Ông ra đi trong vòng tay của gia đình, bạn bè. Tin về sự ra đi của ông khiến bạn bè trong giới làm phim nói riêng, giới văn nghệ trong Nam ngoài Bắc nói chung đều tiếc thương, bởi sinh thời Đào Trọng Khánh được nhiều bạn bè yêu quý vì sự tài hoa và hào sảng của một tâm hồn thi sĩ rộng mở.
Đào Trọng Khánh là một trong những nhà làm phim tài liệu kỳ cựu của điện ảnh Việt Nam. Ông nổi tiếng với các bộ phim tài liệu giàu chất thơ về các lãnh tụ, các bạn bè văn nghệ sĩ và về đề tài văn hóa.
Đào Trọng Khánh - thi sĩ làm phim
Trước khi dấn thân vào sự nghiệp làm phim tài liệu, ông đã làm nhiều thơ được bạn bè yêu thích với bút danh Đào Nguyễn, nhưng ông chỉ làm thơ ngẫu hứng, đọc cho bạn bè nghe rồi… quên, chứ không lưu trữ cẩn thận.
Ông chính là người bạn trong câu thơ của Lưu Quang Vũ được nhiều người ấn tượng: "Thơ Khánh buồn như lòng đất nước / Thơ hay, đời loạn chẳng ai dùng", trong bài thơ có cái tên rất dài được nhiều người yêu thích: Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn.
Thơ của Đào Trọng Khánh khiến một nhà thơ tài năng như Lưu Quang Vũ cũng phải thốt lên khen hay. Đáng tiếc ông không còn giữ được mấy bài, chẳng đủ gom thành tập, nhưng gần đây được in rải rác trong hai tập được gọi là truyện và ký, mang tên Đất và người.
Vậy là cả ba người bạn thơ thân thiết Lưu Quang Vũ, Lâm Râu (nhà thơ, nhà báo Nguyễn Lâm), Đào Trọng Khánh lại được gặp nhau ở một cõi khác, lại uống rượu, làm thơ về nhân dân, về đất nước mình.
Bởi là một thi sĩ làm phim nên phim của ông mang phong cách riêng, giàu chất thơ.
Là người viết lời bình cho rất nhiều phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, lời bình của ông đầy chất thơ và rất sâu sắc.
Đạo diễn Đinh Anh Dũng nói chính chất thơ trong kịch bản và bàng bạc trong cả những khuôn hình của phim Đào Trọng Khánh đã ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách làm phim tài liệu của ông.
Hay tin Đào Trọng Khánh qua đời, từ TP.HCM, đạo diễn Đinh Anh Dũng không khỏi bàng hoàng, tiếc thương.
Tài hoa, hài hước và trong sáng
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, đạo diễn Đinh Anh Dũng kể năm 1982 trong thời gian chờ thi tốt nghiệp, ông may mắn được tham gia cùng Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương làm phim tài liệu với cương vị quay phim chính.
Ông và ba bạn Lưu Hà - Nguyễn Thước - Lê Hồng Chương theo đạo diễn Đào Trọng Khánh làm phim 1/50 giây cuộc đời về nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh.
Đây là một series phim tài liệu gồm năm phim, ông Dũng chỉ tham gia hai phim đầu, là 1/50 giây cuộc đời và Giữ trong tầm mắt.
Làm phim cùng Đào Trọng Khánh, ông Dũng nhận ra không chỉ chất thơ làm nên phong cách riêng mà ông Khánh còn rất giỏi về kịch bản, phát hiện nhiều đề tài độc đáo.
Theo ông Dũng, ông Khánh có nhiều niềm đam mê, phim chỉ là một trong số ấy. Nhưng khi vác máy lên đường thì phim với ông là quan trọng nhất.
"Tôi còn nhớ trong những ngày đi quay cùng nghệ sĩ nghiếp ảnh Võ An Ninh, từ chùa Hương cho đến Sa Pa, buổi chiều sau khi tắt nắng, ông hay nhìn trời, châm thuốc và đọc thơ cho chúng tôi nghe. Rồi bất ngờ vỗ đùi khi nghĩ ra một cảnh quay độc đáo. Ông làm việc nhẹ như không, luôn hài hước nhưng phim thì sâu sắc và hay.
Đó là khoảng thời gian nghèo nhưng đẹp - theo mọi nghĩa: Trong sáng, mơ mộng và ngoài phim không hề nghĩ đến điều gì khác, kể cả tiền. Đó là sự thật!", ông Dũng nhớ về những kỷ niệm đáng yêu với đạo diễn Đào Trọng Khánh.
Ông Dũng còn đặc biệt ấn tượng về sự đọc nhiều, biết lắm của Đào Trọng Khánh. Tài hoa làm vậy nhưng cuộc đời đạo diễn này nhiều lận đận.
Chứng kiến những lận đận nhưng vẫn lạc quan của Đào Trọng Khánh, ông Dũng càng yêu quý, nể trọng. Ông bảo trong khó khăn ông Khánh vẫn luôn dí dỏm, để bớt đi nỗi buồn. Phẩm chất hài hước ngay cả trong khốn khó theo ông Khánh suốt cuộc đời.
Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Ông học điện ảnh rồi đi bộ đội.
Năm 1965 ông bắt đầu làm phim tài liệu, thường được giao làm tư liệu phim về lãnh tụ, những nhà lãnh đạo đất nước, từ Bác Hồ, những người bạn của Bác, đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Hầu hết các phim ông làm ra đều được giải thưởng, với gần 20 giải cao cho các tác phẩm, trong đó có 7 giải cá nhân (ba giải Kịch bản, bốn giải Đạo diễn xuất sắc nhất). Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1985), ông nhận hai giải Bông sen vàng cho hai phim tài liệu: 1/50 giây cuộc đời và Việt Nam - Hồ Chí Minh…
Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm phim tài liệu gồm: 1/50 giây cuộc đời; Việt Nam - Hồ Chí Minh; Vũ nữ Trà Kiệu; Truyền kỳ sự thật; Hình bóng tổ tiên; Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người.
Sau khi về hưu (2005), ông về sống cùng người vợ từng là bạn thanh mai trúc mã tại quê nhà ở Hải Phòng.
Cuối đời, ông đã xuất bản hai tập truyện và ký, in kèm một số bài thơ lẻ mang tên Đất và người, do họa sĩ Lê Thiết Cương, một người bạn, người em thân thiết biên soạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận