HOA - ÁI NHÂN -  THIÊN ĐIỂU
MAI HOA - ÁI NHÂN - THIÊN ĐIỂU

TTO - Lãnh đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc và Văn phòng UBND TP.HCM tại cuộc họp báo ngày 2-5 đã cho biết dinh Thượng Thơ không phải là di tích nên không được bảo tồn.

Đập bỏ dinh Thượng Thơ: Mất mát không thể đảo ngược? - Ảnh 1.

Tòa nhà 128 năm tuổi này sẽ biến mất ở Sài Gòn? - Ảnh: Tự Trung

Trước đó, khi có thông tin về việc xóa bỏ tòa nhà này trong phương án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP, nhiều tờ báo đã lên tiếng về việc cần cân nhắc giá trị kiến trúc, lịch sử của tòa nhà cũng như có nên mở rộng trụ sở UBND TP ngay khu đất vốn chịu nhiều áp lực về giao thông.

Nếu như việc ra quyết định đập bỏ hay không chỉ dựa trên việc công trình đó có là di tích hay không, có thể hầu hết mọi thứ đặc sắc của thành phố sẽ bị phá hủy và thay thế, kể cả những tòa biệt thự kiểu Pháp đã xuống cấp - thứ tạo nên nét duyên dáng rất đặc biệt cho những phố phường Hà Nội lẫn Sài Gòn

TS Martin RaMa

"Không đưa vào bảo tồn"

Ông Nguyễn Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc, cho biết sau hai tuần triển lãm phương án mở rộng và nâng cấp trụ sở UBND TP.HCM, đơn vị này nhận được khoảng 110 phiếu ý kiến góp ý.

Qua các ý kiến, có một vấn đề người dân quan tâm là việc bảo tồn khối nhà cổ phía sau UBND TP ở số 59-61 Lý Tự Trọng, thời Pháp thuộc là Sở Nội vụ Nam Kỳ, người dân xưa còn gọi là dinh Thượng Thơ, hiện nay là trụ sở của Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương.

"Thành phố đã xem xét kỹ, công trình này không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa - thể thao. Chỉ cần có trong danh mục, dù chưa được kiểm kê cũng sẽ được ứng xử như di tích. Nhưng nó không nằm trong danh mục nên bước đầu không đưa vào bảo tồn" - ông Nhã cho biết.

Ông Nhã chia sẻ việc nuối tiếc các công trình cổ. Tuy nhiên theo ông, về chuyên môn kỹ thuật có nhiều cách giữ lại, có thể chỉ giữ lại một số nét kiến trúc, hoặc tái lập một số mô hình để lại.

Theo ông Nhã, thế giới đang triển khai theo hướng đó, chỉ những cái nào được công nhận chính thức là di tích mới phải giữ gìn hoàn toàn.

Ông Võ Văn Hoan - chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP.HCM - nói thêm: "Khi lục lại mọi hồ sơ thì thấy tòa nhà đó không nằm trong danh mục di tích để bảo quản, bảo tồn. Tôi chia sẻ ý kiến của các nhà bảo tồn, nhưng cũng đồng ý với ông Nhã là có nhiều cách bảo tồn".

Ông Hoan cũng khẳng định: "Chúng tôi nhận thức rằng việc nâng cấp sửa chữa trụ sở này rất nhạy cảm. Nên chúng tôi rất tôn trọng các ý kiến khác nhau để xử lý cho hài hòa, thống nhất".

Đập bỏ dinh Thượng Thơ: Mất mát không thể đảo ngược? - Ảnh 3.

Dinh Thượng Thơ đang là trụ sở của 2 sở thuộc TP.HCM

Cải tạo đô thị cần nhạy cảm với văn hóa

Trao đổi với Tuổi Trẻ về câu chuyện thành phố có nên ưu tiên cho giữ gìn sự đặc sắc của đô thị, TS Martin Rama - giám đốc dự án tại Trung tâm phát triển đô thị bền vững (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cũng là giám đốc khu vực Nam Á của Ngân hàng Thế giới - nói:

"Chính quyền địa phương đã làm rất tốt trong giới hạn việc bảo tồn một số tòa nhà thuộc địa tráng lệ nhất của TP.HCM. Nhà hát lớn, Bảo tàng Mỹ thuật, văn phòng kho bạc cũ trên đường Nguyễn Huệ, hoặc tòa nhà hải quan trên sông Sài Gòn là những ví dụ tuyệt vời về sự bảo tồn trang nhã.

Nhưng cũng có một số thất vọng về bảo tồn trong thời gian gần đây. Việc phá hủy các tòa nhà của nhà máy đóng tàu Ba Son, hoặc nhà thờ Thủ Thiêm là đáng thất vọng. Những công trình này nằm trong 20 hoặc 30 ví dụ quan trọng nhất về kiến trúc Pháp tại TP.HCM. Và sự biến mất của chúng đại diện cho một sự mất mát không thể đảo ngược của TP.HCM".

Tuy nhiên, theo ông Martin, sự phá hủy đáng tiếc với các di sản dường như là không thể tránh khỏi trong giai đoạn đầu của phát triển kinh tế: "Những năm 1950 và 1960, trong sự vội vã để trở nên thịnh vượng hơn, các thành phố châu Âu đã có những lựa chọn tương tự.

Brussels "nổi tiếng" vì đã phá hủy "Ngôi nhà của nhân dân" - một trong những tòa nhà theo trường phái Tân nghệ thuật danh tiếng nhất trên thế giới. Còn Paris từng tiến rất gần đến quyết định phá hủy nhà ga Orsay - nơi ngày nay được tổ chức thành một bảo tàng của thế kỷ 19, được 4 triệu khách du lịch ghé thăm mỗi năm.

Trong trường hợp TP.HCM, tôi chỉ có thể hi vọng rằng sẽ có một cuộc tranh luận cân bằng về những ưu và nhược điểm của việc phá hủy dinh Thượng Thơ, một trong những viên đá kiến trúc quý còn sót lại của "Paris của phương Đông"".

Ông nhấn mạnh: "Chính sách cải tạo đô thị nhạy cảm với văn hóa không phải chỉ tập trung vào những địa danh chính, thuộc vào danh sách Di sản văn hóa của UNESCO hay danh sách những di tích cần bảo vệ".

Bạn đọc phản biện

Ý kiến của trên 100 bạn đọc Tuổi Trẻ xoay quanh câu chuyện này từ bài báo đầu tiên ("Thiết kế trụ sở UBND TP.HCM: Nhiều ý kiến trái chiều", Tuổi Trẻ ngày 22-4) đến nay hầu hết đều không đồng thuận với quan điểm của cán bộ Sở Quy hoạch - kiến trúc.

Trong những phản hồi mới nhất trước phát biểu của lãnh đạo sở về việc không bảo tồn dinh Thượng Thơ trên Tuổi Trẻ Online ngày 2-5, bạn đọc tiếp tục phản biện: "Dinh này so với thời gian thì nó là dinh cổ, với kiến trúc cổ xưa. Và với người dân Sài Gòn, dinh Thượng Thơ là kiến trúc cổ kính cần phải bảo tồn" (một bạn đọc tên Hà).

Bạn đọc lấy nick Olala viết: "Nếu tính đến và tôn trọng yếu tố văn hóa, lịch sử, thành phố nên giữ lại những kiến trúc xưa cổ như là một di tích của Sài Gòn xưa. Thật kỳ lạ khi lý do là "không nằm trong danh sách bảo tồn" vì danh sách là do chúng ta lập ra và ta có thể thay đổi... đưa vào chứ".

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, phương án tốt nhất với dinh Thượng Thơ là...

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Tòa nhà Dinh Thượng Thơ không phải là di tích Tòa nhà Dinh Thượng Thơ không phải là di tích

TTO - Dù có nhiều ý kiến tỏ ra nuối tiếc công trình này, tuy nhiên lãnh đạo TP.HCM cho biết công trình này không nằm trong danh mục di tích lịch sử.

MAI HOA - ÁI NHÂN - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên