27/07/2012 04:30 GMT+7

"Băm nát" Phú Quốc: không thuộc bài học Phan Thiết

LÊ NAM thực hiện
LÊ NAM thực hiện

TT - Liên quan đến những quy hoạch đảo Phú Quốc bị thay đổi, băm nát..., TS Phạm Trung Lương - viện phó Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch VN - cho biết nếu không chấn chỉnh, Phú Quốc sẽ còn bị “băm nát”.

“Băm nát” Phú Quốc"Băm nát" Phú Quốc: kiên quyết thu hồi dự án treo

yke6mIM3.jpgPhóng to

Nhiều nhà đầu tư cho biết hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm - Ảnh: Chí Quốc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương nói:

- Từ năm 2000 chúng tôi đã xác định đảo Phú Quốc có một vị trí rất đặc biệt trong chiến lược phát triển du lịch VN. Trong hệ thống đảo của VN đang được khai thác, Phú Quốc là đảo lớn nhất ở VN và có tiềm năng khai thác du lịch rất lớn. Nơi này gần như hội đủ các loại hình du lịch: rừng quốc gia, sông, núi, biển, du lịch văn hóa gắn với làng chài truyền thống...

Phú Quốc còn có thuận lợi lớn trong kết nối đường biển, đường không với các hoạt động du lịch trong khu vực. Trong quy hoạch mà chúng tôi xây dựng đã được Tổ chức Thương mại thế giới hỗ trợ, tư vấn trình Thủ tướng Chính phủ thông qua, Phú Quốc sẽ trở thành thiên đường riêng với những cú hích, chính sách phát triển thuận lợi nhất để có thể phát huy những thuận lợi vốn có của mình. Phú Quốc sẽ là đột phá về du lịch đảo chất lượng cao của VN. Hơn 10 năm trước chúng tôi đã đề xuất trong quy hoạch cho phép du khách đến Phú Quốc không cần visa (thị thực), cho phép xây dựng casino...

Vì vậy, tôi đã “sốc” khi biết Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng ở Phú Quốc... Trước đây, Phú Quốc từng bị quan chức, người dân trắng trợn xẻ rừng bán đất, xí phần... Tuy không rầm rộ, công khai nhưng rõ ràng vẫn có hiện tượng đầu cơ kiếm lợi của không ít người.

m1j4nnTK.jpgPhóng toÔng Phạm Trung Lương - Ảnh: L.Nam* Trong quy hoạch mà Tổng cục Du lịch xây dựng có đề xuất nhiều sân golf như hiện nay không, thưa ông?

- Du lịch cao cấp phải gắn liền với sân golf nhưng thực tế chúng tôi đã không hề đề xuất đến năm sân golf mà chỉ có ba tại đảo. Không hiểu tại sao và ai đã điều chỉnh lại quy hoạch này. Chúng tôi khi làm quy hoạch đã cân nhắc rất kỹ nên chỉ đề nghị có ba sân golf ở nam đảo, trung đảo, bắc đảo mỗi nơi một sân golf. Vị trí đề nghị quy hoạch sân golf đã được tính toán để không ảnh hưởng đến không gian tạo giá trị gia tăng về du lịch biển, không vi phạm những quy định bảo vệ rừng quốc gia...

* Theo ông, có 95 dự án bị đề nghị thu hồi hầu hết là du lịch sinh thái, liệu có phá vỡ quy hoạch?

- Không biết các dự án này có nằm trong các đề xuất của Tổng cục Du lịch hay nó nằm trong các điều chỉnh dự án sau này mà chính quyền địa phương cho phép và chủ đầu tư không thực hiện. Nhưng có điều là chính quyền địa phương khi điều chỉnh, thay đổi quy hoạch chưa từng hỏi ý kiến của cơ quan quản lý cao nhất về du lịch: Tổng cục Du lịch VN. Chúng tôi không hề biết những điều chỉnh này. Phải nhớ rằng đây không phải là khu du lịch của địa phương mà nơi đây là khu du lịch quốc gia. Mọi thay đổi quy hoạch phải có ý kiến tham vấn của Tổng cục Du lịch. Ai đã phê duyệt, cấp nào đã đồng ý phê duyệt sự thay đổi quy hoạch đã được Tổng cục Du lịch, Thủ tướng xem xét phê duyệt, thông qua phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Bài học quy hoạch các khu resort Mũi Né (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho thấy không tuân thủ quy hoạch đã phải trả giá quá đắt: du lịch biển Phan Thiết không tạo ra sản phẩm cạnh tranh, các resort san sát nhau, ngăn không còn đường xuống các bãi tắm công cộng...

Theo đúng quy hoạch, mỗi resort phải có quy mô 10ha chứ không phải băm ra 1-2ha/resort như hiện nay thì Phan Thiết còn nổi tiếng nữa. Nhưng có thể chia sẻ được vì năng lực đầu tư của nhà đầu tư còn hạn chế, không thể thực hiện được như mình mong muốn và không thể phủ kín những vùng đã quy hoạch.

Bây giờ nhìn lại mới thấy resort quy mô nhỏ quá không thể tạo sản phẩm du lịch cạnh tranh với các nước trong khu vực và nó tạo bức tường thành không cho dân ra biển. Đó là chuyện ngày xưa chứ giờ mà để bài học này xảy ra cho Phú Quốc thì không thể chấp nhận được.

Kéo dài, dân còn khổ!

Sở dĩ có tình trạng chấp thuận chủ trương, cấp phép đầu tư dự án du lịch tràn lan, “băm nát” đảo Phú Quốc như hiện nay là do đã có thời kỳ chúng ta quản lý theo kiểu đi tắt. Những năm trước đây việc cấp phép là thẩm quyền của UBND tỉnh. Điều lạ là hồi ấy tỉnh cấp phép mà không tham khảo ý kiến huyện, xã như thế nào. Trường hợp dự án của Công ty BIM ở xã Dương Tơ là một ví dụ. Tỉnh cấp phép mà huyện không hay, khi chủ đầu tư đến chìa quyết định có chữ ký, dấu đỏ hẳn hoi rồi cứ thế mà làm đã khiến dân bức xúc.

Bây giờ mới nói chuyện thu hồi các dự án chậm triển khai tuy có muộn, nhưng theo tôi, là cần thiết bởi nếu càng để tình trạng này kéo dài thì dân thêm khổ mà Phú Quốc cũng không phát triển được. Có những dự án ra đời gần chục năm, chủ đầu tư không chịu triển khai mà cũng không thấy cơ quan chức năng nói gì. Lúc đó, dừa dân mới trồng cũng bị nhổ bỏ do sợ đền bù phải bồi thường giá cao. Phải chi cứ để yên đó, đến bây giờ gần chục năm dừa có trái, dân có nguồn sống cũng đỡ phần nào.

Những dự án khai thác du lịch bản chất là dự án kinh doanh, lẽ ra phải để chủ đầu tư và người dân có đất tự thỏa thuận đền bù, Nhà nước chỉ làm trung gian để đảm bảo quyền lợi của đôi bên. Đằng này Nhà nước cứ ôm chuyện đền bù, giải tỏa thay cho chủ đầu tư và do đó áp giá đền bù thấp, giá nền tái định cư thì cao ngất nên dân chịu thiệt. Hầu hết các trường hợp thu hồi của dân vài ngàn mét vuông nhưng đền bù không đủ mua nền tái định cư. Tôi từng góp ý với lãnh đạo huyện rằng cứ đà này, không khéo dân gánh hậu quả và lúc đó Nhà nước phải lo đi cứu trợ.

Tôi biết có dự án đã đầu tư cũng ở Phú Quốc nhưng nhà đầu tư nước ngoài tự chuyển nhượng đất của dân đủ theo nhu cầu của mình rồi xin lập dự án khai thác du lịch, dân được bồi thường thỏa đáng nên đâu thấy ai kêu khổ. Hoặc có thể Nhà nước chỉ quản lý trên quy hoạch, cho phép người dân góp đất cùng chủ đầu tư làm dự án rồi chia lợi nhuận theo tỉ lệ góp vốn. Nếu được như vậy chủ đầu tư đỡ lo phần đất, dân không bị thiệt thòi quyền lợi mà còn có thể làm giàu trên mảnh đất của mình và Nhà nước cũng khỏi bận tâm chuyện giải tỏa, tái định cư.

LÊ NAM thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên