21/12/2006 05:08 GMT+7

Đặng Thùy Trâm - Chuyện ngoài nhật ký (kỳ cuối): Mái nhà xưa ở Huế

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Đào Lý Phương viên là tên của khu nhà - từ đường họ Đặng ở số 120 Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, Thành nội Huế, nơi gắn liền với những ngày tháng đầu đời của chị Đặng Thùy Trâm. Về sau này, ngôi từ đường còn là nơi đặt di ảnh thờ chính của chị Trâm trong hàng gia tộc, như là sự trở về của người con đối với di sản của gia đình.

cmbokpIK.jpgPhóng to

Mặt trước Đào Lý Phương viên - Ảnh: Thái Lộc

Kỳ 1: Bác sĩ - nghệ sĩ Kỳ 2: Thùy và Đỗ Mộc Kỳ 3: Sống trong lòng Đức Phổ Kỳ 4: Những người lính “đoàn tàu không số”

Vườn thơm đào, lý

Đào Lý Phương viên (vườn thơm đào, lý - đây là chữ được sử dụng trong văn chương Lý Bạch) nằm ngay ngã tư hướng ra đường Mai Thúc Loan, bên cạnh là đường Lê Thánh Tôn. Bước vào dãy tường rào cổ có hai cổng trụ cao lớn là bức bình phong kiểu cuốn thư làm theo lối xưa, trên đề chữ Hán “Đào Lý Phương viên”.

Không gian sau bức bình phong mở ra một cảm giác rất cổ xưa. Đó có thể là cảm giác do mái ngói liệt chuyển màu rêu phong che trên dãy cột gỗ và hàng cửa bàn khoa của ngôi nhà cổ mang lại... Người đang giữ ngôi từ đường, hai anh em Hoàng Công Sáng và Hoàng Công Sấm, niềm nở dẫn tôi đến ngay bên bàn thờ dòng họ phía trái của căn nhà, nơi có di ảnh chị Đặng Thùy Trâm.

Bàn thờ với nhiều di ảnh được sắp theo từng tầng bậc, theo lời diễn giải của ông Sấm là có đủ cả bốn thế hệ nhà họ Đặng. Phía trên cùng là cụ cố Đặng Như Bá, hàng cuối cùng là di ảnh chị Thùy, người bố Đặng Ngọc Khuê và người em trai Đặng Ngọc Quang. Căn nhà rường cổ ba gian hai chái, hệ thống rường cột, rầm thượng và vách ngăn vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Ngoài ba gian thờ nép vào tường trong, phần lớn diện tích để trống, không có vật dụng dùng cho gia đình.

Cuối thế kỷ 19, cụ Đặng Như Bá (ông cố nội chị Thùy Trâm) từ đất Thường Tín, Hà Tây vào Huế làm quan triều Nguyễn, giữ chức Hàn lâm viện thị giảng, tòng tứ phẩm. Đây là chức quan giảng sách cho vua và thế tử, giúp các học sĩ ở Hàn Lâm viện biên soạn chương sớ... Văn khế lưu trữ còn ghi vào năm 1902, cụ Bá mua lại khu nhà vườn thuộc phường Vĩnh An (phường Thuận Lộc ngày nay) của cửu phẩm Đặng Quang Thị ở Tả ty Bộ Lễ (có tài liệu ghi mua của ông Đặng Quang Lự) giá 70 đồng. Đến năm Khải Định thứ bảy (1922), cụ Bá triệt bỏ nhà tranh, bỏ ra 2.700 đồng để làm lại khu nhà gồm một nhà rường ba gian hai chái, một nhà ba gian lợp ngói, một căn nhà phố hai gian và một nhà bếp bằng tranh tre, hoàn thành đầu năm Khải Định thứ tám (1923). Khu nhà có tên Đào Lý Phương viên bắt đầu từ đó.

Ngôi nhà nằm trong "xóm quan lại" ngày xưa, nơi cư ngụ của các vị quan nhằm thuận tiện di chuyển đến nơi làm việc tại khu Lục Bộ (sáu bộ) của triều đình cạnh đó. Đặc biệt, địa danh ngã tư Âm Hồn mà nó nằm cạnh, đối diện có ngôi miếu cổ Âm Hồn thì không mấy người Huế nào mà không biết bởi nó gắn liền với sự kiện thất thủ kinh đô Huế vào ngày 23-5 năm Ất Dậu (1885).

Nơi để trở về

2ypv5q7Q.jpgPhóng to
Thủ từ Hoàng Công Sấm đang coi sóc di ảnh chị Thùy Trâm trên bàn thờ gia tộc họ Đặng tại Đào Lý Phương viên - Ảnh: THÁI LỘC

“Nhiều thế hệ nối tiếp của nhà họ Đặng ở Đào Lý Phương viên đều có những trí thức rất tiêu biểu cho đất Huế. Trong tám người con của cụ cố Đặng Như Bá có cụ Đặng Ngọc Thụ (thân sinh bác sĩ Đặng Ngọc Khuê) hoạt động trong ngành y và tham tá Đặng Ngọc Chương, có tiếng giỏi thơ văn, Hán học. Ở thế hệ tiếp theo, bác sĩ Đặng Ngọc Khuê - bố chị Trâm - bản thân là một thầy giáo, theo học ngành sư phạm, sau theo ngành tây y; người em con chú là bà Đặng Tống Tịnh Nhơn, hiệu trưởng Trường Đồng Khánh cũ, chồng là giám học Trường Quốc Học Huế Văn Từ Hy nổi tiếng một thời... Hạt giống Thùy Trâm xuất phát từ gốc cây đó!” - nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân nói.

Chị Thùy Trâm sinh vào mùa đông năm 1942. Trong một lần chuyện trò gần đây, người mẹ Doãn Ngọc Trâm cho hay chị Thùy Trâm đã có những ngày tháng đầu đời dưới mái nhà cổ trân quí ở Đào Lý Phương viên. Lúc ấy căn nhà còn vui tươi đông đúc, trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói cười.

Ông Đặng Ngọc Khuê hồi đó cùng vợ, bà Doãn Ngọc Trâm, chuyển ra ở Thanh Hóa dạy học, mang theo con gái đầu lòng Thùy Trâm. Theo lời kể của gia đình, nhiều lần trong thời gian này bé Thùy cũng được đưa về Đào Lý Phương viên thăm nội. Thế rồi đất nước phân chia, gia đình ly tán, mất liên lạc hoàn toàn.

Ông Sáng thủ từ kể rằng: “Lớn lên tôi chỉ nghe mọi người kể có vợ chồng ông cậu ruột cùng con gái đầu tên Thùy sống ở đất Bắc. Mãi đến sau ngày thống nhất năm 1975, từ lá thư cậu gửi vào mới biết là gia đình còn sống. Họ có thêm nhiều anh chị khác nữa, còn chị Thùy thì mãi ra đi”.

Nối được liên lạc, về lại quê nhà, ông Khuê chọn phương án ở lại giữ từ đường, lo nhang khói phụng thờ ông bà đúng với trách nhiệm là cháu đích tôn trong dòng tộc. Ông cũng kịp đưa di ảnh chính của cô con gái Thùy Trâm về nơi từng chứng kiến những tiếng khóc cười đầu đời.

Một người con trai khác là Đặng Ngọc Quang, em chị Thùy, mất ở Liên Xô năm 23 tuổi cũng được đưa về “đoàn tụ” với tổ tiên ngay dưới mái nhà xưa. Sau gần 10 năm lo nghiệp phụng thờ, cơn tai biến làm ông Khuê bán thân bất toại.

Đợt ấy, cơn lũ lớn năm 1985 làm căn nhà ngập sâu, ông cũng suýt chết trước khi được mấy người cháu đưa lên trú náu ở rầm thượng ngôi nhà. Từ đó ông mới chuyển ra Hà Nội sống cùng vợ con. Ông Khuê và gia đình cũng kịp ủy lại cho một người em con chú chị Thùy ở Đà Nẵng là Đặng Ngọc Chữ trông coi, tiếp tục phụng thờ. Nhưng người này rồi cũng lâm trọng bệnh. Từ đó, căn nhà dần trở thành nơi sinh sống của những người cháu họ Hoàng con của bà Đặng Thị Hường, cô ruột chị Thùy, kiêm phần coi sóc.

Cho dù đại gia đình họ Đặng đến nay người mất kẻ còn, người thì ở xa, mẹ và các em của chị Thùy sinh sống mãi tận Hà Nội..., nhưng Đào Lý Phương viên vẫn luôn là nơi trở về của các thành viên trong gia đình. “Hằng năm cứ đến rằm Trung thu, 15-8 âm lịch là bác Doãn Ngọc Trâm đưa con cái vào đây lo giỗ mẹ chồng là bà ngoại tôi, mất từ năm 1999. Thường niên đến 17 tháng giêng gia đình bác cũng vào chạp họ. Chính những di ảnh, thờ tự của gia đình họ trên đất Bắc được chuyển vào thờ chính ở đây, bởi vì tất cả đều xem đây là mái nhà chính, nơi để dồn tụ, để trở về” - ông Sáng tự hào.

Đào Lý Phương viên nằm trên mặt tiền tuyến phố buôn bán sầm uất bậc nhất của thành Huế, tọa lạc giữa khu vườn rộng đến 530m2 khiến không ít người tiếc rẻ một địa thế vàng mở hàng quán kinh doanh. Khu nhà cũng đã bị cơi nới đi nhiều, chỗ thì bị hai người cháu họ Hoàng dùng bán cà phê, chỗ cho thuê bán bún bò, đánh bóng phụ tùng xe máy... Nhưng đến nay nó cơ bản vẫn còn mang dáng dấp khu nhà rường - vườn đặc trưng xứ Huế, có cây cảnh, non bộ, mặt nước và bình phong án ngữ, có không gian để hồi tưởng chuyện xưa.

Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, Đào Lý Phương viên đã trở thành “điểm trở về” quen thuộc của nhiều bạn trẻ Huế và cả nước. Nhiều đoàn viên, thanh niên, các tổ chức đoàn thể và người dân thường đến đây thăm viếng, tưởng niệm và học tập lý tưởng Đặng Thùy Trâm. Khi đến thăm nơi đây ra về, hàng đối hai bên bình phong cuốn thư tiễn khách còn gửi theo điều mà chị Đặng Thùy Trâm đã thể hiện xuyên suốt trong tập nhật ký của mình: “Tài bồi hoa thượng địa - Hàm dưỡng tính trung kiên” (hàm nghĩa: vun đắp cho hoa tốt tươi; con người ta phải nuôi dưỡng để có được đức tính tốt, không thay lòng đổi dạ).

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên