23/05/2020 08:51 GMT+7

Đảo ngọc không thể là ngọc cho cán bộ tha hóa kiếm chác

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Dư luận đang chờ đợi lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vào cuộc xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân cán bộ sai phạm.

Đảo ngọc không thể là ngọc cho cán bộ tha hóa kiếm chác - Ảnh 1.

Một góc đảo ngọc Phú Quốc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đất đai cứ như một miếng mồi béo bở đưa cán bộ hư hỏng vào tròng. Sau sai phạm liên quan đến đất đai khiến hàng loạt cán bộ ở nhiều nơi khác bị kỷ luật chưa lắng dịu, gần đây Thanh tra Chính phủ công bố kết luận sai phạm đất đai ở đảo Phú Quốc, một loạt đơn vị, cán bộ ở Kiên Giang bị đề nghị kiểm điểm, kỷ luật, thậm chí làm nghiêm còn có thể phải vào "lò" vì dính sai phạm.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu sai phạm xảy ra ở hòn đảo này, nhưng sao sai phạm cứ nối tiếp sai phạm mà không ngăn chặn được? Và một câu hỏi lớn đặt ra cần có câu trả lời: trách nhiệm của lãnh đạo huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang ra sao khi để xảy ra sai phạm kéo dài nhiều năm, chẳng lẽ sai phạm sờ sờ nhưng lãnh đạo tỉnh không thấy, không biết và vô can?

Thực tế thời gian qua cứ mỗi lần đảo Phú Quốc được Chính phủ quy hoạch thì liền sau đó đất đai càng "sốt", càng tăng giá. Đỉnh điểm sốt đất và cũng mất mát nhiều cán bộ nhất là năm 2003, khi ấy Phú Quốc được Chính phủ quy hoạch xây dựng thành khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. 

Quy hoạch công bố chưa ráo mực, lập tức đất đai tăng giá phi mã, hàng loạt khu rừng nguyên sinh, bờ biển đẹp được quan chức địa phương này đua nhau "xí phần" sang nhượng, trục lợi. Hậu quả là trên 20 cán bộ, trong đó có 2 phó chủ tịch UBND tỉnh bị kỷ luật cảnh cáo; chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng Phòng địa chính - tài nguyên môi trường huyện đảo Phú Quốc... bị khởi tố bắt giam, tập thể Ban thường vụ Huyện ủy Phú Quốc bị kỷ luật cảnh cáo.

Cứ ngỡ sau lần "ngã ngựa" này, Kiên Giang sẽ không để lặp lại, nào ngờ 16 năm sau sai phạm tương tự tái diễn mức độ nghiêm trọng hơn, thất thoát tài sản của Nhà nước lớn hơn. Lý giải nguyên nhân Phú Quốc "dính" sai phạm, tỉnh Kiên Giang một mặt thừa nhận có việc buông lỏng quản lý đất đai, nhưng cũng đưa ra hàng loạt lý do khách quan. 

Tuy nhiên những "lý do khách quan" không thể xoa dịu dư luận, vì Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm ở Phú Quốc không chỉ do cấp huyện, mà do buông lỏng quản lý của chính lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2017 và nhiều sở, ngành cấp tỉnh.

Những sai phạm đất đai ở Phú Quốc thời gian qua cho thấy có tình trạng "bắt tay" giữa cán bộ ký quyết định chuyển mục đích sử dụng đất với doanh nghiệp và các "cò" đất, biến đất công, đất rừng thành đất tư nhân với giá "bèo". 

Hệ thống quản lý đất đai tại Phú Quốc bị buông lỏng, thả nổi nhiều năm; có chuyện xử lý cán bộ làm sai xuề xòa không nghiêm, không đúng pháp luật, thậm chí còn có việc cán bộ dính sai phạm lại được lên vị trí cao hơn nên nhờn... 

Dư luận đang chờ đợi lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vào cuộc xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân cán bộ sai phạm, kiên quyết loại ra khỏi cấp ủy khóa mới những cán bộ sai phạm, thu hồi tài sản tiền bạc cho Nhà nước, lập lại trật tự kỷ cương trên đảo. Đồng thời cần có biện pháp tăng cường vai trò giám sát các cơ quan quản lý đất đai, cán bộ có thẩm quyền ký duyệt dự án để ngăn ngừa phát sinh "điểm nóng" đất đai, không tiếp tục mất thêm đất công, đất rừng.

Để Phú Quốc là đảo ngọc, chứ không thể là "ngọc" cho những cán bộ tha hóa kiếm chác và rơi vào vòng lao lý.

Buông lỏng quản lý, Phú Quốc bị băm nát vì phân lô tách thửa, giá đất bị đẩy lên gấp trăm lần Buông lỏng quản lý, Phú Quốc bị băm nát vì phân lô tách thửa, giá đất bị đẩy lên gấp trăm lần

TTO - Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2017.

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên