Đạo diễn Hoàng Duẩn hóa thân thành chú hề trong chương trình Ước mơ của Thúy mừng sinh nhật các bệnh nhi - Ảnh: NVCC
Trong những ngày báo Tuổi Trẻ kỷ niệm 15 năm chương trình Ước mơ của Thúy, đạo diễn Hoàng Duẩn đăng trên trang cá nhân hình ảnh anh làm chú hề bên các bé bệnh nhi như một sự động viên đầy ấm áp.
Gắn bó với chương trình Ước mơ của Thúy khoảng 10 năm, Hoàng Duẩn cho biết anh thường xuyên đọc Tuổi Trẻ và rất xúc động với Ước mơ của Thúy. Anh đồng hành tham gia tổ chức các chương trình văn nghệ cho bệnh nhi với nguồn lực là đoàn kịch rối Tuổi Xanh, sự hỗ trợ của chương trình Tiếng nói trẻ thơ... Hoàng Duẩn không chỉ làm đạo diễn chương trình mà còn làm chú hề, luân phiên các chương trình với chú hề Si Đô.
"Thương lắm, những lần tổ chức sinh nhật tên của một em có ở đó mà không có mặt, hỏi ra mới hay gia đình không chịu nổi kinh phí phải đưa em về quê. Mà về quê thì không chữa trị và sẽ không biết ra sao? Rồi có những bé vừa truyền nước biển vừa xem chương trình, hào hứng quá vỗ tay tưng bừng khiến máu tràn ra dây nhìn xót lắm" - anh chia sẻ.
Đài chúng tôi thường đặt hàng chương trình cho Hoàng Duẩn phản ánh những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống. Hoàng Duẩn là một trong những đạo diễn năng nổ, lại rất quan tâm những vấn đề của đất nước, TP nên anh viết rất ổn, chắc.
Ông Minh Hải (trưởng ban văn nghệ Đài truyền hình TP.HCM)
* Cơ duyên nào khiến anh gắn bó với chương trình thiếu nhi?
- Tôi xuất thân từ một đứa bé chăn trâu ở vùng quê nghèo Quảng Ngãi. Rồi sau khi học diễn viên, đạo diễn ở Trường Nghệ thuật sân khấu 2, tôi về Đoàn múa rối TP.HCM rồi Nhà hát Kịch TP.HCM. Từ những đơn vị này tôi có cơ hội đi biểu diễn, giao lưu nhiều ở Mỹ, Thụy Điển, Hong Kong, Singapore... Hồi đó tôi còn tham gia Tổ chức Viccom do Pháp tài trợ đi dạy múa rối, diễn kịch cho trẻ em đường phố và đã dẫn các em tham gia Liên hoan sân khấu trẻ em đường phố châu Á ở Campuchia.
Tôi còn phụ trách hai đội kịch rối Tuổi Xanh (quận 4) và One - Two - Three (quận Tân Bình). Chính môi trường đó nên tôi rất mê làm các chương trình cho con nít. Làm gì làm, một năm tôi cũng phải dành 1, 2 dự án làm cho thiếu nhi. Vở kịch rối Công chúa tóc mây hiện đang diễn ở Nhà hát nghệ thuật Phương Nam do tôi làm đạo diễn cũng là một chương trình mà tôi dành nhiều tâm sức như quà tặng cho các bé.
* Hiện anh là giảng viên khoa quản lý văn hóa nghệ thuật Trường đại học Văn hóa TP.HCM, dù công việc khá bận rộn nhưng anh rất mặn mà với những vở kịch, chương trình truyền hình mang tính thời sự như Chuyện bốn mùa, Siêu thị cười và mới đây là một loạt chương trình cập nhật thời sự mùa dịch bệnh Ở nhà vẫn vui... Điều gì khiến anh đắm đuối với dòng kịch khó nhằn này?
- Hồi nhỏ ở quê tôi đã mê đọc Tuổi Trẻ Cười, nhà tôi còn lưu cả chồng chồng báo. Tôi thích tiếng cười châm biếm, cười mà lạc quan chứ không phỉ báng. Rồi sau đó vào Sài Gòn học tôi vẫn theo dõi báo và thích đọc những mục Bút Bi, Thời sự suy nghĩ... trên báo Tuổi Trẻ. Mỗi ngày tôi phải đọc mấy chục bài báo. Chính thói quen đó giúp tôi cập nhật tin tức, thời sự liên tục. Cứ đọc báo là mình nảy ra ý tưởng cho kịch bản mới. Bởi vậy, khi các đơn vị hay nhà đài yêu cầu là tôi viết rất nhanh.
* Thế nhưng kịch thời sự hiện nay cũng rất khó thu hút khán giả?
- Đúng là làm kịch mang tính thời sự rất khó. Kinh nghiệm của tôi là mình lấy hiện tượng thời sự nhưng phải nhấn mạnh, chuyển tải thông điệp sâu xa bên trong. Ví dụ, vở Đám cưới thời @ khi viết tôi lấy những hiện tượng báo chí phản ánh lúc bấy giờ nhưng sâu xa vẫn là sự đau đáu vì cái tính hơn thua tiềm ẩn trong người Việt chúng ta. Đám giỗ phải cúng lớn, mồ mả phải xây to trong khi lúc cha mẹ còn sống lại không biết thương yêu, hiếu thảo với họ.
Thể loại kịch này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Khó từ kịch bản vì không dễ để viết hay, mà viết cho hay thì chỗ nào làm, rồi nhuận bút không đủ sống... Như tôi khoái viết và dựng đề tài này nhưng thường xuyên làm cho các đài vì họ là báo hình, tác phẩm của họ cũng mang tính báo chí nên kịch thời sự phù hợp. Thực tế là những tác giả - đạo diễn theo loại kịch này khó đảm bảo được cuộc sống. Tôi có công ty riêng và làm tổng đạo diễn các lễ hội ở nhiều tỉnh thành, các chương trình sự kiện... nên cũng dễ thở hơn. Nhưng lỡ mê thời sự rồi nên cứ rảnh lại viết và cứ để đó, khi cần là có ngay.
Gặt giải thưởng với kịch lịch sử
Bên cạnh việc yêu thích kịch thiếu nhi và kịch thời sự, Hoàng Duẩn còn mặn mà với kịch lịch sử. Vở cải lương Án tử (tác giả: Lê Văn Quý, chuyển thể cải lương: Võ Tử Uyên) của HTV do anh làm đạo diễn sân khấu nói về tả quân Lê Văn Duyệt đã giành HCV Liên hoan truyền hình toàn quốc. Vở Câu hò đất mẹ trong Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đã đoạt HCV vở diễn và giải đạo diễn xuất sắc nhất cho Hoàng Duẩn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận