Phóng to |
Một góc Bãi Trường thuộc xã Dương Tơ - nơi có tới 38 dự án nhưng hiện vẫn rất hoang sơ - Ảnh: C.QUỐC |
Phóng to |
Hạ tầng giao thông “dở dở ương ương” là một trong những nguyên nhân để các chủ đầu tư giải thích cho việc chậm triển khai các dự án - Ảnh: N.TRIỀU |
Theo kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020, quỹ đất dành cho các khu du lịch tại huyện đảo Phú Quốc là 1.800ha, đến năm 2030 là 3.861ha nhưng hiện tại việc chấp thuận chủ trương, cấp phép đầu tư các dự án du lịch tại đảo lên đến... 6.971ha, vượt xa kế hoạch cho phép.
Dự án “treo” giăng khắp nơi
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết luận thanh tra công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng ở Kiên Giang, qua đó phát hiện nhiều sai phạm trong việc cấp phép đầu tư các dự án tại huyện đảo Phú Quốc. Trong số 95 dự án bị Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi, có tới 59 dự án có chức năng du lịch (trong số đó có tới 37 dự án là du lịch sinh thái).
Đa số dự án có diện tích vài hecta đến vài chục hecta, có dự án khá “khủng” chiếm diện tích vài trăm hecta như khu du lịch sinh thái ở núi Mắt Quỷ (xã Dương Tơ) quy mô 194,5ha, dự án khu du lịch ở Bãi Trường (xã Dương Tơ) và dự án khu du lịch sinh thái Bãi Bổn (xã Hàm Ninh) cùng có diện tích 164ha... Điều đáng nói, những dự án có diện tích lớn như vậy đều bị Thanh tra Chính phủ xác định “không phù hợp quy hoạch”.
"Tình trạng nôn nóng thu hút đầu tư bằng mọi giá rồi ký cấp dự án ào ào như vừa qua đang băm nát đảo và kìm hãm sự quyết tâm biến đảo Phú Quốc thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế " |
Tới thời điểm hiện nay, tại huyện Phú Quốc có tổng cộng 229 dự án đầu tư với tổng diện tích đăng ký hơn 10.700ha nhưng số dự án đang triển khai thi công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo Thanh tra Chính phủ, trong số này mới có 56 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, còn lại đang lập quy hoạch chi tiết hoặc đang rà soát quy hoạch. Tính đến tháng 7-2011 chỉ có chín dự án được đưa vào hoạt động.
Ngoài cấp dự án tràn lan, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng việc quản lý rừng phòng hộ của UBND huyện Phú Quốc “rất lỏng lẻo”. Diện tích rừng phòng hộ hiện trạng năm 2005 của Phú Quốc là 11.653ha, theo kế hoạch đến năm 2010 giảm còn khoảng 7.813ha, nhưng thống kê đến cuối năm 2010 diện tích thực tế rừng phòng hộ chỉ còn khoảng 4.254ha.
Phóng to |
Người dân ở ấp Đường Bào (khu vực Bãi Trường, xã Dương Tơ) sống tạm bợ do khu vực này chờ giải tỏa để làm dự án - Ảnh: C.QUỐC |
Dân kêu khổ
Trở lại khu vực Bãi Trường (thuộc hai xã Dương Tơ và An Thới) vào tháng 7, thực tế cho thấy trong số 38 dự án khu đô thị, khu du lịch tại đây chỉ có... một dự án khu du lịch sinh thái Quý Hải (của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng - dịch vụ Quý Hải) đang được triển khai thi công. Những dự án còn lại đều trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Hầu hết người dân ở đây đều trong tình trạng chờ giải tỏa và đang sống trong những căn nhà tạm bợ ven khu vực Bãi Trường.
Tại Bãi Vòng, những người dân ở đây đều ngán ngẩm vì phải sống trong quy hoạch gần 10 năm qua nhưng “mặt mũi” sân golf Bãi Vòng không thấy đâu. Khu vực dự án sân golf có diện tích 575ha này hiện tại chỉ có những căn nhà lụp xụp và những khu đất trống với cây cỏ um tùm.
Ông Trần Thái Bình - phó chủ tịch UBND xã Hàm Ninh - cho biết đây là dự án thuộc loại có diện tích lớn nhất và thời gian triển khai lâu nhất trong tổng số 26 dự án chưa triển khai trên địa bàn xã (dự án sân golf có chủ trương đầu tư năm 2004), mãi đến vừa rồi chủ đầu tư (Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Sài Gòn) mới phát phiếu thăm dò trong dân. Theo ông Bình, dù dự án này chưa triển khai nhưng trước đó đã có thông báo thu hồi đất nên người dân ở đây không thể làm giấy đỏ, bà con muốn vay tiền nhưng không có gì để thế chấp.
Tại thị trấn Dương Đông, tình hình cũng không khá hơn. Ông Trần Phò - một hộ dân ở tổ 12, khu phố 9 (thị trấn Dương Đông) - bức xúc cho biết gia đình ông rất khốn khổ vì đất đai dính vào quy hoạch cùng lúc hai dự án du lịch và khu dân cư “treo”.
“Họ đến cắm cột mốc đo đạc và phát phiếu thăm dò từ khi đứa cháu nội tui chưa tròn 2 tuổi, nay nó đã học lớp 6 rồi mà chẳng thấy họ làm gì cả, nhiều năm nay không làm được giấy tờ, nhà muốn sửa lại cũng bị chính quyền cấm” - ông Phò phàn nàn.
Theo bà Nguyễn Hồng Thúy - trưởng khu phố 9, địa bàn khu phố có trên 1.000 hộ dân, nhưng có đến gần một nửa số hộ có đất hoặc nhà dính vào quy hoạch của bốn dự án đã “treo” cả chục năm nay. “Tiếp xúc hằng ngày với dân nên thấy bà con sống trong vùng quy hoạch “treo” khổ lắm, nhà xuống cấp không được xây dựng, vay vốn làm ăn cũng không được vì không có giấy tờ. Kỳ họp HĐND thị trấn lần nào tui cũng phản ảnh đề nghị cần xóa những dự án “treo” quá lâu để đảm bảo quyền lợi cho dân nhưng lãnh đạo cứ trả lời sẽ phản ảnh lên cấp trên, việc này nằm ngoài khả năng của chính quyền cơ sở” - bà Thúy cho hay.
Nhà đầu tư cũng kêu khổ
Theo Thanh tra Chính phủ, trong năm dự án sân golf ở huyện đảo Phú Quốc chỉ có một dự án đang tiến hành đền bù, còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Cá biệt dự án sân golf Bãi Thơm (xã Bãi Thơm) dù chưa có chủ trương cho phép đầu tư nhưng nhà đầu tư vẫn tiến hành lập quy hoạch chi tiết 1/500. Thanh tra Chính phủ kiến nghị căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf trên toàn quốc, trước mắt cần thu hồi chủ trương đầu tư ba dự án sân golf ở huyện đảo Phú Quốc, chờ ý kiến của Thủ tướng về quy hoạch chung. |
Giám đốc một công ty có trụ sở tại TP.HCM có dự án khá lớn tại đây cho biết thủ tục làm dự án tại đảo Phú Quốc vô cùng nhiêu khê. Ông kể năm 2005 công ty được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, phải mất hơn ba năm loay hoay thương lượng giải tỏa đền bù, xác định ranh giới đất rừng, một năm sau nữa dự án mới có quy hoạch 1/500.
Đến khi hoàn tất các thủ tục lại gặp phải khủng hoảng tài chính, ngân hàng thắt chặt tín dụng nên vuột mất cơ hội. “Nói chúng tôi chậm triển khai xây dựng dự án, hay “xí phần” dự án rồi bỏ đấy là oan cho nhà đầu tư” - vị giám đốc này nói.
Ông Willem Van den Brroek - nhà đầu tư đến từ Úc - cũng nói từ năm 2007 ông được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên 10ha tại Bãi Thơm để xây dựng trường đào tạo nghiệp vụ du lịch và khu du lịch nghỉ dưỡng, nhưng không lâu sau đó ông phát hiện dự án của mình lại được UBND tỉnh Kiên Giang cấp cho một nhà đầu tư khác chồng lên. Bức xúc, ông thuê luật sư tư vấn và đích thân đến gõ cửa các cơ quan quản lý, gặp lãnh đạo từ huyện đến tỉnh.
Gần một năm sau đó, UBND tỉnh chấp thuận giao cho ông 12,9ha ở khu vực Bãi Trường (xã Dương Tơ). Dù đã được phê duyệt và có quy hoạch 1/500 nhưng gần ba năm nay, dự án này vẫn án binh bất động. Lý do: dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư nên ông Willem Van den Brroek chưa có cơ sở pháp lý để kêu gọi các công ty khác cùng liên doanh triển khai dự án. Trong khi đó, Ban quản lý phát triển đảo Phú Quốc lại yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính mới cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Theo ông Trần Minh Tân - giám đốc Công ty Phú Cường - Phú Quốc (một nhà đầu tư có dự án đầu tư nằm trong danh sách các dự án bị kiến nghị thu hồi), công ty ông được tỉnh giao chủ trương đầu tư dự án xây dựng trung tâm kinh tế nghiệp vụ diện tích 28,86ha ở Bãi Trường vào năm 2010. Ngay sau khi nhận dự án, công ty lập tức xúc tiến các thủ tục cần thiết và năm 2011 đã nộp số tiền 8 tỉ đồng (ứng tiền tạm nộp bồi hoàn giải tỏa). Thế nhưng khi khảo sát thực tế thì thấy vị trí đất của dự án vẫn là đất “da beo”, chưa rõ có bao nhiêu hộ dính vào dự án này.
“Dự án cả ngàn tỉ đồng cần phải kêu gọi liên doanh nhưng nhiều cái lại chưa rõ ràng. Cụ thể như giá đất bao nhiêu cũng chưa rõ, doanh nghiệp hỏi thì được trả lời cứ nhận đất đi, giá đất chờ Sở Tài chính tính sau, nói chung là còn mờ mịt như vậy thì doanh nghiệp chúng tôi sao dám bỏ tiền đầu tư xây dựng” - ông Tân bức xúc.
Theo ông Tân, thực tế thời gian qua tại Phú Quốc có chuyện một số nhà đầu tư năng lực kém, xin dự án với mục đích sang bán dự án để hưởng lợi. Tuy nhiên, phần nhiều nhà đầu tư ở đảo Phú Quốc đều có tâm huyết muốn đầu tư làm ăn thật sự nhưng vì các trở ngại khách quan nên chậm đưa dự án vào hoạt động. “Giải pháp cứu nhà đầu tư lúc này là Nhà nước cần chia sẻ, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư nhanh chóng hơn” - ông Tân đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận